Ba kỷ niệm lớn trong đời nhà giáo của tôi

Những năm đi dạy, tôi hầu như nhìn vào mắt từng em học trò mà chọn cách nói, cách giảng phù hợp với các em và quan niệm rằng: 'Nhà giáo khi lên lớp, hãy quên giáo án với hồ sơ đi mà hãy nhìn vào mắt học trò để nói điều cần nói, dạy điều cần dạy'.

Năm 17 tuổi, tôi thật sự buồn chán và thất vọng khi bị điều đi học ngành sư phạm 10+1 trong khi rất nhiều bạn cùng trang lứa người thì đi học nước ngoài, có người vào đại học. Thời đó, câu cửa miệng mọi người hay nói với nhau rằng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” hoặc câu vè: “Nhất Y; Nhì Dược; Tạm được Bách khoa; Sư phạm bỏ qua; Nông, Lâm xếp xó”.

Cũng may mắn, khi học sư phạm cấp tốc, tôi được nhiều thầy giáo giỏi dạy nên cũng nguôi ngoai phần nào. Tuy vậy, vẫn cảm thấy không hài lòng, bất công mà không ít chúng tôi vẫn tìm đến mấy câu thơ cũ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương để trải lòng: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” hoặc có người thì tỏ ra kiêu bạc như câu thơ của nhà thơ Tản Đà: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất/Giang hồ mê chơi, quên quê hương”.

Đến khi bắt đầu cầm phấn lên lớp, vẫn không thấy mặn mà gì với nghề “đưa đò” mà số phận đã trao bất đắc dĩ này cho đến một ngày có chuyện đau buồn xảy ra. Một học sinh lớp 6 của trường chết vì bom Mỹ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh em ấy gầy mảnh, da trắng xanh, nét mặt ngây thơ, tươi sáng, từ giã cuộc đời giữa độ tuổi hồn nhiên nhất, là một chấn động lớn trong nhận thức của mình.

Từ đó, tôi cảm thấy sự lãnh đạm của mình với nghề giáo là có tội với em ấy và bạn bè của em. Tôi đã làm bài thơ ngắn kể về hoa mười giờ vẫn nở đều trên hố bom mà giặc đã giết em như một chứng tích về đau thương, mất mát, ý thức về sức mạnh của sự sống.

Nghề nhà giáo là nghề cao quý. Ảnh: Hoàng Hà

Nghề nhà giáo là nghề cao quý. Ảnh: Hoàng Hà

Kỷ niệm thứ hai góp phần chuyển biến nhận thức của tôi là tình cảm học trò. Trường Kỳ Phong ở Hà Tĩnh của tôi dạy thuộc một xã nghèo, trên bom dưới đạn. Chiến tranh, đàn ông ra trận gần hết, làng quê nghèo càng nghèo thêm. Lớp tôi dạy có một học sinh nhà quá nghèo, bố mất, mẹ làm nông nuôi mấy người con thơ dại, em là chị cả nên phải bỏ học đi làm để nuôi các em nhỏ vì nhà nhiều lần đứt bữa.

Tôi phải kêu gọi các em trong lớp đóng góp, đứa một hai cân khoai, đứa vài ba cân sắn, thầy cũng cùng góp. Thế mà cộng đồng nhỏ bé đó đã hưởng ứng nhiệt liệt, góp nhiều đợt liền giúp gia đình học sinh ấy vượt qua thời kỳ mùa đông đói rét lẫn đạn bom dữ dội.

Tôi cảm nhận được tình bạn bè trong sáng của các học trò, những đứa trẻ mới 12-14 tuổi, “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng đã biết nhường sắn, khoai cho bạn bè mình. Và tiếp đó là cả sự sẵn sàng của những người dân đầu trần, chân đất, bụng lép, áo vá chung tay cứu trợ với trường lúc khó khăn.

Kỷ niệm thứ ba, là chuỗi hành động của gia đình cho tôi ở trọ. Gia đình đó gồm ông bà và hai cô con gái, một cậu con trai và một con rể. 5 người họ đã nhường chái nhà thấp nhỏ phía trên cho tôi là người thầy ở miễn phí, để họ rút xuống sống chen chúc nửa phần còn lại phía dưới.

Một ngày mấy bận sáng, trưa, tối và lúc nào cũng vậy, dù chỉ vài củ khoai sắn sáng hay chút cơm độn, rau dưa trưa tối, ông đều đặt hết lên mâm gỗ nhỏ cũ. Hai tay ông bưng mâm lên, người gập xuống (nhà vốn thấp tối, ông lại chủ động cúi nên càng thấp hơn) lễ mễ: “Mời thầy mời ạ!”. Rồi ông đi giật lùi đến khi khuất mặt tôi, ông mới quay lưng lại.

Chờ tôi ăn xong, lại động tác ấy bưng nước, mang tăm đến cho tôi. Tôi xấu hổ, nhiều lần ngăn ông không nên làm thế mà không được. Ông kiên định với lập luận “Đối xử với thầy là phải lễ phép, không được khác”, dù tuổi tôi còn ít hơn tuổi con thứ hai của ông. Nhiều năm sau về lại chốn cũ, người xưa đã khuất, buồn mà tự hỏi: “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Giờ nhớ lại tôi vẫn bồi hồi, xúc động trước hình ảnh các vị bậc tuổi như cha mẹ mình đã đối xử cung kính tự nguyện với mình như vậy.

Thời đó, các ngày giỗ tết, tôi đi ăn cỗ ở nhiều nhà người dân, tôi luôn “được” hoặc là “phải” ngồi ở mâm cao với các cụ râu tóc bạc phơ.

Sống giữa đời và lên lớp trong một môi trường thiếu cơm ăn áo mặc nhưng đậm tình đời như vậy dần dần đã thay đổi trong tôi, một người từng coi nghề giáo là “nghiệp bất đắc dĩ” đến chỗ nhận thức tự nhiên, tự nguyện rằng đây là một “nghề cao quý”. Và may mắn thay, tôi đã không cho phép mình được phản lại tình dân, tình trò cao quý như vậy.

Suy nghĩ về ngày nhà giáo Việt Nam, mười năm đi dạy, tôi hầu như nhìn vào mắt từng em học trò mà chọn cách nói, cách giảng phù hợp với các em. Được biết, có những học sinh cũ của mình đặt nặng tính hình thức của giáo án và hồ sơ nhà giáo phải làm hiện nay, tôi cho rằng: “Nhà giáo khi lên lớp, hãy quên giáo án với hồ sơ đi mà hãy nhìn vào mắt học trò để nói điều cần nói, dạy điều cần dạy”.

Tôi cũng xin thầy cô dạy Văn nói riêng, dạy học nói chung rằng: Đằng sau con chữ là Con Người viết hoa với tất cả sự tôn trọng thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng. Đừng để việc dạy học là nơi để làm giàu. Đừng để thầy cô phải vật vã mưu sinh. Hãy nghiêm túc từ Nhà nước đến Nhà trường để thực hiện cho bằng được Giáo dục là quốc sách của mọi quốc sách, Nhân lực là tiềm năng đáng quý nhất của dân tộc, Nhân tài là nguyên khí của quốc gia.

Trần Hữu Huỳnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ba-ky-niem-lon-trong-doi-nha-giao-cua-toi-2343649.html