'Chuyển hóa' thanh niên: Lộ rõ âm mưu lôi kéo, kích động thâm độc của các thế lực thù địch (Bài 1) - Những âm mưu ẩn sau sự... 'tĩnh lặng'

Thanh niên là 'người chủ tương lai của đất nước, là rường cột nước nhà'. Tuy vậy, với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và một phần do hạn chế về nhận thức, thanh niên đang trở thành 'đích ngắm' hay 'miếng bánh giàu dinh dưỡng' để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, thực hiện chiến lược 'diễn biến hòa bình', 'chuyển hóa tư tưởng', nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trước nguy cơ và thách thức đó, thanh niên cần xác định việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là công việc thường xuyên và lâu dài. Từ đó, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của thanh niên với tư cách là đội dự bị tin cậy, 'cánh tay nối dài của Đảng'.

Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên, đội ngũ tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo 35 các cấp năm 2024. Ảnh: Lê Phượng

Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên, đội ngũ tham mưu, giúp việc ban chỉ đạo 35 các cấp năm 2024. Ảnh: Lê Phượng

Sự gia tăng chóng mặt của lượng người dùng mạng xã hội (MXH) đã và đang tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với xã hội thực. Tuy vậy, cùng với những tiện ích truyền thông xã hội mà nó mang lại, người dùng MXH cũng đang phải đối mặt với không ít các loại “rác mạng" độc hại, có khả năng tác động tiêu cực đến nhận thức lẫn hành vi con người.

Thủ đoạn “thay thang, đổi thuốc”

Sử dụng thông tin sai lệch, sai sự thật để làm suy giảm, phai nhạt niềm tin của thanh niên, thậm chí là “tẩy não” nhận thức và tư tưởng của họ; đồng thời, hướng lái dư luận tới hình thức đấu tranh bất bạo động, nhằm từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà cả dân tộc ta đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hiện thực hóa. Đó chính là âm mưu, thủ đoạn tuy không mới nhưng đang được các thế lực thù địch, phản động sử dụng với dạng thức “thay thang, đổi thuốc” sao cho phù hợp, hiệu quả.

Một trong những thủ đoạn thâm hiểm mà các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng hiện nay là khai thác và xuyên tạc các thông tin về chính trị - xã hội. Tiếp đó, chúng suy diễn, quy chụp, bôi xấu chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đăng tải, chia sẻ trên các trang của Đài Châu Á Tự do (RFA); BBC tiếng Việt; các tài khoản MXH...

Điển hình như suy diễn về vụ việc Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt một bị cáo 8 năm tù và 3 năm quản chế về tội phá hoại chính sách dân tộc. Bình luận về nội dung này, RFA đã đưa ra các quan điểm cá nhân về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo để phủ nhận việc pháp luật nghiêm trị các hành vi vi phạm về “Tội phá hoại chính sách dân tộc” của Việt Nam.

Về vấn đề này, phải khẳng định rằng, Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân; nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các cá nhân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo hộ bằng pháp luật.

Song song với đó, pháp luật Việt Nam cũng quy định không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tuy vậy, việc các tà đạo du nhập và hoạt động “chui”, biến tướng dưới mọi hình thức là vi phạm cả về pháp lý và đạo lý, các nguyên tắc cơ bản của khoa học, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, xúc phạm truyền thống văn hóa, đạo đức, xúc phạm đến các tôn giáo chân chính, là tác nhân gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, môi trường văn hóa của Nhân dân.

RISE do 3 thành viên cốt cán của Việt Tân gồm: Huỳnh Phạm Phương Trang (tên gọi khác Angelina Trang Huỳnh), Phạm Hồng Thuận (tên gọi khác Trinnitry Hồng Thuận) và Nguyễn Quốc Trinh thành lập tại Mỹ, với khẩu hiệu hoạt động “Thay đổi trong tầm tay”. Ý đồ của RISE là sử dụng vỏ bọc NGO, độc lập với Việt Tân nhằm thúc đẩy hoạt động lợi dụng các vấn đề “xã hội dân sự”, “dân sinh”, “dân quyền”... để thu hút sự chú ý của người dân. Việt Tân thông qua RISE sẽ lồng ghép, lợi dụng các vấn đề môi trường chính trị, chính sách của Nhà nước Việt Nam có ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người dân để thực hiện các hành vi chống đối.

Theo cơ quan chức năng, các thủ đoạn sử dụng thông tin sai lệch để gây mất niềm tin trong Nhân dân, nhất là đánh vào nhận thức non kém của một bộ phận giới trẻ của các thế lực thù địch luôn được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tiến hành bài bản, có hệ thống. Trong đó, chúng huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia mà đứng đầu là các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Đảng Dân chủ nhân dân... Và cái đích cuối cùng mà các đối tượng hướng đến không phải là vì “dân chủ, công bằng, nhân quyền, bình đẳng” mà nhằm làm lung lay khối đại đoàn kết dân tộc, hạ bệ uy tín của Đảng, chuyển đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Một thủ đoạn khác cũng tinh vi và thâm hiểm không kém đang được các thế lực thù địch sử dụng thời gian gần đây là việc núp bóng vỏ bọc của các tổ chức từ thiện, phi chính phủ. Đơn cử, dưới vỏ bọc một tổ chức phi chính phủ, tổ chức RISE - một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân đã dụ dỗ một số người trong đó có thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến, xây dựng các dự án “xã hội dân sự” theo sự định hướng của RISE. Theo cơ quan chức năng, các trường hợp tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến về “xã hội dân sự”, nộp hồ sơ các dự án “xã hội dân sự” của RISE đều vì lợi ích kinh tế trước mắt. Một số trường hợp đã bị số cầm đầu RISE làm mờ mắt, móc nối, lôi kéo tham gia để xây dựng lực lượng chính trị đối lập, chống phá Đảng, Nhà nước thông qua phần mềm Zoom.

