Chuyện lạ ở sân bay Bangkok
Mặc dù đặt vé có suất ăn nhưng nam tiếp viên của hãng hàng không Thái Lan chỉ đưa cho nhà sư một chai nước lọc.
Đi cùng một nhà sư Việt Nam sang Thái Lan tham dự một sự kiện Phật giáo, tôi chứng kiến những cách ứng xử lạ lùng của người dân nước này dành cho các nhà sư.
Khi còn ngồi cùng tôi ở sân bay Nội Bài, sư Thích Minh Đăng (tu tập tại chùa Nam Thiên, Sóc Sơn, Hà Nội), cũng là người đã có 6 năm học tập Phật giáo tại Thái Lan nói: ‘Xuống sân bay bên kia là chị thấy người ta ứng xử với các sư khác biệt ngay’.
Quả thực, tất cả mọi người từ nhân viên sân bay tới dân thường, khi nhìn thấy nhà sư đi qua đều khom người, chắp tay chào hỏi. Khu vực quá cảnh cho chuyến bay của chúng tôi cách đó khoảng chừng 1km. Để chắc chắn mình đi đúng đường, sư Đăng dừng lại hỏi một nhân viên bán hàng.
Khi vị sư đưa giấy tờ chuyến bay của chúng tôi để cô gái xem, cô không nhận lấy ngay khiến sư Minh Đăng sững lại mấy giây rồi như nhớ ra điều gì đó, sư Đăng quay sang tôi giải thích: ‘Ở bên này, phụ nữ không được nhận đồ trực tiếp từ tay nhà sư, mà phải đặt xuống ghế để họ lấy từ ghế lên. Lâu rồi tôi không quay lại Thái Lan nên quên mất’.
Khi chúng tôi đang ngồi ở khu vực chờ dành cho các chuyến bay quá cảnh, thậm chí một nhân viên sân bay còn chủ động ra hỏi một số nhà sư xem có cần giúp gì không. Dĩ nhiên, những dân thường như chúng tôi không có được vinh hạnh ấy.
Khi chúng tôi đang xếp hàng lên máy bay thì một số nhà sư được một nhân viên dẫn vào lối đi riêng mà về sau tôi mới biết rằng đó là ưu tiên dành cho nhà sư ở các sân bay của Thái.
Mặc dù khi ‘check in’, ghế của tôi và sư Minh Đăng sát cạnh nhau, nhưng khi lên máy bay, nhà sư đã được xếp một chỗ ngồi khác, cách tôi một ghế ở giữa. Sư Đăng giải thích: ‘Nhà sư và phụ nữ không được ngồi cạnh nhau, nên họ đã thay đổi chỗ ngồi rồi’.
Chuyến bay quá cảnh từ Bangkok tới Chiangrai bắt đầu khi đã quá 12 giờ trưa. Khi máy bay đã ở độ cao ổn định, nam tiếp viên mang suất ăn trưa tới từng bàn. Nhưng khi đến lượt sư Minh Đăng, anh tiếp viên người Thái chỉ phát một chai nước lọc.
Không đợi tôi thắc mắc, sư Đăng lại cười giải thích: ‘Phật giáo Nam tông chúng tôi chỉ ăn 2 bữa sáng và trưa, nhưng sau 12 giờ trưa là không ăn nữa, chỉ được phép uống nước, sữa hoặc trà. Mặc dù vé của tôi cũng giống vé của chị, bao gồm cả suất ăn, nhưng sau 12 giờ trưa là các hãng hàng không Thái Lan sẽ không phục vụ đồ ăn cho các sư nữa’.
Nói về quy định ăn uống của các nhà sư theo phái Nam tông, sư Đăng cho biết, nếu như phái Bắc tông ăn chay và ăn đủ 3 bữa thì chúng tôi ăn cả đồ mặn và chỉ ăn 2 bữa trong ngày. ‘Phật giáo Nam tông (hay còn gọi là Phật giáo nguyên thủy) quan niệm rằng Phật cũng là con người, cũng ăn uống như người bình thường. Và xưa kia khi đi khất thực, chúng tôi ăn những gì được người dân bố thí, dâng cúng. Người dân cho gì thì ăn nấy, nên truyền thống đó còn đến ngày nay’.
Trong suốt các hoạt động của sự kiện Phật giáo Dharma Yatra với sự tham gia của hơn 50 hòa thượng tới từ 5 quốc gia dọc sông Mê Kông, các nhà sư luôn được người dân chào đón và kính trọng. Có những nơi, mặc dù ban tổ chức chỉ dự kiến ghé qua một ngôi chùa nhỏ để làm lễ rồi rời đi ngay, nhưng khi người dân biết tin có đoàn hòa thượng 5 nước ghé thăm, họ ra đường từ sáng sớm, ngồi đợi trên vỉa hè vài tiếng đồng hồ, có người vượt 50-70km để được dâng cúng đồ ăn cho các nhà sư.
Ở các quốc gia như Thái Lan, Lào, Myanmar, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc giỏ mây tre hoặc khay sâu lòng làm bằng gỗ, kim loại chuyên đựng đồ ăn cúng dường mỗi khi lên chùa.
Trên những tuyến đường giáp biên giới vắng vẻ mà chúng tôi đi qua, chúng tôi thường xuyên bắt gặp những nhà sư địa phương đi khất thực trên đường. Họ sẽ gõ cửa nhà dân vào mỗi buổi sáng từ 8 đến 10 giờ. Theo truyền thống của giới khất sĩ, các nhà sư sẽ đi lần lượt qua cổng các gia đình, nhưng không được đi quá 7 nhà, không được phép bỏ sót nhà nào, không lựa chọn, ưu tiên vào những gia đình giàu có, ở phố thị.
Đồ ăn sau khi được cúng dường sẽ được chia thành 4 phần: một phần cho các bạn đồng tu nếu họ không có hoặc có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho động vật sống chung, phần cuối cùng là dành cho mình.
Khi dùng, các nhà sư sẽ xem đồ ăn như là thứ để duy trì sự sống, ngon không ham, dở không bỏ.
Nguồn gốc sâu xa của truyền thống khất thực trong Phật giáo nguyên thủy là để ngăn chặn việc người xuất gia làm những công việc không chính đáng để mưu sinh, như bói toán, làm bùa chú, xem ngày giờ tốt xấu… Đây là cách nuôi thân chân chính mà Phật dạy cho các đệ tử xuất gia để đạt sự thanh tịnh trong khi tu tập. Đó cũng là cách để người xuất gia giải thoát khỏi những phiền toái hằng ngày, tập trung toàn tâm toàn trí cho việc quan trọng nhất là giác ngộ cho mình và giúp ích cho người đời.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/chuyen-la-o-san-bay-bangkok-609359.html