Chuyện lộ đề trong các kỳ thi thời xưa thế nào?
'Vũ trung tùy bút' của Phạm Đình Hổ cho biết, trong khoa cử thời phong kiến, có việc tiết lộ trước đề thi, nhưng không quá lộ liễu.
Trong truyện Phép thi nghiêm mật, chép trong tập ký sự Vũ trung tùy bút (NXB Văn học, 2017, Nguyễn Hữu Tiến dịch), Phạm Đình Hổ (1768-1839) kể về giai thoại ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên nhờ cha ông thông đồng với quan ra đề như sau:
Nguyễn Hoãn, người làng Lan Khê (Nông Cống, Thanh Hóa), khi vào thi Hội, bài văn sách của ông xuất sắc, người đời đồn là “hợp sức sáu người văn sĩ làm giúp”, tuy nhiên Phạm Đình Hổ chú thích “lời đồn này không biết có phải không”.
Có người nói rằng việc Nguyễn Hoãn thi đỗ do ông thân sinh ra ông là quan Tham tụng Phong quận công Nguyễn Hiệu, một mình giữ chức tể tướng đã lâu năm, các quan đều sợ hãi phụng mệnh cả.
Truyện Phép thi nghiêm mật viết: “Khi ấy, có một ông quan ở quán các bị khiển trách, phải về nhàn tản. Một hôm Phong quận công triệu vào tướng phủ, ông ấy vào ngồi đợi ở nhà trong, mãi lâu không được yết kiến. Ngồi mãi thấy trên kỷ để một đầu đề văn sách, mở ra xem đi xem lại thuộc hết cả. Suốt ngày, kẻ nha dịch hầu hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều trở ra về, không biết tình ý ra sao. Đến khi Vương phủ (phủ chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào bàn soạn ngự đề để ra thi, ông quan ấy cũng được triệu vào, liền ra ngay cái đầu đề văn sách nọ. Bởi vậy, Nguyễn Hoãn mới được đỗ Hội nguyên”.
Theo Phạm Đình Hổ, câu chuyện này cũng giống chuyện ở đời Nam Tống bên Trung Quốc, kỳ tỉnh thí ra bài phú Nhật tinh vi ký mà Tần Hi đỗ Khôi nguyên. “Hai chuyện phảng phất giống nhau, ý chừng kẻ hiếu sự bịa đặt ra đó mà thôi”, tác giả bình luận.
Cũng trong truyện này, Phạm Đình Hổ kể một câu chuyện lộ đề khác. Đó là chuyện do ông “nghe một ông lão nho nói chuyện” rằng, năm Mậu Tý (1768) niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông, có ba ông Ngô Duy Viên - người La Khê, Hà Đông, Phạm Nguyễn Du - người Đặng Điền, Nghi Lộc, Nghệ An, Nguyễn Trọng Đang - người Trung Cần, Thanh Chương, Nghệ An, là bậc danh lưu, cùng làm bạn thân thiết với nhau, thường họp nhau ở bên cầu Dát trên sông Tô Lịch, để làm văn, rồi lại cùng bình duyệt cho nhau.
“Một hôm, soạn ra một đầu đề, rồi cùng bảo nhau rằng "Đầu đề này hợp thời nghi lắm. Đặng Điền Phạm huynh (tức Phạm Công Trứ) lâu nay đã được Chúa biết tiếng, nếu khoa thi Hội sau này mà được triệu vào soạn đề, thì nên nhớ đến đầu đề này". Đến khoa thị Hội năm Kỷ Sửu (1769) vào kì đệ tam, Phạm Đặng Điền bị đánh hỏng. Vào kỳ đệ tứ thì ngự đề ra đúng vào bài đã làm trước, bởi vậy Ngô Duy Viên và Nguyễn Trọng Đang đều đỗ đại khoa”, truyện viết.
Tập truyện cũng kể về một vụ lộ đề khác cũng liên quan đến ông Phạm Nguyễn Du. Trong truyện Việc thi cử, kể rằng:
“Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1774), kỳ đệ tam, ông Ninh Tốn, hiệu Mẫn Hiên, người Yên Mô, Ninh Bình, được vào trúng cách, mà ông Phạm Nguyễn Du thì không được vào. Hai ông đều được chúa Trịnh yêu mến, mà chơi với nhau cũng tương đắc. Khi đã yết bảng kỳ đệ tam rồi, Phạm Nguyễn Du có đi võng qua nhà trọ ông Mẫn Hiên. Ông Mẫn Hiên biết ông ấy đi vào hầu trong Trịnh phủ để ra đầu đề, nên cứ đứng đón ở cửa. Đến khi trở về, Mẫn Hiên cứ trông theo vào võng ông Phạm, hai ông không nói một câu gì cả. Ông Phạm Nguyễn Du chỉ đọc bài tiểu chú trong sách về đoạn "tam trần cửu quái" trong Kinh Dịch.
Ông Mẫn Hiên biết ý, sớm hôm sau sắp vào kỳ đệ tứ, bèn xé hai trang về đoạn Tam trần cửu quái ở phần Hệ từ trong Kinh Dịch, giắt đem vào trường. Đầu bài văn sách yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc được hết.
Khi quan trường chấm xong, được năm quyển dâng lên chúa Trịnh xem, thì quyển đầu là của Nguyễn Lượng, cổ văn đều hơn cả, đến đoạn kim văn hỏi về việc khu xử cõi Nam thì trong quyển Nguyễn Lượng có câu "sái nhân tất vi ngô", nghĩa là “kẻ yếu đuối, bệnh tất tất là ta”, có ý chê việc chúa Trịnh cầm quân đánh vào trong Phú Xuân. Chúa Trịnh cười mà rằng "Quyển này, học vấn thì đầy đủ, nhưng về thời cuộc thì không được am hiểu, hãy đánh hỏng đi để cho tài trí được già dặn". Còn bốn quyển được vào trúng cách là Phạm Trọng Huyến, Chu Doãn Lệ, Nguyễn Thì đều lấy đỗ về kim văn cả.
Quyển ông Ninh Tốn thì kim văn am luyện, cổ văn có đoạn trên "Tam trần cửu quái" rất đầy đủ, duy đoạn dưới lại sót mất quẻ Càn không nói đến, không được tường nghĩa sách. Đó là vì xé hai trang mà hụt mất đoạn dưới. Sau Ninh Tốn đỗ Hội nguyên, Phạm Nguyễn Du có mừng câu thơ nôm trêu đùa bạn rằng:
Sinh đồ ba chuôi nhờ hòn đất
Tiến sĩ nửa câu cậy bảng trời.
là có ý ám chỉ về chuyện “thông đề” này".
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu sau này cũng cho rằng sách của Phạm Đình Hổ viết về sự việc này chưa chắc đã đúng, vì theo các tài liệu về khoa cử khác, ông Ninh Tốn thi đỗ Tiến sĩ năm 1778 chứ không phải năm 1774.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-lo-de-trong-cac-ky-thi-thoi-xua-the-nao-post960551.html