Chuyện làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiểu Cần
Những nỗ lực không ngừng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nâng cao trình độ sản xuất đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tiểu Cần có tổng dân số hơn 108.400 người, với 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Những năm qua, huyện luôn xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm.
Tư duy mới, hiệu quả cao
Để nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã chủ động đưa lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến khích phát triển HTX, tổ hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất giá trị cao…
Đơn cử, nhiều năm qua, HTX nông nghiệp Rạch Lọp luôn nằm trong nhóm những HTX dẫn đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh bởi phương thức sản xuất giàu khoa học – kỹ thuật, từ đó trở thành điểm tựa cho thành viên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiểu Cần đang nâng lên nhờ đổi mới tư duy sản xuất.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Lọp, cho hay mục tiêu hoạt động của HTX là nhằm phát triển kinh tế tập thể, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, HTX hoạt động hiệu quả trong nhiều năm trở lại đây, với doanh thu bình quân trên dưới 5 tỷ đồng/năm. HTX góp phần giải quyết việc làm toàn thời gian cho 16 lao động (năm 2024), giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 40 - 50 lao động.
Bên cạnh việc tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX nông nghiệp Rạch Lọp còn thực hiện tốt chức năng đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý HTX và khuyến nông, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho thành viên.
Riêng trong năm 2024, HTX đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội hảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kỹ năng điều hành quản lý như: tham dự lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý HTX do Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh tổ chức, tham dự lớp đào tạo tập huấn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…
Cùng với đó, HTX cũng tham gia chương trình “Hội thảo thành viên tại HTX”, với nội dung khái niệm về HTX và vai trò của thành viên, kinh nghiệm dẫn đến thành công của HTX, hội thảo do Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Tổ chức Stichting Agriterra (Hà Lan) thực hiện…
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Có thể nói, hiệu quả của các HTX là một trong những điểm tựa để huyện Tiểu Cần thúc đẩy nông nghiệp sạch gắn với phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh triển khai kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer (chiếm hơn 33% dân số toàn huyện).
Đến nay, các chính sách hỗ trợ đang đã tác động tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư khá hoàn chỉnh, bộ mặt nông thôn khởi sắc, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng nâng lên.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Tiểu Cần đang phát huy hiệu quả tích cực.
Sự cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần đang giúp khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer ổn định.
Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer như tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông, gia đình chính sách tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết.
Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được huyện ưu tiên thực hiện. Đến nay, 15/15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong huyện đã và đang mở được 110 lớp Pali Khmer, với hơn 2.350 học sinh và tăng sinh theo học, 100% trạm y tế trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có bác sĩ khám chữa bệnh. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer có năng lực để bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp cũng được huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Không những vậy, huyện còn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, khôi phục và duy trì các loại hình văn hóa, đáp ứng nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer phù hợp với quy định của pháp luật và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát triển bền vững
Nhìn chung, đến nay, bộ mặt nông thôn vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer ngày càng khởi sắc, đời sống người dân liên tục được nâng lên nhờ hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.
Là một trong những hộ được thụ hưởng từ chính sách của Nhà nước, gia đình anh Thạch Chầm Rên ở ấp Sóc Cầu, xã Hùng Hòa là hộ cận nghèo, không đất sản xuất, năm 2018 được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ.
Từ khi có được căn nhà ổn định, vợ chồng anh Thạch Chầm Rên quyết tâm phấn đấu, phát triển kinh tế. Sau khi dành dụm được một số vốn, vợ chồng anh mua được đất rồi đầu tư vào nuôi bò thịt, nuôi lươn thương phẩm. Giờ đây, gia đình anh không những thoát nghèo mà kinh tế gia đình cũng khá ổn định, thu nhập hàng năm khoảng 280 triệu đồng/năm.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh Thạch Chầm Rên được đánh giá là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào Khmer địa phương.
Tương tự, hộ bà Thạch Luông là người già neo đơn thuộc hộ cận nghèo của ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, gia đình không có đất ở và nhà ở. Đầu năm 2023, bà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà đại đoàn kết. Bà phấn khởi cho biết: “Có được căn nhà kiên cố, tôi mừng lắm, an tâm lúc tuổi già, tôi rất biết ơn Nhà nước”.
Có thể nói, trong thời gian qua, huyện Tiểu Cần triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay được đổi thay từng ngày, đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, các ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập khá cao.