Chuyện học tiếng Anh ở điểm trường Sê Pu, Quảng Trị
Cô giáo tiểu học phải tự bỏ tiền ra mua thiết bị phát sóng để dùng máy tính từ Chương trình Sóng và máy tính cho em giúp các em học tiếng Anh.
Điểm trường Sê Pu của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm nép mình dưới một con dốc nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn.
Để đến với điểm trường Sê Pu, chúng tôi phải bám theo con đường mòn mà trời nắng thì bụi mù đất đá, trời mưa thì trơn trượt như ai đổ bùn ra đường…
Con đường ấy như một vệt kẻ ngang núi Brai, dưới chân là dòng Sê Băng Hiêng đang lặng lẽ chảy về phía mặt trời lặn.
Mặt trời đã bắt đầu ngả về phía sau núi, trong điểm trường Sê Pu, học sinh của cô giáo Lê Thị Ngân (cô giáo người Vân Kiều) đang ê a phát âm những chữ cái đầu tiên của tiếng Anh.
Hỏi ra mới biết, các em đang học những bài học đầu tiên của môn tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lớp học của cô giáo Ngân là lớp học ghép 2 trình độ với lớp 3 và lớp 4. Lớp 3 có 3 học trò lần đầu được làm quen với một ngôn ngữ mới…tiếng Anh.
Khi được hỏi về môn học mới, môn tiếng Anh, những cậu bé người Vân Kiều ngại ngùng không chia sẻ nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm vui thích.
Cô Ngân bảo, các em thích học tiếng Anh lắm, vừa được xem những hình ảnh vui nhộn từ những bài học vừa được sử dụng những chiếc máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Thế nhưng, cô Ngân không phải là giáo viên tiếng Anh nên chỉ có thể cho các em làm quen với những bài học đầu tiên về ngôn ngữ mới trong khi chờ đợi có giáo viên môn Tiếng Anh về dạy.
Để học sinh làm quen với môn tiếng Anh, cô Ngân phải tự bỏ tiền túi ra mua thiết bị phát sóng wifi để có các bài học theo hướng dẫn của giáo viên tiếng Anh trên mạng internet.
Tuy vậy, có lúc đang dùng thì hết dung lượng nên cô trò phải đợi đến cuối tuần cô Ngân ra trung tâm tải các bài học máy sau đó phát cho các em học theo.
Cô Ngân là một trong những giáo viên trẻ mới vào nghề (từ năm 2020), lại là người đồng bào Vân Kiều nên cô có những thuận lợi khi dạy cho học sinh người Vân Kiều.
Học sinh ở Sê Pu về cơ bản rất ham học, tuy nhiên, cuộc sống còn khó khăn nên các em vẫn theo mẹ lên đồi làm ruộng, một số ít còn ham chơi nên các thầy cô cũng vất vả.
Nhưng có lẽ vất vả mới nhất mà các thầy cô giáo ở Hướng Lập phải vượt qua là làm sao các em được học tiếng Anh trong bối cảnh vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu thiết bị và đặc biệt không có sóng internet.
Trong khi đó, từ năm nay, môn tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3. Đã là bắt buộc mà học sinh không được học sẽ vi phạm Luật Giáo dục nên cô phải nghĩ đủ cách cho học trò được học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nói về việc phải trích từ tiền lương ra để mua thiết bị giúp các em có bài tiếng Anh học, cô Ngân bảo cũng không có gì lớn cả, chủ yếu là vì học trò.
Được biết, cô Lê Thị Ngân (sinh năm 1995) quên ở huyện Gio Linh. Đi dạy ở điểm trường này, cô để lại con nhỏ, gia đình ở quê, ngược núi Brai lên điểm trường Sê Pu để dạy học.
Ở điểm trường Sê Pu, ngoài lớp ghép của cô Ngân còn có lớp ghép 2 trình độ 1 – 2 của thầy giáo Hoàng Kim Phước. Thầy Phước người ở huyện Cam Lộ gắn bó với mảnh đất Hướng Lập này cũng đã 23 năm. Hơn 20 năm công tác ở đây, thầy cũng đã đi tất cả các bản xa ở Hướng Lập rồi. Các lớp ghép cũng dạy cả. Đến nay, thầy Phước đã lập nghiệp tại trung tâm xã Hướng Lập. Hết giờ dạy, thầy Phước sẽ với gia đình.
Còn cô giáo Ngân, hết giờ dạy, cô còn lại 1 mình với 2 gian phòng học lặng lẽ giữa núi rừng Trường Sơn.
Cô Ngân bảo, nếu thời tiết thuận lợi cuối tháng cô sẽ về với con nhỏ, nhưng nếu trời mưa, đặc biệt là vào mùa mưa thì phải đến mấy tháng cô Ngân mới có thể về.
Nhưng nhìn vào những đồng nghiệp có đến hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao nên cô cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nói về việc thiếu giáo viên, thầy Nguyễn Đình Nghĩa – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập cho biết, nhà trường hiện có 355 học sinh với 8 điểm trường; trong đó, có hơn 220 học sinh cấp tiểu học và hơn 100 học sinh trung học cơ sở.
Ngoài điểm trường trung tâm, trường có 7 điểm lẻ. Điểm trường xa nhất là Cuôi và Tà Păng cách khu vực trung tâm gần 16 km.
“Việc thiếu giáo viên khiến các thầy cô rất vất vả, đặc biệt là giáo viên tiểu học tại các điểm lẻ. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thiếu giáo viên chuyên ngành sẽ rất khó thực hiện tốt chương trình.
Thời gian tới, trường sẽ tiếp nhận thêm giáo viên tiếng Anh nên các điểm trường sẽ được học đầy đủ. Tuy nhiên, có lẽ sẽ bắt đầu từ năm học tới”, thầy Nghĩa cho biết.