Chuyện làm Báo Tây Nguyên

Lục tìm trong kho tài liệu cũ của Thượng tá QNCN Lê Đức Tuấn, nguyên họa sĩ Báo Quân đội nhân dân, tôi thấy các số báo Tây Nguyên được ông lưu giữ cẩn thận. Những tờ báo khổ nhỏ hơn khổ giấy A4, được in từ 12 đến 16 trang, giấy đã ngả vàng nhưng mép còn ngay ngắn, mực in rõ nét, minh họa khỏe khoắn, nội dung hào hùng...

 Công nhân vận hành máy in đạp bằng chân trong nhà hầm. Tranh của LÊ ĐỨC TUẤN

Công nhân vận hành máy in đạp bằng chân trong nhà hầm. Tranh của LÊ ĐỨC TUẤN

Tờ báo phần nào nói lên công sức, trí tuệ của những người làm báo tại chiến trường Tây Nguyên ác liệt, góp phần vào Chiến thắng Tây Nguyên năm 1975.

Cầm trên tay ấn phẩm Báo Tây Nguyên, tiếng nói của các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân giải phóng Tây Nguyên, tôi biết thêm về những ngày làm báo khó khăn nhưng tràn đầy nhiệt huyết của các nhà báo chiến trường. Theo họa sĩ Lê Đức Tuấn: Giữa chiến trường ác liệt, tòa soạn Báo Tây Nguyên là nhà bán âm, nằm trong khu rừng tre, trúc. Cả tòa soạn và nhà in đều khá ít người. Vì vậy, tuy báo ra một tháng hai số nhưng hầu như ai cũng phải vừa là phóng viên, vừa là họa sĩ, lại vừa là thư ký tòa soạn...

Trong cuốn hồi ký “Truân chuyên nghiệp báo” của nhà báo Lê Sỹ Hành, ông viết: “Đường đi công tác của chúng tôi là vậy, không có biển chỉ dẫn, không có dấu chân hành quân, cũng không có cự ly, cây số, mà chỉ định được hướng. Thế là tôi lóc cóc ba lô, máy ảnh lên đường. Hành trang đi xuống cơ sở của tôi chủ yếu là quân trang, giấy bút và máy ảnh, kèm theo cả phim, giấy, thuốc ảnh và dụng cụ in phóng ảnh dã chiến để làm ảnh ngay tại đơn vị. Gạo tính theo số ngày đi và về trên đường một mình, mỗi ngày được cấp 0,5kg...”.

 Báo Tây Nguyên số Tết Quý Sửu 1973.

Báo Tây Nguyên số Tết Quý Sửu 1973.

Đi viết, lấy thông tin khó khăn, phần “bếp núc” làm báo cũng là muôn vàn câu chuyện. Vì in luôn tại chiến trường nên Báo Tây Nguyên có điểm khá đặc biệt, dễ nhận ra là rất ít ảnh mà chủ yếu là minh họa. Lý do bởi chiến tranh nên báo có thể được in ngay tại chỗ. Máy in báo do Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo sản xuất, rất gọn nhẹ nhưng việc in ấn thì hết sức khó khăn, vất vả. Công nhân vận hành phải đạp bằng chân và chỉ in từng mặt báo một. Họa sĩ vẽ, thợ khắc gỗ khắc theo rồi xếp cùng trang chữ để in. Còn ảnh thì được gửi ra Hà Nội để chụp ảnh kẽm và gửi lại vào chiến trường dùng dần. Thường thường, báo ra định kỳ nhưng khi có sự kiện quan trọng cần tuyên truyền, thông tin sớm, báo lại được làm khẩn trương hơn, hai đến ba ngày phải ra một số. Ngoài lo chuẩn bị nội dung, việc sắp chữ, đặt khuôn cũng mất nhiều thời gian. Cả tòa soạn có khi phải thức đêm để làm cho kịp tiến độ. Nhưng làm đêm, thắp đèn lại dễ bị địch phát hiện nên việc che chắn ánh đèn cũng là một phần giúp những người làm Báo Tây Nguyên hoàn thành nhiệm vụ.

Khó khăn là vậy nhưng Báo Tây Nguyên vẫn có nội dung phong phú. Bên cạnh các bài báo phản ánh thông tin chiến trường, chủ trương, đường lối... báo có cả trang văn nghệ với truyện ngắn, thơ, tranh vui, đả kích... cùng nội dung hấp dẫn như: “Lính ngụy bảo nhau năm chuột đấy đừng ra khỏi “hang” mà toi mạng” của Lê Tuấn, “Ních bảo Thiệu: Mày cứ gào to lên cho tao” của Bình Thiểm...

Trong số những người làm Báo Tây Nguyên thời đó, giờ đây nhiều người đã về với thiên cổ, nhiều người đã già yếu nên câu chuyện làm báo của các ông chỉ còn được góp nhặt, đủ để hình dung ban đầu về một tờ báo được phát hành tại chiến trường Tây Nguyên những năm tháng ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng là để chúng ta thêm trân trọng hơn những nhà báo-chiến sĩ năm nào.

Bài và ảnh: ĐỨC ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chuyen-lam-bao-tay-nguyen-616624