Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Những chiến công, hy sinh trong thời chiến cũng như thời bình, cùng với những phẩm chất tốt đẹp được bồi đắp trong suốt 80 năm qua đã làm nên văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, có ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng trong lòng nhân dân.

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân tôn vinh cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một di sản hiếm có, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với giới văn nghệ sĩ, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn là niềm cảm hứng vô tận. Tiếp tục xây dựng hình tượng cao đẹp này là trung tâm của đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.

Bộ đội Cụ Hồ luôn trong trái tim nhân dân

Nhân dân Việt Nam mãi mãi tự hào về Quân đội anh hùng và luôn tâm niệm rằng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước thống nhất, hòa bình hôm nay, không bao giờ được quên ơn những người lính đã ngã xuống, đã đổ bao xương máu, đã gạt bỏ tình cảm riêng tư, hạnh phúc cá nhân vì khát vọng chung của dân tộc.

Với bất cứ ai từng trải qua những năm tháng chiến tranh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ không hề trừu tượng, khó nắm bắt mà trái lại, rất gần gũi, đời thường. Bởi lẽ, Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, tạm biệt làng quê, phố phường, rèn luyện và chiến đấu để quê hương thanh bình, người dân hạnh phúc. Dù chiến tranh có thể lùi xa, song tấm gương của những người lính Cụ Hồ luôn trong tâm trí người dân.

Bộ đội diễu hành trên đường phố trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân địa phương trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: TUẤN HUY

Bộ đội diễu hành trên đường phố trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân địa phương trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: TUẤN HUY

Với cá nhân tôi, khi còn trong lứa tuổi nhi đồng thì quê hương Đất Mũi, Cà Mau đã được giải phóng, đất nước đã thu về một mối. Vì thế, ký ức chiến tranh không có nhiều trong trí nhớ. Song, dư âm về những năm tháng hào hùng của dân tộc, ký ức về Bộ đội Cụ Hồ trên chiến trường miền Nam ác liệt vẫn vô cùng sống động, bởi trong gia đình tôi có nhiều người tham gia chiến đấu, hy sinh. Bà nội tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà có 6 người con thì 3 người là liệt sĩ, 2 người là thương binh (trong đó có cha tôi). Bên phía gia đình chồng tôi, bà nội của chồng tôi cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 2 người con là liệt sĩ (trong đó có ba chồng tôi) và 1 người là thương binh. Truyền thống gia đình như vậy nên trong tôi luôn có tình cảm đặc biệt với Quân đội, cảm phục, ngưỡng mộ Bộ đội Cụ Hồ một cách tự nhiên.

Không chỉ thời chiến, ở thời bình không còn tiếng súng nhưng phẩm chất tốt đẹp, nhất là tiên phong đương đầu với hy sinh, gian khổ của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được phát huy. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi người dân ở nhà cách ly giữ an toàn thì người lính có mặt ở mọi điểm nóng, bất chấp nguy hiểm tính mạng để giúp đỡ người dân. Còn vô vàn ví dụ khác về ý chí vượt khó, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mẫu người văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh một cách bền vững trong lòng dân.

Tiếp tục khắc họa sâu đậm hơn nữa về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Công chúng không ít lần so sánh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Bộ đội Cụ Hồ ở thời bình chưa có tác động mạnh mẽ như những tác phẩm ra đời trong khói lửa chiến trường. Để thực sự tìm ra được nguyên nhân, chúng ta cần có cái nhìn thẳng thắn, chỉ ra những yếu tố khách quan và chủ quan tác động.

Ở thời bình, tất nhiên, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ không còn là nhân vật trung tâm của thời đại. Văn nghệ sĩ cũng như công chúng ít quan tâm hơn là điều có thể hiểu được. Mặt khác, hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội, nhất là những người trưởng thành từ người chiến sĩ không có nhiều. Điều này rất khác so với thời chiến, nhiều văn nghệ sĩ gia nhập Quân đội, bản thân các cơ quan chức năng trong Quân đội cũng chú ý phát hiện những “hạt giống” văn nghệ để bồi dưỡng, trưởng thành. Người lính sáng tác về đồng đội mình sẽ có khả năng có tác phẩm chất lượng bởi có sự rung động chân thực và hiểu biết sâu sắc. Việc đầu tư cho văn nghệ về người lính cũng không được như trước đây, không chỉ là vật chất mà cả các “sân chơi” kích thích sáng tạo về Bộ đội Cụ Hồ.

Tôi cho rằng, Quân đội cần thiết kế một kế hoạch dài hơi, với nhiều giải pháp để thêm nhiều tác phẩm văn nghệ xứng tầm với chiến công của Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ và hiện tại. Thực sự Quân đội cống hiến rất nhiều cho đất nước nhưng phản ánh vào tác phẩm văn nghệ mới chỉ là một phần nhỏ. Ngoài ra, công tác quảng bá tác phẩm cũng nên chú trọng hơn, tránh để việc có tác phẩm chất lượng nhưng không được công chúng biết đến.

Bộ Quốc phòng cần sớm có ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ý kiến về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực ra không mới. Trong các diễn đàn, một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ cũng đã nhắc đến điều này.

Từ ý kiến đến hiện thực là một chặng đường dài cần quyết tâm của các bên liên quan. Đầu tiên, bản thân Quân đội nếu cho rằng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ có nhiều lợi ích, tác động tốt thì Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, tìm hiểu, tham vấn các cơ quan chức năng.

Theo Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa hiện hành, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đáp ứng các tiêu chí như: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật lại chưa quy định với di sản văn hóa phi vật thể của bộ, ngành mà lại có độ bao phủ quốc gia sẽ được công nhận ra sao. Khoản 1 Điều 18 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa nêu rõ thẩm quyền kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc về chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khác với di sản vật thể do bộ, ngành quản lý nằm ở một địa phương thì bộ, ngành có thể kiến nghị với địa phương đứng ra để làm hồ sơ. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là của Quân đội nhưng có độ phủ toàn quốc chứ không thuộc địa phương cụ thể nào. Cho nên khó có cơ sở pháp lý để địa phương nào đó đứng ra làm hồ sơ theo cơ sở kiến nghị của Bộ Quốc phòng. Chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền cho phép Bộ Quốc phòng đứng ra chủ trì lập hồ sơ đưa danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như một trường hợp đặc biệt.

Hiện nay, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến. Bộ Quốc phòng cần sớm có ý kiến để Quốc hội khi thảo luận sẽ đặt ra vấn đề cần đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia các di sản phi vật thể của bộ, ngành có tác động sâu rộng (mà ví dụ cụ thể là danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ); đồng thời cho phép bộ, ngành đứng ra lập hồ sơ.

Không chỉ riêng cá nhân tôi mà tin rằng đa số đại biểu Quốc hội cũng sẽ ủng hộ những đề xuất nêu trên nếu được đưa ra Quốc hội thảo luận. Bởi lẽ, một khi danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ có tác dụng lớn trong giáo dục chính trị, nhân lên niềm tự hào về truyền thống vẻ vang cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân cả nước, góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng hùng mạnh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN THỊ THU ĐÔNG

Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-duoc-de-nghi-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-793394