Chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của sinh viên còn hạn chế
Hàng năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn chỉ khoảng 10%.
Trung bình mỗi năm có khoảng 5,600 dự ánkhởi nghiệp của học sinh, sinh viên
Tại hội thảo "Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách" vừa diễn ra, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) Nguyễn Xuân An Việt cho biết, thời gian qua, các trường đại học có nhiều giải pháp triển khai các hoạt động khởi nghiệp, từ truyền thông đến công tác hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thực hành, thực tập, gắn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.
Trong đó phải kể đến những mô hình vườn ươm khởi nghiệp thành công như vườn ươm khởi nghiệp của Trường Đại học Phenikaa; mô hình giảng dạy đổi mới sáng tạo gắn liền với hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh hay việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với thế mạnh nông - lâm -ngư nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, có khoảng 60% cơ sở giáo dục đại học thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của từng cơ sở giáo dục đại học. Có 50 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 25% số cơ sở giáo dục đại học) thành lập các trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Số lượng dự án và doanh thu từ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên cũng có những tín hiệu tích cực qua các năm. Trong giai đoạn 2020 - 2023, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn, khởi nghiệp do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học muốn duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch của VNEI (Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học và cao đẳng Việt Nam) cho biết: Cuộc thi nhiều, dự án cũng không ít, nhưng thực tế nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của các trường đại học mới dừng lại ở việc… đem đi thi. Khâu thương mại hóa để có thể bán được sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn khá yếu kém và trở thành nỗi đau đáu cho các cơ sở giáo dục.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hàng năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn chỉ khoảng 10%.
Thúc đẩy hoạt động của sinh viên và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học
Nhận thức được tầm quan trọng của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).
Đồng thời, để có cơ sở pháp lý hình thành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học với chủ thể hỗ trợ là sinh viên, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022, trong đó có định hướng các cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng các thành tố chính của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhấn mạnh tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhắn nhủ: “Khởi nghiệp trong sinh viên 90% là thất bại, chỉ có 10% là thành công. Và tôi nghĩ 10% đó đã là một thành công lớn rồi. Phải xem những thất bại là những bài học quý giá để sau đó chúng ta tạo ra những dự án, kết quả có giá trị và bền vững hơn”.
Nguồn thu của các trường đại học hiện nay vẫn chủ yếu từ học phí và lệ phí trong hoạt động đào tạo (chiếm trên 85%), nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học chưa đáng kể.
PGS-TS Vũ Văn Tích (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế, ở nước ta hiện nay, mối quan hệ giữa trường đại học và các doanh nghiệp hầu như không có. Tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nằm trong trường đại học mà nhà khoa học có thể làm cổ đông, là nơi để các nhà nghiên cứu đầu tư, sinh viên thực tập.
Thực tế cho thấy, để hoạt động đổi mới sáng tạo của sinh viên và các trường đại học thực sự phát huy hiệu quả rất cần sự bắt tay, vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp.