'Chuyện ma giảng đường' có phải là phim kinh dị đáng sợ nhất Thái Lan?

Nhờ cách xử lý câu chuyện khác với phần đông phim kinh dị Thái, 'Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2' vẫn tạo được điểm nhấn riêng để bù trừ cho yếu tố hù dọa kém ấn tượng.

Suốt những năm tháng ngồi ghế giảng đường, chắc hẳn ai trong chúng ta đều đã nghe qua mấy lời đồn thổi rùng rợn, nhuốm màu sắc tâm linh nơi ngôi trường mà mình hoặc đám bạn đang theo học như ngôi mộ cổ giữa khuôn viên đại học X, hay cây hoa sữa trấn yểm tại đại học Y...

Tương tự, giới sinh viên xứ sở chùa vàng cũng truyền tai nhau nhiều giai thoại quỷ dị hấp dẫn không kém. Và một phần nhỏ trong số đó vừa được ê-kíp Thái Lan tái hiện lên màn ảnh lớn dưới cái tên Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 (Haunted Universities Second Semester).

Do đồng đạo diễn 2 mùa Girl From Nowhere (2018-2021) là Jatuphong Rungrueangdechaphat cầm trịch, tác phẩm quy tụ dàn sao trẻ quen mặt gồm Teeradon Supapunpinyo, Sawanya Paisarnpayak, Krit Jeerapattananuwong…

Sự trở lại của thể loại hợp tuyển

Thuộc thể loại hợp tuyển (anthology), Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 mang tới 3 mẩu truyện kinh dị riêng biệt.

Mở đầu, The Last Cheer đưa người xem theo chân hai nữ sinh sở hữu đôi mắt âm dương. Họ bị bắt buộc phải tham gia nghi lễ Hazing, hoạt động ngoại khóa ở trường vào ban đêm để rồi nhận ra chốn đây vốn đầy rẫy oan hồn.

Tiếp đến, dựa trên truyền thuyết đô thị (urban legend) cực kỳ nổi tiếng tại Đại học Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, The C xoay quanh chàng sinh viên trường y tên Tan. Vì quá ham học, cậu quyết định ở lại ký túc xá một mình vào kỳ nghỉ lễ, bất chấp lời cảnh báo của cô bạn gái về hiện tượng tâm linh.

Câu chuyện cuối The Abandoned lấy bối cảnh ngôi trường kỹ thuật rộng lớn. Trong lúc tìm đường giao đồ cho chị gái đang trực phòng thí nghiệm xuyên đêm, nam chính Golf vô tình đi lạc sang tòa nhà khoa học bỏ hoang, nơi từng xảy ra hàng loạt sự kiện thương tâm và được đồn đoán bị ám bởi nhiều vong dữ.

 Bộ phim gồm 3 mẩu chuyện kinh dị ngắn xoay quanh bối cảnh đại học.

Bộ phim gồm 3 mẩu chuyện kinh dị ngắn xoay quanh bối cảnh đại học.

Hợp tuyển là thể loại phim bao gồm các câu chuyện ngắn có tuyến nhân vật, nội dung hoàn toàn độc lập song lại giống nhau về mặt chủ đề. Năm 2008, đứa con tinh thần Fobia của đạo diễn Oxide Chun Pang đã gây tiếng vang lớn, mở đường giúp dòng phim tuyển tập kinh dị (horror anthology) xứ chùa vàng phát triển mạnh mẽ.

Sau khoảng thời gian thoái trào do chất lượng những dự án dạng này liên tục giảm sút, mấy năm gần đây, thể loại trên dần thịnh hành trở lại với vài cái tên tiêu biểu như 3 AM: Part 3 (2018), series Girl from Nowhere hay sắp tới là School Tales: The Series.

Với cốt truyện đơn giản chứ chẳng hề lan man dài dòng, Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 ghi điểm khi chuyển thể loạt giai thoại thú vị mà gần gũi, dễ dàng tìm thấy phiên bản tương tự tại bất kỳ quốc gia châu Á nào. Hơn nữa, vì nắm giữ lợi thế kịch bản cô đọng, tác phẩm sẽ có thêm thời lượng để xây dựng trải nghiệm kinh dị làm thót tim khán giả.

Khi ma quỷ đóng vai trò "phông nền"

Dẫu cùng xoay quanh đề tài tâm linh, mỗi mẩu chuyện nơi Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 vẫn tạo được dấu ấn riêng bằng phong cách kinh dị thú vị, pha trộn với nhiều thể loại khác nhau.

