Chuyển mình trở thành 'người thầy 4.0'

Ngày nay, việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy. Dù phương thức giáo dục thay đổi, song mối quan hệ thầy - trò luôn được đề cao. Và để giữ được vai trò và hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà giáo phải luôn đổi mới, chuyển mình, trở thành 'người thầy 4.0'.

Công nghệ không thể thay thế sự chân thành, quan tâm

Tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục Khan Academy vừa cho ra mắt phần mềm Khanmigo được thiết kế giúp giảm tải việc soạn bài và chuẩn bị tài liệu - tác vụ chiếm tới 50% công việc của giáo viên. Khanmigo không chỉ tinh giản tác vụ chuẩn bị mà còn giúp trải nghiệm dạy và học trở nên phong phú hơn. Bằng cách gợi ý các hoạt động học tập sáng tạo, liên kết lý thuyết và thực tế, và đề xuất nội dung theo sở thích của học sinh, “trợ giảng" Khanmigo sẽ giúp khuấy động bầu không khí lớp học và gia tăng tương tác giữa thầy và trò.

 Cô giáo Bùi Bích Phượng (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, Hà Nội) và học trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo Bùi Bích Phượng (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, Hà Nội) và học trò. Ảnh: NVCC

Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước khẳng định đây là công nghệ trụ cột mang tính cách mạng - một công cụ hoàn toàn có thể trực tiếp góp phần đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, nó cũng mang theo những trăn trở của người thầy. Trong cuốn sách “Nền giáo dục mới can đảm”, TS. Salman Khan - người sáng lập ứng dụng Khanmigo cho rằng, một số giáo viên lo sợ học sinh sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi với việc sử dụng công cụ AI, mà không cần tương tác với người hướng dẫn. “Nỗi sợ này đến từ kịch bản mà giáo viên cảm thấy như thể họ không còn cần thiết trong lớp học nữa”.

Chia sẻ từ thực tiễn giảng dạy của bản thân, thầy Lê Ngọc Tùng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, có sự thay đổi rõ rệt trong cách thầy trò tương tác. Trước đây, việc giảng dạy thường diễn ra trực tiếp, nơi ánh mắt, cử chỉ hay cảm xúc đều được truyền tải tự nhiên. “Nhưng với công nghệ hiện nay, đặc biệt là các lớp học online, sự tương tác đó giảm đi, làm tôi cảm nhận được khoảng cách nhất định. Có những lúc dạy online, tôi cảm giác như đang nói với màn hình, vì học sinh ít bật camera, ít tương tác. Điều này khiến việc kết nối cảm xúc trở nên khó khăn hơn”.

Tuy nhiên, sau khi thích ứng với phương thức giáo dục mới, thầy Tùng nhận ra rằng chính công nghệ, nếu sử dụng khéo léo, lại có thể trở thành công cụ để làm mối quan hệ thầy trò gần gũi hơn. “Tôi thường tận dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến tổ chức các sự kiện không chính thức để duy trì sự kết nối. Ví dụ, tôi thường tạo một buổi “cà phê trực tuyến” - nơi chúng tôi không nói nhiều về bài học mà chia sẻ câu chuyện trải nghiệm của bản thân hoặc những vấn đề sinh viên quan tâm. Những buổi như vậy không chỉ làm không khí thoải mái hơn mà cũng khiến tôi nhận ra mình như một người đồng hành, chứ không chỉ là giảng viên… Vì vậy, dù công nghệ hiện đại đến đâu, sự chân thành và quan tâm của người thầy vẫn là điều không thể thay thế”, thầy Tùng chia sẻ.

"Người thầy" luôn được đề cao

Ở Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, việc sử dụng thiết bị cầm tay, mạng xã hội, ChatGPT và hệ thống bài giảng điện tử giúp sinh viên dễ dàng học qua video, tài liệu trực tuyến, và có thể nộp bài ngay trên nền tảng số. Theo TS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, việc sử dụng công nghệ có thể khiến giảm tương tác trực tiếp, nhưng lại tạo điều kiện để vai trò của người thầy vượt lên trên cả cung cấp kiến thức.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trước những thách thức mới, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò.

Giảng viên sẽ trở thành người định hướng, giúp đỡ sinh viên khi gặp vấn đề hoặc cần thông tin chuyên sâu. “Ví dụ, trong môn Phương pháp nghiên cứu truyền thông mà tôi giảng dạy, vai trò dẫn dắt của người thầy rất quan trọng. Chúng tôi giúp sinh viên có tư duy phản biện, có cái nhìn đa chiều để từ đó có được hiểu biết sâu sắc và phân biệt được thông tin đúng - sai”.

Hay khi sinh viên gặp căng thẳng vì tốc độ thông tin quá nhanh, giảng viên sẽ là người đồng hành để chia sẻ, giúp đỡ thực hành, kinh nghiệm thực tiễn. Từ lý thuyết đã học, giảng viên sẽ định hướng và hỗ trợ sinh viên đi sâu hơn vào những vấn đề mà công nghệ không thể giải đáp. TS. Vũ Tuấn Anh cho biết: "Một số giảng viên chia sẻ rằng khi không hài lòng với câu trả lời của những công cụ như ChatGPT, sinh viên sẽ quay lại với thầy cô để trao đổi sâu hơn, thậm chí “hỏi xoáy” các vấn đề mà công nghệ không giải đáp".

Trong bối cảnh người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ khẳng định, để giữ được vai trò và hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà giáo phải luôn đổi mới, chuyển mình để trở thành “người thầy 4.0”.

Cụ thể, theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nhà giáo phải là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, rèn luyện học sinh cách học, thu thập, xử lý thông tin để phục vụ việc học tập. Không chỉ dạy học sinh nắm được cái gì, nhà giáo phải biết hướng dẫn người học vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống. Do vậy, người thầy phải có năng lực, trình độ cao, vận dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục và kiểm tra. Và để đáp ứng yêu cầu đó, nhà giáo phải biết tự học, biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động nghề nghiệp mới có thể làm gương và biết cách dạy học trò.

Khải Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-minh-tro-thanh-nguoi-thay-40-post396830.html