'Chuyện lạ' ở Quận 7, TPHCM: Hai thửa đất liền kề, giá bồi thường 'chênh' hơn 8,4 lần

Chuyện lạ xảy ra tại Dự án xây dựng cầu Rạch Đĩa (đường Lê Văn Lương, P.Tân Phong, Q7). Theo đó, các hộ dân có đất bị thu hồi đều nằm vị trí mặt tiền đường nhưng được áp 2 giá bồi thường chênh lệch đến khó tin. Cụ thể: nhiều hộ nhận bồi thường 70,649 triệu đồng m2; ngược lại có hộ chỉ được 8,352 triệu đồng/m2…

Nỗi niềm cụ bà "U90"

Cụ Nguyễn Thị Mười (SN 1938, ngụ P.Tân Phong, Q7) trình bày: Gia đình cụ có 17 thành viên, 3 sổ hộ khẩu, sinh sống trên phần đất tọa lạc 6/3 (số mới 51) Lê Văn Lương, Q7 từ trước 1975 đến nay. Chồng cụ là cụ Cao Hoài Đức, một cựu chiến binh, 50 tuổi Đảng, khi còn sống luôn gương mẫu. Năm 1997, gia đình bị thu hồi 13.574m2 đất cho Dự án Khu dân cư (KDC) Ven Sông, do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư, áp giá đền bù 19.000 đồng/m2, cụ Đức quán triệt cả nhà tuân thủ giao đất.

Cuối năm 2022, gia đình cụ nhận được Quyết định (QĐ) số 7888/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 của UBND Q7, thu hồi 232,9m2 đất để thực hiện Dự án xây cầu Rạch Đĩa (nằm trong tổng thể Dự án KDC Ven Sông). Cả nhà rất mừng vì sau bao năm chịu cảnh "chôn chân", do vướng quy hoạch, nay có QĐ mới, mọi thứ sẽ khơi thông. Tuy nhiên, chỉ vui được phút chốc, cụ Mười buồn thiu khi nghe đứa cháu đọc giá đất được bồi thường 8,352 triệu đồng/m2, không bằng 1/10 so với giá bên ngoài.

Thông tin áp giá đất được thể hiện trong "phương án bồi thường - hỗ trợ - tái định cư” (BT-HT-TĐC) số 5260/PABT-HĐBT do bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMT) Q7 ký ngày 11/11/2022, sau đó là Chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC dự án (Phó Chủ tịch UBND Q7) Lê Văn Thành ký ngày 16/12/2022. Phương án này được Chủ tịch UBND Q7 Hoàng Minh Tuấn Anh phê duyệt trong cùng ngày 16/12 bằng QĐ số 7887/QĐ-UBND, xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho cụ Mười là 1,653 tỷ đồng.

Tờ đăng ký nhà đất lập ngày 06/8/1999 được UBND P.Tân Phong xác nhận

Tờ đăng ký nhà đất lập ngày 06/8/1999 được UBND P.Tân Phong xác nhận

Cụ Mười kêu trời: "Toàn bộ 232,9m2 đất mặt tiền đường Lê Văn Lương, gần khu Phú Mỹ Hưng sầm uất, trị giá hàng chục tỷ đồng. Vậy mà Hội đồng BT-HT-TĐC và Chủ tịch UBND Q7 chỉ duyệt bồi thường 1,653 tỷ đồng. Với số tiền này, không mua được nửa căn chung cư loại thường ở Q7!".

Qua tìm hiểu, gia đình cụ Mười càng bức xúc hơn khi nhiều hộ được bồi thường đến 70,64 triệu đồng/m2. Trong khi đất bị thu hồi đều có vị trí mặt tiền đường Lê Văn Lương, nằm sát vách nhau và hầu hết chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) vì vướng quy hoạch Dự án KDC Ven Sông. Nhưng lạ thay, nhiều hộ được bồi thường là đất ở, một số hộ bị áp giá đất nông nghiệp như gia đình cụ.

Con gái cụ Mười bày tỏ: "Tại cuộc họp ngày 03/01/2023, Phó Chủ tịch UBND Q7 Lê Văn Thành cho biết sẽ rà soát, xem xét lại cho gia đình. Tuy nhiên, đến cuộc họp ngày 18/4/2023, UBND Q7 vẫn giữ nguyên phương án đền bù. Chúng tôi thấy bất thường nên nhiều lần đề nghị lãnh đạo UBND Q7 giải thích vì sao áp giá cho gia đình tôi chỉ 8,35 triệu đồng/m2, trong khi đa số hộ được hưởng 70,64 triệu đồng/m2? Tiếc rằng, gia đình chưa nhận được văn bản trả lời từ quận".

Bồi thường và hỗ trợ… "đồng giá” (?!)

Hồ sơ thể hiện: Ngày 18/10/2022, Chủ tịch UBND P.Tân Phong Nguyễn Thị Kim Thanh ký văn bản số 6098, xác định: Nhà, đất ở ổn định trước năm 1975 đến nay; xây dựng, sửa chữa lại năm 2000, đến năm 2009 tiếp tục sửa chữa như hiện nay. Phần đất rạch do ông Cao Hoài Đức san lấp năm 1984 sử dụng đến nay. Toàn bộ 232,9m2 là đất "thổ tập trung".

Tại văn bản số 3577/VPĐK-LT ngày 04/5/2023, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM xác định: Phần diện tích 232,9m2 là đất "thổ tập trung".