Nếu The Last Cheer thiên về tâm lý giật gân và huyền bí, The C gieo rắc nỗi sợ thông qua chất liệu kinh dị thể xác (body horror), thì The Abandoned gây bất ngờ hơn cả bởi màu sắc giễu nhại (parody) hài hước.

Bên cạnh đấy, nhờ bàn tay chăm chút kỹ lưỡng của ê-kíp, ngoại hình đa dạng, thậm chí có phần ghê tởm của các thế lực siêu nhiên đủ sức làm người xem thấy ớn lạnh sống lưng.

Kết hợp diễn xuất đồng đều, tròn vai từ dàn sao trẻ, không khí hồi hộp, căng thẳng cũng được duy trì ổn định xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ.

 Tác phẩm ghi điểm khi dùng ma quỷ để phản ánh những vấn nạn xã hội.

Tác phẩm ghi điểm khi dùng ma quỷ để phản ánh những vấn nạn xã hội.

Chưa kể, điểm khiến tác phẩm này trở nên đặc biệt còn nằm ở chỗ, hướng xử lý nút thắt lẫn 3 cái kết trong Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 khá mới mẻ, không sa vào lối mòn giống phần đông phim kinh dị Thái. Dưới lăng kính của đạo diễn Jatuphong Rungrueangdechaphat, ma quỷ chỉ đóng vai trò tựa tấm bình phong nhằm phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối mà các bạn sinh viên trẻ ngày nay đang phải đối mặt.

Đó là sự xung đột giữa bản sắc cá nhân và tiêu chuẩn cộng đồng (The Last Cheer), việc điều kiện thực tế ngăn cản bản thân chạm tới ước mơ (The C), hay áp lực tốt nghiệp đúng hạn luôn đè nặng lên vai mấy sinh viên năm cuối (The Abandoned). Thông qua trải nghiệm sinh tử nhớ đời từ dàn nhân vật, bộ phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa cũng như đề cao giá trị nhân văn.

Yếu tố kinh dị gây nhiều hụt hẫng

Cách xử lý nội dung vừa rồi quả thật khá thú vị, tiếc thay, nó lại dẫn đến điểm trừ không nhỏ cho Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2. Vì chú trọng khai thác diễn biến nội tâm nhân vật, yếu tố hù dọa, nhát ma nơi 3 mẩu chuyện ngắn chỉ mới dừng ở mức ổn.

Thế nhưng, trước đoạn trailer gom hết tất cả tinh túy bên cạnh lời quảng bá "phim kinh dị Thái đáng sợ bậc nhất, quy tụ số lượng ma đông đảo gần bằng một trường học" từ nhà phát hành, một bộ phận người xem đã đặt kỳ vọng lớn lên đứa con tinh thần do đạo diễn Jatuphong Rungrueangdechaphat cầm trịch.

Kết quả, họ bị thất vọng tràn trề bởi độ nhẹ đô kém xa những gì bản thân tưởng tượng.

Ngoài ra, tác phẩm còn gây khó chịu khi liên tục lồng ghép hiệu ứng âm thanh ma quái, có âm lượng lớn vào nhiều phân cảnh vốn chẳng hề rùng rợn chút nào.

Ngoại trừ The C, 2 câu chuyện còn lại lộ rõ sự non tay của ê-kíp sản xuất trong việc cân đối chất kinh dị với các thể loại khác.

Cụ thể, càng về sau, The Last Cheer càng sa đà vào mâu thuẫn của hai nữ chính. Thậm chí, trường đoạn tranh cãi giữa họ và nhóm sinh viên năm cuối ở phòng hội trường được dàn dựng nhàm chán, trông chẳng khác gì mấy phim truyền hình. Trái lại, The Abandoned thì tồn tại kha khá miếng hài lố, kém duyên lấn át không khí quỷ dị.

Nhìn chung, so với mặt bằng dự án kinh dị nhàm chán hiện nay, Chuyện ma giảng đường: Học kỳ 2 vẫn là một tác phẩm chỉn chu, xem được, giàu tính giải trí dù chưa thỏa mãn về mức độ hù dọa lẫn thót tim.

Khánh Đặng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-ma-giang-duong-co-phai-la-phim-kinh-di-dang-so-nhat-thai-lan-post1341524.html