Ngắm loạt tranh Tây Nguyên của danh họa Việt Nam
Lần đầu tiên, hơn 60 tác phẩm về Tây Nguyên do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng Phố núi Pleiku, trong đó có tranh của nhiều danh họa mà tên tuổi đã ghi đậm dấu ấn trong nền mỹ thuật hiện đại.
Triển lãm diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 tại Phòng Chuyên đề-Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Đây là một không gian thưởng lãm thú vị dành cho những ai yêu hội họa.
Trò chuyện với P.V, nữ họa sĩ Vương Lê Mỹ Học-Trưởng phòng Trưng bày và Giáo dục (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho hay, đặc trưng văn hóa Tây Nguyên không chỉ tìm thấy trong những bức tượng nhà mồ độc đáo, những bản trường ca bất tận, âm vang cồng chiêng huyền bí, âm thanh réo rắt của đàn t’rưng, klông put...hay những lễ hội truyền thống tưng bừng mà còn kết tinh trong chính con người Tây Nguyên đã và đang đi vào lịch sử của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện qua các tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn để giới thiệu tại triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam”.
Họa sĩ Mỹ Học chia sẻ: “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng triển lãm là hoạt động có ý nghĩa, vừa nhắc nhớ những hình ảnh trước đây về miền đất và con người Tây Nguyên đã góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa là cách giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng đất này”.
Với mong muốn giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật rộng rãi hơn, bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu hình thức trình chiếu kỹ thuật số đến công chúng tại Gia Lai. Hiệu ứng xử lý kỹ thuật số khi chụp kích thước lớn và phóng to tác phẩm mang lại những cảm xúc đặc biệt, giúp người xem có cảm giác hòa mình trong không gian tác phẩm, là một phần của tác phẩm.
Họa sĩ Xu Man có lẽ là cái tên được quan tâm nhất tại triển lãm bởi ông là người con của núi rừng Gia Lai. Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Mới đây, nhà ở của họa sĩ tài danh này ở làng Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) còn được đề nghị xem xét, công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đến với triển lãm, khách tham quan sẽ được chiêm ngắm nhiều tác phẩm tả thực sống động của ông như: Trẻ già đều sẵn sàng đánh Mỹ; Chông! Vũ khí đầu tay; Tây Nguyên mừng chiến thắng; Bác Hồ với Tây Nguyên… Những bức tranh có tuổi đời trên dưới nửa thế kỷ đã phác họa khí thế và lòng dân Tây Nguyên với quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược cũng như niềm kính yêu dành cho vị lãnh tụ của dân tộc.
Nhân chuyến biểu diễn ở Bảo tàng tỉnh tối 15-11, các nghệ nhân đội cồng chiêng huyện Đak Đoa đã dành một buổi vào ngắm tranh tại triển lãm. Hoạt động nghệ thuật này còn khá mới mẻ đối với cả đội, song khi biết Xu Man là họa sĩ lớn lên từ vùng đất Tây Nguyên thì ai cũng phấn chấn. Ông Klil (thôn Groi 1, xã Glar) cho hay, đây là lần đầu tiên ông biết đến cái tên Xu Man và được ngắm tranh của tác giả này song đã thấy thích những bức tranh: Chông! Vũ khí đầu tay; Trẻ già đều sẵn sàng đánh Mỹ. Chúng gần gụi có lẽ bởi ký ức những ngày đánh Mỹ là ký ức chung của những người ở thế hệ ông.
Triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam” còn có sức hút lớn khi trưng bày, trình chiếu tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn-một trong “tứ kiệt” của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam (“Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”). Trong số những tác phẩm để đời của ông có bức “Em Thúy” được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
Điều thú vị là tại triển lãm có một bức chân dung được danh họa này khắc họa thần thái tài tình bằng màu nước, đó là Anh hùng Núp-“cánh chim đầu đàn Tây Nguyên”. Dòng chữ viết tay bên góc trái của tác phẩm đã thể hiện rõ thời gian, nơi chốn 2 con người tài danh gặp nhau: “Stơr, 27/IV/78”. Cùng tác giả còn có những bức tranh ghi lại hình ảnh những vùng đất ông đã qua như: Buổi sáng ở một buôn Tây Nguyên; Buôn Ma Thuột; Bãi xác xe tăng; Đưa nước lên cao nguyên…
Trong số tác phẩm trưng bày tại đây, nhiều người thưởng lãm ấn tượng với loạt ký họa chiến trường của họa sĩ-liệt sĩ Hà Xuân Phong. Là người vừa trực tiếp chiến đấu, vừa cầm cọ vẽ nên tranh ông phản ánh vô cùng sống động và chân thực về cuộc sống, con người Tây Nguyên thời kỳ này như: Du kích Tân Ba, huyện 80 Kon Tum; Anh Huệ dân tộc Xê Đăng; Lớp học văn hóa…
Trong khi đó, với các tác phẩm: Làm gạo; Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên; Lấy tin…, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh-tác giả vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II năm 2007 đã cho thấy nhận xét của nhà văn Thái Bá Lợi về ông rất đúng, đó là: “Tranh của anh dù vẽ về chiến tranh ác liệt nhưng cũng có độ tĩnh cần thiết, có độ an lạc trong nét vẽ và màu của anh, nhiều người yêu tranh anh vì độ tĩnh này”.
Nhiều họa sĩ bậc thầy khác của mỹ thuật hiện đại Việt Nam cũng có tranh được chọn trưng bày tại triển lãm này như: Lưu Văn Sìn-đồng môn của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; Ca Lê Thắng-em trai nhạc sĩ Ca Lê Thuần và nhà thơ-liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân); Trần Hữu Chất-Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012…
Đưa con đi ngắm tranh tại triển lãm, anh Nguyễn Minh Nhật (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay, khi đến các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng, anh rất thích đi thăm bảo tàng, xem triển lãm. “Những chủ đề như thế này rất hay, cũng là cách để mình giải thích cho con hiểu thêm về lich sử vùng đất. Đến đây tôi như thấy lại một phần đời sống trước kia ở Tây Nguyên với nhiều cách thể hiện, chất liệu, bút pháp khác nhau. Sau mấy mươi năm, các tác phẩm vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, chứng tỏ công tác bảo quản rất tốt để bây giờ mới có những tác phẩm như thế này phục vụ công chúng”-anh Nhật nhận xét.