Ngày 02/11/2022, Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh ký văn bản số 4282, gửi Ban Bồi thường GPMT, xác định loại đất đối với phần diện tích 232,9m2 như sau: Có 93m² hiện trạng đất trống. Theo xác nhận của UBND P.Tân Phong, sử dụng từ năm 1975, đủ điều kiện cấp GCN đất nông nghiệp... Có 93,7m² hiện trạng nhà tường gạch, vách tôn, mái tôn và lá, sử dụng để ở. UBND P.Tân Phong xác nhận xây dựng năm 2000 và 2009 sau thời điểm phê duyệt lộ giới (chỉ giới đường đỏ) đợt 2 các tuyến đường TPHCM theo QĐ số 4963/QĐ-UB-QLĐT ngày 30/8/1999 của UBND TP, chưa đủ điều kiện cấp GCN theo Điều 20, Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Có 46,2m² hiện trạng vách tôn, mái lá, sử dụng để ở, có nguồn gốc đất rạch, chưa đủ điều kiện cấp GCN theo Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Từ văn bản của Chủ tịch UBND Q7, phương án BT-HT-TĐC chia 232,9m2 đất làm 3 phần. Cụ thể: Phần 93m2 được công nhận, bồi thường theo giá đất nông nghiệp 8,352 triệu đồng/m2, căn cứ theo Điều 5 QĐ số 28/2018/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 của UBND TPHCM (QĐ số 28). Phần 93,7m2 được hỗ trợ 8,352 triệu đồng/m2, theo "tiểu tiết 1", điểm a, khoản 1, Điều 11 QĐ số 28. Phần 46,2m2 được hỗ trợ 450.000 đồng/m2, theo điểm a khoản 4 và điểm a, c khoản 2 Điều 11 QĐ số 28.

Về tài sản trên đất: Có 15,5m2 nhà và 21,29m2 "mặt đứng nhà” được công nhận với số tiền bồi thường 73,24 triệu đồng m2. Phần nhà 15,2m2; mái tôn, cột sắt, nền xi măng 75,1m2 và sân sân xi măng 11m2 xây 2009 không được công nhận nên không bồi thường.

Cụ Mười lên tiếng: "Chỉ 1 diện tích đất duy nhất chạy dọc mặt tiền dài gần 39m nhưng được chia thành 3 khúc. Trong đó, khúc 1 và khúc 2 được bồi thường và hỗ trợ "đồng giá” 8,352 triệu đồng/m2; khúc 3 hạ xuống còn 450.000 đồng/m2 (?!)".

Cụ Nguyễn Thị Mười và hồ sơ khiếu nại

Cụ Nguyễn Thị Mười và hồ sơ khiếu nại

Gia đình cụ Mười nêu 5 vần đề, khẩn thỉnh lãnh đạo Q7 xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý

Thứ nhất, toàn bộ 232,9m2 đất được các cơ quan chức năng từ phường đến TP đều xác định là đất "thổ tập trung", thỏa mãn bồi thường "đất ở" theo Điều 8 QĐ số 28 của UBND TP. UBND Q7 và Hội đồng BT-HT-TĐC chia làm 3 loại đất trong đó có 93m2 "đất trống" được duyệt đất nông nghiệp nhưng không viện dẫn điều luật nào quy định chuyển từ đất thổ sang đất nông nghiệp để bồi thường?

Thứ hai, phần 93,7m2 có nhà, quận xác định xây năm 2000 nên không bồi thường, chỉ hỗ trợ 8,325 triệu đồng/m2. Nếu nhà xây trước ngày 30/8/1999, thì được bồi thường đất thổ cư 70,649 triệu đồng/m2. Sao lại chênh lệch khủng khiếp như thế này?

Thứ ba, ngoài nhà xây năm 2000, trên phần đất thu hồi còn có căn nhà 36m2, xây trước thời điểm 30/8/1999. Trong "tờ đăng ký nhà đất" ngày 06/8/1999 thể hiện rõ căn nhà này, được UBND P.Tân Phong xác nhận. Do gia đình kinh doanh gas (có giấy chứng nhận do UBND Q7 cấp ngày 15/8/2001) nên khi xây nhà, lùi vào bên trong, chừa khoảng trống mặt tiền có gắn mái che, làm nơi để xe, bình gas... không chiếm dụng lề đường, đảm bảo an toàn giao thông. Căn nhà 36m2 có 4,8m2 bị giải tỏa, nhưng không được bồi thường đất thổ cư. Như vậy, có khách quan, công bằng?

Thứ tư, liên quan đến 46,2m2 đất rạch, gia đình sử dụng phần đất này từ năm 1945. Cả phường và quận đều xác nhận cụ Cao Hoài Đức san lấp năm 1984, sử dụng lâu dài, ổn định đến nay gần 40 năm nhưng không được xem xét bồi thường khiến gia đình "thiệt đơn, thiệt kép"...

Thứ năm, gia đình cụ Mười gồm nhiều thế hệ, đông nhân khẩu nhưng không xét hỗ trợ tái định cư là chưa thực hiện đúng chính sách và chủ trương của Nhà nước, cũng như quy định pháp luật về BT - HT -TĐC khi thu hồi đất, đối với hộ có nhiều nhân khẩu.

(Còn tiếp...)

VĂN CƯƠNG - THÀNH LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/hai-thua-dat-lien-ke-gia-boi-thuong-chenh-hon-84-lan_148426.html