Chuyển giao 2 nhà máy điện BOT

Chính phủ giao EVN tiếp nhận, vận hành, kinh doanh, bảo trì và bảo quản các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa thay mặt Thủ tướng ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc chuyển giao các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao EVN thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành, kinh doanh, bảo trì và bảo quản các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền.

Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ

Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ

Bộ Công thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận các nhà máy điện trên theo đúng quy định tại Nghị định 35 năm 2021 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, vận hành liên tục của hai nhà máy, bảo đảm nguồn cung ứng điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân…

Trước đó, Bộ Công thương có văn bản gửi Thủ tướng về chuyển giao nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.

Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 sau chuyển giao.

Mặt khác, giao EVN chuẩn bị nhân sự, nguồn lực cần thiết và kinh phí có liên quan để chuẩn bị cho kế hoạch nhận chuyển giao, tiếp nhận các nhà máy và tham gia vào các bước chuẩn bị tiếp nhận các nhà máy cùng Bộ Công thương và các bộ ngành.

Cùng với EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng có văn bản xin tiếp nhận, vận hành hai nhà máy trên. Trong đề xuất của mình, Petrovietnam đã đưa ra các lý do để xin tiếp nhận hai nhà máy. Đó là, Petrovietnam hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy điện vận hành ở mức cao nhất, có thuận lợi để thu xếp được nhiên liệu với chi phí cạnh tranh nhất. Mặt khác, Petrovietnam cũng có kinh nghiệm trong việc vận hành, quản lý nhà máy điện khí với 4 nhà máy ở phía nam.

Tuy nhiên, Bộ Công thương không nghiêng về đề xuất của Petrovietnam khi lập luận hiện 4 nhà máy điện tuabin khí là Nhơn Trạch 1&2, Cà Mau 1&2 có tổng công suất 2.700 MW đang được Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) vận hành. Hiện PVPower đã cổ phần hóa và công ty mẹ là Petrovietnam cũng không trực tiếp quản lý nhà máy nhiệt điện nào, nên không thể giao công ty cổ phần tiếp nhận các nhà máy này.

Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation. Nhà máy có công suất hợp đồng 716,8MW. Bộ hợp đồng dự án và hợp đồng BOT được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) ký với chủ đầu tư - Công ty BOT vào ngày 22/5/2001. Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ 1/3/2004 với thời hạn 20 năm và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng.

Còn dự án BOT Phú Mỹ 2.2 (Bà Rịa - Vũng Tàu) do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư, có công suất 715MW. Hợp đồng BOT ký ngày 18/9/2001 và vận hành năm 2005. Ngày 4/2/2025 là đến hạn chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết 20 năm hợp đồng.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/evn-tiep-nhan-2-nha-may-dien-bot-192231125114637232.htm