Chuyện kể của những người lính giải phóng miền Nam

Trong những ngày tháng tư lịch sử, theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Mai Sơn, chúng tôi đến thăm những người lính đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Gần 46 năm trôi qua, những ký ức hào hùng một thời bom đạn vẫn còn mãi trong lòng những bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.

Các cựu chiến binh huyện Mai Sơn ôn lại kỷ niệm năm xưa.

Các cựu chiến binh huyện Mai Sơn ôn lại kỷ niệm năm xưa.

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là cựu chiến binh Bùi Mạnh Thắng, tiểu khu 9, thị trấn Hát Lót. Bước sang tuổi 70, ông Thắng vẫn nhanh nhẹn tác phong bộ đội. Rót chén nước mời khách, ông kể cho chúng tôi về quãng thời gian trong quân ngũ, sống và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ông nói: Năm 1972, tôi cùng lớp thanh niên tuổi đôi mươi ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Sau 3 tháng tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn 27, đơn vị ông hành quân sang Lào, tham gia chiến đấu ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Tháng 9/1973, đơn vị ông tiếp tục hành quân về Việt Nam, tập kết vào Nam đánh địch ở Buôn Ma Thuột, tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Nhắc lại quãng thời gian tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, ông Thắng kể: Những người lính như chúng tôi phải trải qua “mưa dầm, cơm vắt” trong rừng, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, độc hại. Những đợt hành quân dài ngày, đôi chân phồng rộp, mọng nước, phải lấy kim chích và lấy áo quấn vào chân để hành quân... Mặc dù khó khăn là vậy, tôi và đồng đội đều vững niềm tin, ý chí quật cường, đảm bảo tập kết đúng kế hoạch của chiến dịch.

Trận đánh mở màn được ông nhớ lại: Đêm 9/3/1975, sau khi chiếm lĩnh trận địa, nhận được lệnh tiến công lên căn cứ nơi lính ngụy đóng ở cứ điểm 500, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu là trinh sát và đặc công phá tan lô cốt, hàng rào đồng thời đánh tan cứ điểm quân địch. Sáng 10/3/1975, đơn vị ông Thắng phối hợp với các đơn vị khác tiến vào thị xã truy kích và bắt được rất nhiều quân địch đầu hàng.

Sau chiến thắng ở Buôn Mê Thuột, ông Thắng cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào Trảng Bàng, Tây Ninh, thuộc vùng ngoại ô của Sài Gòn để phối hợp cùng các sư đoàn khác tiến vào Dinh Độc Lập. Cũng trong đợt này, ông Thắng bị 3 mảnh đạn găm vào người. Sau chiến thắng ngày 30/4, ông được tăng cường đi Phú Quốc kiểm tra công tác tù tàn binh sau ngày giải phóng. Năm 1978, ông ra quân, phục viên về công tác tại Thương nghiệp Mai Sơn đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Người lính thứ hai mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện là ông Nguyễn Hữu Trụ, sinh năm 1937, tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Năm 1960, ông cùng gia đình lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới. Tháng 8/1967, ông nhập ngũ, sau 10 ngày huấn luyện tại Mai Sơn, ông được cử lên Bệnh viện quân y 6 và sang Lào học trung cấp quân y. Năm 1969, ông ra trường và được điều động lên Điện Biên tham gia vào đội phẫu thuật tiền phương ở hậu cứ đón thương binh trở về. Năm 1970, ông cùng đội phẫu thuật mặt trận hành quân vào Nam, tham gia chiến chiến đấu ở chiến trường Buôn Ma Thuột và biên chế vào Sư đoàn 316.

Ông Nguyễn Hữu Trụ kể: Lúc ấy, cả đội điều trị hầu như không có máy móc, không có phương tiện hỗ trợ. Có những ngày, hàng trăm ca nặng nhẹ được chuyển đến. Giường không có, các y bác sỹ phải trải lá cây để thương binh nằm. Đến bây giờ, đã gần 50 năm trôi qua, tôi vẫn chưa khi nào quên những năm tháng lăn lộn trên chiến trường và cả những tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng đội... Điều đặc biệt là, chính ông là người điều trị cho ông Bùi Mạnh Thắng khi bị thương ngày 29/4/1975. Đến bây giờ, nhắc lại câu chuyện của gần 5 thập kỷ về trước, các cựu chiến binh vẫn rưng rưng xúc động.

Trở lại đời thường, những người lính ấy giờ đã lên chức cụ, chức ông. Các ông luôn động viên con cháu sống sao cho xứng đáng với những hy sinh gian khổ của lớp thế hệ ông cha đi trước. Vào những ngày tháng Tư - tháng của những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những người lính từng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nguyễn Yến (ghi theo lời kể của nhân vật)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-ke-cua-nhung-nguoi-linh-giai-phong-mien-nam-39215