Chuyển giao kỹ thuật, đổi mới canh tác ở Hoàng Su Phì

BHG - Xác định việc chuyển giao các ứng dụng kỹ thuật mới, nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông triển khai thực hiện thí điểm trồng, cấy áp dụng theo kỹ thuật mới trên một số loại cây trồng như lúa, ngô, đậu tương, lạc với quy mô hơn 16 ha tại 7 xã: Tụ Nhân, Pố Lồ, Thàng Tín, Đản Ván, Bản Luốc, Tân Tiến và Chiến Phố.

Qua triển khai thực tế cho thấy, phương pháp gieo, trồng mới giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, đẻ nhiều nhánh, giảm thiểu sâu bệnh, tỷ lệ kết hạt, đậu quả tốt hơn, qua đó giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Từ hiệu quả bước đầu mang lại, hiện các gia đình đang tích cực tham gia mô hình.

Đánh giá năng suất, sản lượng lúa trồng thử nghiệm tại xã Pố Lồ.

Đánh giá năng suất, sản lượng lúa trồng thử nghiệm tại xã Pố Lồ.

Được triển khai từ giữa tháng 7, dự án trồng thử nghiệm theo kỹ thuật mới đối với cây đậu tương DT 84, có 27 hộ dân tham gia trồng trên diện tích 5 ha, tại 2 thôn Sán Hậu, xã Chiến Phố và Pắc Ngàm, xã Tân Tiến đến thời điểm hiện tại cây đã phân cành, nụ, hoa và bước vào giai đoạn cho quả, không phát hiện sâu bệnh. Gia đình chị Vàng Thị Coi là một trong 6 hộ của thôn Pắc Ngàm, xã Tân Tiến được lựa chọn tham gia trồng thí điểm cây đậu tương. Theo đó, chị Coi được cấp miễn phí 100 % giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phục vụ gieo trồng.

Chị Vàng Thị Coi chia sẻ: Nhà tôi nhiều năm qua cũng trồng cây đậu tương, nhưng chỉ trồng theo truyền thống, trồng rất dày để có nhiều cây, nhưng cây cho quả không nhiều lắm. Năm nay, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng theo kỹ thuật mới, có khoảng cách rộng hơn, trồng thưa hơn. Sau thời gian theo dõi, tôi nhận thấy cây mọc tốt hơn, đẻ nhiều nhánh, quả ra nhiều hơn.

Đối với cây lúa, trong vụ mùa năm 2024, huyện Hoàng Su Phì thực hiện thí điểm thay đổi kỹ thuật gieo trồng với diện tích 8,4 ha, trên 70 hộ tham gia tại các xã: Pố Lồ, Đản Ván, Bản Luốc, Tân Tiến và Chiến Phố. Qua quá trình thực hiện mô hình được các hộ nông dân đánh giá cao về hiệu quả thực tiễn mà phương pháp này mang lại. Mô hình áp dụng mật độ cấy thưa gấp 3 lần so với cách làm truyền thống, hàng cách hàng 30cm – 36cm, khóm cách khóm 30cm, nhưng mỗi khóm cấy 5 - 6 dảnh. Đồng thời khi thu hoạch, tiến hành thực hiện đối chiếu những thửa ruộng bên cạnh cùng giống lúa theo phương pháp truyền thống cấy 1 dảnh, để làm căn cứ đánh giá tất cả các yếu tố, như giống, phân bón, ngày công lao động, năng suất và chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng trạm khuyến nông huyện cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về thí điểm áp dụng thay đổi kỹ thuật gieo trồng trên cây lúa, ngô, đậu tương và lạc đỏ, Trạm khuyến nông đã triển khai và thực hiện tại một số xã. Hiện nay ở cả 2 điểm đại trà và điểm đối chứng cây sinh trưởng và phát triển bình thường, chưa có sâu bệnh gì. Một số điểm đã cho thu hoạch, như điểm trồng lúa Khẩu nắm xít tại xã Pố Lồ, lúa lai xã Đản Ván, Tân Tiến, chúng tôi đã tiến hành đánh giá, đối chứng năng suất, nhằm chọn lọc ra phương pháp tối ưu nhất. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhằm nâng cao được chất lượng, giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Dung (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202410/chuyen-giao-ky-thuat-doi-moi-canh-tac-o-hoang-su-phi-d261a7f/