Nguy hại hơn, sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện trực tuyến của RISE, nhiều trường hợp đã chủ động xây dựng, lập hồ sơ các dự án “xã hội dân sự” theo sự định hướng của những người cầm đầu RISE. Họ không biết được ý đồ, mục đích sâu xa của RISE là triệt để khai thác các vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm nhằm kích động tư tưởng, quan điểm phản kháng đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tiền đề cho các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.

Mối nguy "tẩy não"

Cuối năm 2023, một bộ phận người dân xã Hải Hà thường xuyên tập trung tại khu vực xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn và trụ sở UBND xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) để thể hiện quan điểm không đồng thuận cho chủ đầu tư triển khai dự án. Đoàn người đã mang theo băng rôn, khẩu hiệu kéo ra đường tỉnh 513 từ xã Hải Hà qua các xã Hải Thượng, Hải Yến, gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và ngoan cố của một bộ phận người dân xã Hải Hà, trên một số tài khoản mạng xã hội facebook, tiktok... của tổ chức phản động Việt Tân đã đăng tải, phát đi nhiều thông tin sai sự thật về ý nghĩa của dự án. Đồng thời, xuyên tạc về việc lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cưỡng chế và đàn áp người dân phản đối xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn với các nội dung sai sự thật, giật gân như: “Biến lớn đụng độ giữa người dân biểu tình chống dự án bến cảng”; “dân địa phương gửi tâm thư nhưng chính quyền không lắng nghe lại khởi tố, bắt người”; bị cưỡng chế đất, người dân thấp cổ bé miệng phải mang nhang ra xua đuổi tà ma... Nguy hiểm hơn, theo thống kê, đã có hơn 100 trẻ em bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, buộc nghỉ học để tham gia hoạt động này.

Điều 116 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/6/2017 quy định “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” như sau: Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Xét thấy có dấu hiệu tội phạm gây rối trật tự công cộng, sau quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghi Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 128/QĐ-ĐTTH đối với vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại khu vực trên.

Về Dự án xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn, có thể khẳng định đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thị xã Nghi Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung nói chung. Về vị trí xây dựng bến cảng số 3 là khu vực không có dân cư sinh sống, không ảnh hưởng đến đất đai, tài sản của người dân. Việc triển khai đầu tư xây dựng bến cảng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, đánh giá và xác định ít ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt. Dự án được triển khai thành công không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống cảng biển Nghi Sơn, rộng mở nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp, mà còn thu hút thêm nhiều hãng tàu mới về với Cảng Nghi Sơn. Từ đó tăng thu ngân sách cho tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và vùng lân cận.

Ông cha ta vẫn thường ví von “đừng thấy biển lặng mà nghĩ lòng đại dương không có sóng”, nhằm đề cao tính cảnh giác trước các biến cố bất ngờ. Trên MXH cũng vậy, với sự thay đổi liên tục, tốc độ phát triển chóng mặt và sức hấp dẫn khó cưỡng, không thể phủ nhận MXH đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, việc thiếu hiểu biết khi dùng MXH; hoặc cố tình lợi dụng MXH phục vụ những hành vi trái pháp luật... đã biến MXH trở thành “con dao hai lưỡi”. Hệ quả là, sự thiếu hiểu biết, dễ dãi, “hiệu ứng đám đông” của một bộ phận người dân; thiếu các “hàng rào kỹ thuật” giám sát, ngăn chặn và chế tài răn đe các đối tượng gây rối, đã tạo cơ hội và môi trường cho vi-rút xấu, độc tấn công và “tẩy não”, ăn mòn nhận thức của người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng.

Trước những vấn nạn và thách thức mà thông tin xấu, độc đã và đang đặt ra hiện nay, chia sẻ về kỹ năng nhận diện và phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng tại Thanh Hóa, Thiếu tướng, PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, đây cũng đang là “vấn nạn của toàn cầu và việc quản lý, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam”.

Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho thế hệ trẻ nói riêng, người dân nói chung, theo chia sẻ của Thiếu tướng, PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương thì mỗi người phải nắm vững và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp cận, khai thác thông tin. Trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao khả năng tự “miễn dịch” của bản thân trước các quan điểm sai trái, luận điệu chống phá. Mỗi thanh niên phải đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, phát huy trách nhiệm nêu gương trong chấp hành quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, của pháp luật, nhất là thận trọng trong phát ngôn, chia sẻ, bình luận, nhận định, đánh giá các vấn đề trên MXH. Đó cũng là cách lấy “xây” để “chống”, tỉnh táo để thoát khỏi “mê cung” thông tin và tránh rơi vào cạm bẫy “ru ngủ” của các thế lực thù địch.

Nhóm PV

Bài 2: Tin phản động chính là “hại nước”.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-hoa-thanh-nien-lo-ro-am-muu-loi-keo-kich-dong-tham-doc-cua-cac-the-luc-thu-dich-bai-1-nhung-am-muu-an-sau-su-tinh-lang-217406.htm