Chuyên gia y tế nổi tiếng: Hãy thử mở đường dây nóng về thiếu thuốc

Trong hàng chục năm làm nghề y, ông chưa từng chứng kiến cảnh thiếu thuốc như hiện tại. Và đặc biệt, dù bệnh viện công thiếu thuốc nhưng bên ngoài vẫn đầy đủ.

Nhiều tháng qua, người bệnh BHYT phải cầm đơn ra bên ngoài bệnh viện mua thuốc. Chỉ cách một chiếc cổng, nhưng phía bên trong, thuốc đã cạn. Có nơi, người bệnh phải mua từng chiếc kim luồn, ống thông... theo yêu cầu của bác sĩ.

Số liệu mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu.

Chứng kiến thời điểm khủng hoảng của ngành y tế, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đây là lần đầu tiên, thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra trên diện rộng.

Thuốc trong bệnh viện thiếu nhưng bên ngoài vẫn đầy đủ?

Trước đây, thiếu thuốc chỉ xảy ra cục bộ, với một số loại thuốc, tại một số bệnh viện. Nếu bệnh viện thiếu thì bên ngoài cũng không có thuốc, vì nguồn cung ứng bị đứt, công ty không nhập về hoặc ngưng sản xuất.

"Thế nhưng hiện nay, bệnh viện công thiếu thuốc BHYT nhưng các cửa hàng bên ngoài hoặc bệnh viện tư nhân vẫn đầy đủ. Rất lạ!”, ông nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, thực trạng này không phải vì không có tiền, đứt hàng hay không sản xuất được, mà là vấn đề sợ đấu thầu, không dám mua thuốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân Bộ Y tế đề cập nhiều lần.

"Lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, không dám làm.."

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ quan của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, tuy nhiên các đơn vị vẫn lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

“Nếu thiếu thuốc, bác sĩ, bệnh viện có thể không thuận lợi nhưng cũng không thiệt gì, không có loại này thì kê loại khác, đưa toa để bệnh nhân mua ngoài. Hậu quả lớn nhất là tất cả mọi cái khó đổ dồn về bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo!”

Do đó, khi cơ quan quản lý y tế phát ngôn rằng, TP.HCM không thiếu thuốc, bác sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ, hãy thử lập một đường dây nóng.

“Bây giờ, hãy thử lập một đường dây nóng để người dân phản ánh thiếu thuốc, đừng hỏi các bệnh viện. Sau đó, lấy thông tin để xuống tận nơi, hỏi người bệnh và biết chính xác điều gì đang diễn ra”.

Còn nếu cơ quan quản lý cho rằng sắp có thuốc, cũng cần phải nói rõ mốc thời gian để bệnh viện và người bệnh cùng biết. Việc thiếu thuốc cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt để người bệnh bớt khổ.

Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh đề xuất phải sớm có hướng dẫn thanh toán lại tiền thuốc BHYT cho người phải mua thuốc bên ngoài. Vì rõ ràng, bệnh nhân không có lỗi trong cơn khủng hoảng thuốc, vật tư y tế. Họ phải được đảm bảo quyền lợi chính đáng.

“Chúng ta không thể đẩy cái khó và thiệt thòi về cho bệnh nhân, không thể được!”, ông gay gắt.

Không chỉ riêng vấn đề thiếu thuốc BHYT tại hàng loạt cơ sở y tế, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã nhiều lần trăn trở về các loại thuốc quý hiếm mà khi cần, bệnh viện không có.

Gần đây nhất là trường hợp bé S.T.N.N. (4 tuổi, tỉnh Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn. Bé tử vong do không có huyết thanh kháng độc, dù đã liên hệ các bệnh viện tuyến cao nhất tại TP.HCM. Bác sĩ Khanh cho hay, huyết thanh này “có tiền cũng không mua được”, vì nguồn cung ứng từ Thái Lan đã ngưng sản xuất.

Hay một loại thuốc quý khác là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) 50 ml, có giá hơn 6.000 USD/lọ, là thuốc giải độc tố botulinum… Thời điểm xảy ra vụ ngộ độc pate chay, Việt Nam chỉ có 2 lọ thuốc giải được chuyển khẩn cấp từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM.

“Những loại thuốc hiếm cần phải có một cơ chế đặc biệt từ Chính phủ hoặc lãnh đạo TP, chấp nhận mua chịu lỗ, tức là phải luôn có nguồn dự trữ để dùng khi cần”, ông nói.

Đây cũng là kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM, đề nghị thành phố hỗ trợ ngân sách trong việc dự trữ một số thuốc hiếm, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiều người dân phải cầm đơn thuốc BHYT ra ngoài mua.

TP.HCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối của phía Nam và cả nước, người bệnh dồn về từ nhiều tỉnh thành để khám chữa bệnh. Những than phiền về thiếu thuốc BHYT đã diễn ra nhiều tháng qua.

Để giải quyết về lâu dài, TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, dự kiến vào tháng 7/2022. Trước mắt, Trung tâm sẽ hoạt động theo lộ trình, giai đoạn đầu mua sắm thuốc tập trung; sau khi ổn định sẽ tiến hành mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị.

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giải quyết những mặt hạn chế, khắc phục những điểm yếu của việc đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế riêng lẻ tại cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ: sai thì sửa, không để sợ sai không dám làm

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý.

Trước mắt, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, ở đâu, ai giải quyết.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-truong-huu-khanh-hay-thu-mo-duong-day-nong-ve-thieu-thuoc-2033374.html