Chuyện làng văn nghệ

Trong số đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo sinh ra trên đất Hưng Yên, có nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Bà sinh năm 1950 tại thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia và Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam liên tục hai khóa (2010-2020), Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ Đại hội XI.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà cùng một số nghệ sĩ hoạt động ở chiến trường miền Nam. Năm 1981, bà được cử sang Liên Xô để học biên kịch sân khấu tại VGIK. Nhưng vì trường không có ngành biên kịch sân khấu nên bà đã chọn chuyển sang biên kịch điện ảnh. Cũng từ đây, sự nghiệp Nguyễn Thị Hồng Ngát chủ yếu gắn liền với điện ảnh.

Năm 2012, bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật ở lĩnh vực Văn học cho kịch bản các phim Canh bạc, Trăng trên đất khách, Cha tôi và hai người đàn bà, trở thành nhà biên kịch duy nhất được nhận giải thưởng trong đợt này.

Riêng trong lĩnh vực thơ, bà đã có hàng chục tập thơ trữ tình gây được dấu ấn sâu đậm, như: Trái cam vàng, 1974; Thơm hương mái tóc, 1982; Nhớ và khát, 1988; Ngôi nhà sau cơn bão, 1990; Bài ca số phận, 1993; Biển đêm, 1996; Bâng khuâng chiều, 2000; Gió thổi tràn qua mặt, 2003… Ở những bài thơ viết về đất và người Hưng Yên, nhiều bạn đọc, nhất là giới đẹp ở tỉnh hầu như thuộc lòng bài “Những cái nhất của gái Hưng Yên”.

Mới đây, nhân đọc bài thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát viết về những suy ngẫm trước nhân tình thế thái, trong đó thể hiện tâm trạng lo ngại về hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã chia sẻ những vấn đề bà đề cập, khẳng định niềm tin yêu con người vẫn là dòng chủ đạo, cái thiện nhất định sẽ ngăn chặn và đẩy lui cái ác, tình yêu thương và sự gắn kết con người cũng như tình yêu đôi lứa sẽ là điểm tựa cho mọi người cùng cộng đồng, đất nước vững tin hướng tới tương lai.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài thơ “SỢ” VÀ YÊU của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương dành tặng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

“SỢ” VÀ YÊU

Nguyễn Hồng Vinh


Sao em “sợ” cỏ xanh mà mượt

Đội trời lên sau mỗi cơn mưa

Sao em “sợ” nhãn càng trĩu quả

Khi sông Hồng dâng lũ, nước chẳng lo?!

Sao em “sợ” những tài năng phát tiết

Quê nhà ta danh rạng khắp non sông

Những hồn thơ, hồn văn lai láng

Dệt bao tình ca năm tháng lưu truyền?!

Ngõ chỉ hai người sánh vai nơi Kiev1

Tuổi sinh viên phơi phới một thời

Em đã viết những vần thơ say đắm

Lay thức con tim bao chàng trai?!

Giờ “em sợ những ồn ào nháo nhác” 2

Thời thị trường thật - giả đan xen

Bạn xưa cũ dễ thay lòng đổi dạ…

Dễ hiểu thôi, đấy là chuyện cuộc đời

Đừng vội “sợ tất cả và thấy lo tất cả”?!

Em đã từng “dệt xuân, dệt hạ, dệt thu”

“dệt đông cho ấm lòng chiến sĩ”

“Ta có tình yêu sợ gì giông bão”

Sông sẽ trong khi lũ qua đi!

“Anh vẫn trẻ trung trong đôi mắt em xưa
Em cũng vậy, vẫn lung linh mắt biếc”
Ta ngẩng cao đầu ngắm đất trời đầy nắng
Khi hồn ta dồn ứ nhựa mùa xuân!

“đò đã xuôi, dòng sông cũng khác rồi”

Nhưng bên đục, bên trong nay vẫn thế

Mùa thu về, nghe lá rơi xào xạc

Và ngắm sông, lại trong vắt gương soi…

Mùa hạ chí 2024

1 Kiev là thủ đô của Ucraina, nơi bà học tiếng Nga vào năm 1981, trước khi về Matxcơva học Trường đại học Điện ảnh quốc gia.

2 Những câu in nghiêng là thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-lang-van-nghe-3174458.html