Chuyển khoản, quẹt thẻ khi mua xăng dầu: Người khen, kẻ chê
Thanh toán tiền mua xăng dầu không dùng tiền mặt bằng hình thức chuyển khoản, quẹt thẻ, thanh toán qua ví điện tử… ngày càng phổ biến. Người khen hình thức thanh toán này văn minh, người khác lại chê vì gây ùn tắc cục bộ.
Không thích cà thẻ vì lo ùn tắc
Là người tiêu dùng phải thường xuyên đổ xăng cho phương tiện, chị Nguyễn Thanh (Long Biên- Hà Nội) cho biết: “Vào đổ xăng gặp những khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản dễ gây ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm. Chuyển khoản, cà thẻ… mất nhiều thời gian hơn so với trả tiền mặt”.
Cùng quan điểm này, anh Minh Huy (Đống Đa-Hà Nội) cho rằng, dù hầu hết các cây xăng đã có hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhưng khách hàng vẫn nên trả thẳng tiền mặt để tiết kiệm thời gian, nhất là khách hàng đi xe máy. Theo anh Minh Huy, ở thời điểm hiện tại chưa nên quá lạm dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua mặt hàng như xăng dầu, vì khách hàng luôn luôn đông đúc, trong khi đường truyền Internet, khả năng hỗ trợ thanh toán của bên thứ ba như: ngân hàng, ví điện tử… không phải lúc nào cũng thông suốt.
Ở góc độ người bán hàng, anh Xuân Quảng (Mỹ Đình- Nam Từ Liêm) cho hay: “Thanh toán bằng tiền mặt thì có lúc nhân viên bán hàng có thể nhầm lẫn, sẽ phải bù nhưng rủi ro vẫn thấp, thời gian bán cho 1 khách hàng đi xe máy bình thường chỉ khoảng 1 phút. Nhưng thanh toán bằng chuyển khoản, quẹt thẻ thì 1 khách đi xe máy đổ 30.000 đồng hay 100.000 đồng xăng cũng mất vài phút, mà vẫn có rủi ro”.
Theo anh Quảng, nếu như rủi ro trong trả thẳng tiền mặt là trả lại nhầm tiền, tiền giả, tiền rách… phần lớn rủi ro này là do lỗi chủ quan của nhân viên bán hàng thì thất thoát trong thanh toán không dùng tiền mặt là khách hàng tạo bill (hóa đơn) giả, tài khoản nhận chưa báo tiền nhưng khách hàng khăng khăng đã chuyển thành công, ví điện tử “treo” tiền nên không nhận được tiền cùng lúc.
Bên cạnh đó, nhiều người đến đổ xăng nhưng không có 4G, 5G, đổ xăng xong mới rút điện thoại ra hỏi mật khẩu wifi cây xăng là gì để thao tác thanh toán. Những phiền phức này lại xuất phát từ phía khách hàng và nhân viên bán hàng phải chịu.
“Xe ô tô đổ lượng xăng dầu lớn và có thể yêu cầu viết hóa đơn thì thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thuận tiện, còn xe máy hiện tại thanh toán bằng cách này khá phiền phức”- anh Quảng nói.
Lựa chọn cách thanh toán thuận lợi
Nhiều ngày nay, trên mạng xã hội, hình thức thanh toán khi mua xăng dầu cũng được nhiều người thảo luận. Có người ủng hộ thanh toán không dùng tiền mặt vì đây là hình thức thanh toán văn minh, đỡ lo rơi, lo bị trả lại thiếu tiền… Có người bức xúc vì không mang theo tiền mặt nên không thể đổ xăng.
Đến nay, hầu hết các cây xăng tại Hà Nội đã cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Khách hàng có thể tự lựa chọn hình thức thanh toán thuận tiện.
Tuy nhiên, trước những bất cập kể trên, một số cửa hàng xăng dầu có lưu ý khách “Vui lòng thanh toán bằng tiền mặt vào giờ cao điểm”; Một số cây xăng khác lại phân luồng khách hàng: khách thanh toán tiền mặt đi 1 luồng, khách thanh toán bằng chuyển khoản, quẹt thẻ… đi 1 luồng. Cách thức này ít nhiều góp phần làm giảm ùn tắc.
Hiện chưa, có quy định nào buộc cây xăng phải nhận chuyển khoản hay phải nhận tiền mặt khi khách hàng thanh toán.
Theo đại diện một doanh nghiệp xăng dầu, việc thanh toán qua chuyển khoản được cơ quan chức năng kiểm tra chi tiết gắn với việc xuất hóa đơn điện tử cho mỗi lần bán lẻ nên một số ít doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện. Vị này cho rằng, nếu người dân có nhu cầu thanh toán bằng chuyển khoản mà cây xăng không nhận là sai và có dấu hiệu của việc trốn thuế.
Cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu mà mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần áp dụng nhưng theo PGS. TS Đặng Đình Đào- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), với ngành bán lẻ xăng dầu, việc chuyển đổi thanh toán này cần thực hiện từng bước.
“Đặc thù của Việt Nam là số lượng xe máy rất lớn nên phải cân nhắc khi thanh toán không dùng tiền mặt. Thử hình dung buổi sáng phải xếp hàng khá lâu để đợi mua xăng so với trả tiền mặt thì không chỉ khiến khách hàng bức xúc, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của cơ quan, doanh nghiệp”- PGS. TS Đặng Đình Đào nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc thanh toán theo hình thức trả tiền mặt truyền thống dù khó kiểm soát việc xuất hóa đơn bán lẻ từng lần nhưng cũng không thể khẳng định doanh nghiệp muốn trốn thuế. Vì doanh nghiệp xăng dầu phải lưu trữ thông tin đầu vào nhập hàng, đầu ra bao nhiêu.
“Chuyển đổi số là doanh nghiệp phải minh bạch đầu vào, đầu ra, dự trữ của xăng dầu, liên thông với cơ quan quản lý để cơ quan quản lý nắm được. Cơ quan thuế căn cứ vào lượng hàng bán ra để tính thuế, có số lượng cụ thể, còn hình thức thanh toán như thế nào với lượng hàng bán ra đó là tùy doanh nghiệp và khách hàng.
Hiện tại, giá xăng dầu thay đổi theo tuần, doanh thu của doanh nghiệp sẽ thay đổi thường xuyên hơn nên sự liên thông về số liệu quản lý này mới góp phần minh bạch, chống trốn thuế”- PGS. TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về việc có ý kiến cho rằng hiện tại người dân đi mua mớ rau 5.000 đồng cũng đã chuyển khoản, còn cửa hàng bán lẻ xăng dầu lại chưa thống nhất thực hiện, PGS. TS Đặng Đình Đào cho rằng, mua rau, mua nhiều mặt hàng khác dù số tiền nhỏ nhưng khách hàng lại lẻ tẻ; người bán hàng lại tập trung đông ở 1 khu vực nhỏ nhất định nên khó dẫn đến ùn tắc vì thanh toán, nhưng xăng dầu thì khác, khách hàng luôn đông đúc và cả khu vực chỉ có 1 cửa hàng khiến khách hàng có ít lựa chọn hơn.