Chuyện một người đấu rượu, đấu súng, dẹp yên trùm phỉ

Năm tôi gặp, cụ bà Hoàng Thị Đào (phu nhân Thiếu tướng Lê Quảng Ba), sắp bước sang tuổi 90 song còn khỏe mạnh và minh mẫn. Giọng quê hương bao năm không đổi thay, nhà cách mạng lão thành Hoàng Thị Đào đã cung cấp cho tôi những tư liệu về cuộc đời Thiếu tướng Lê Quảng Ba.

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn góp phần giải phóng Trung Quốc (1949)

Lúc đầu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự định trở về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai. Nhưng rồi cầu Hồ Kiều bị máy bay Nhật đánh sập, ý định về nước theo hướng Lào Cai không còn. Nguyễn Ái Quốc tìm hướng mới, đó là Cao Bằng. Người thanh niên 26 tuổi, quê ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ đón và đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ cao cấp về nước. Người thanh niên ấy chính là Thiếu tướng Lê Quảng Ba sau này.

Đường về Pác Bó

Vào tiết cuối năm Canh Thìn (1940), trời rét, Lê Quảng Ba dẫn cả đoàn gồm 41 người được huấn luyện trong lớp quân sự của Trương Bội Công (do Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm làm trợ giáo), đi gấp về phía biên giới. Quá trưa thì đoàn đã gần tới Lục Tùng, cách Tĩnh Tây trên hai mươi cây số. Hai ngày sau, đoàn về đến vùng hoạt động cũ của các đồng chí Hà Quảng, được lệnh dừng chân ở làng Nậm Quang và Ngàm Tẩy để tuyên truyền vận động quần chúng.

Gần một tháng sau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng về tới Nậm Quang. Tại đây, đoàn được dự một lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các ông Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy.

Tiết xuân trời đẹp, đoàn ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường. Trong bộ quần áo chàm Nùng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như gầy hơn. “Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, lúc này tôi mới chỉ nhận thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh, rất thân quen”, Thiếu tướng Lê Quảng Ba kể lại trong hồi ký.

Khu trưởng Quân khu Hà Nội Lê Quảng Ba tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp (31-5-1946). Tư liệu KMS.

Khu trưởng Quân khu Hà Nội Lê Quảng Ba tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp (31-5-1946). Tư liệu KMS.

Ông dẫn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cầm cây gậy nhỏ, chân bước mau lẹ, dẻo dai như một thanh niên, vừa đi đường vừa nói chuyện. Lê Quảng Ba kể lại với Nguyễn Ái Quốc tin tức mới nhận được qua thư các đồng chí Cao Bằng mới gửi sang.

Câu chuyện làm cho quãng đường như ngắn lại. Đoàn vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi phớt nâu rung rinh trong nắng. Lê Quảng Ba đã nhận ra cây mậy rẫy (cây si) sum sê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp.

Hôm đó là ngày 28 tháng 1 năm 1941. Tròn 30 năm xa nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về mảnh đất quê hương.

Ngoài nhiệm vụ được đoàn thể cách mạng giao cho là đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước đầu năm 1941, Thiếu tướng Lê Quảng Ba còn là người chịu trách nhiệm nơi ăn chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Khuổi Nặm (Pác Bó - Cao Bằng).

Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Đồng thời, Hội nghị quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt và Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

Chỉ sau 4 năm ngày ra đời, Mặt trận Việt Minh, với chính sách đại đoàn kết toàn dân, đã thực hiện được ước vọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như trong bài thơ Pác Bó hùng vĩ Người đã viết: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê nin, kia núi Mác/ Hai tay gây dựng một sơn hà”.

Thi uống rượu, bắn súng với trùm phỉ

Trước đó, từ cuối mùa đông năm 1939, đầu 1940, Lê Quảng Ba và Trần Sơn Hùng (tức Thiếu tướng Hoàng Sâm sau này) được giao nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Những câu chuyện này và nhiều “huyền thoại” khác về họ vẫn được kể bên bếp lửa đỏ của người Tày, người Nùng, người Dao ở Việt Bắc...

Năm ấy, ở Hà Quảng, Cao Bằng cũng như nhiều năm trước, có không ít bọn phỉ cướp phá. Đội du kích được thành lập và phát động phong trào phòng, chống phỉ để canh giữ thôn, bản và dự kiến nhiều phương án đối phó nếu phải chạm trán với chúng. Một yêu cầu đề ra cho đội du kích là: vạn bất đắc dĩ mới đối đầu với chúng.

Bọn phỉ cũng biết đội du kích và cả hai cán bộ lãnh đạo: ông Lê (tức Lê Quảng Ba) và ông Trần (tức Hoàng Sâm). Nhằm thị uy, trấn áp, thăm dò lực lượng xem cái gan hai ông này thế nào để đối phó, làm ăn nên chúng bày mẹo mời thi uống rượu, thi bắn súng.

Một hôm, trời quang, mát mẻ, chúng kéo quân về Pác Bó, đặt 1 khẩu trung liên trên đồi, chiếm điểm cao; 2 khẩu còn lại, 1 đặt trước, 1 đặt phía sau Pác Bó, sẵn sàng nhả đạn. Vào nhà một quần chúng cách mạng, tên trùm phỉ Lỷ Síu bảo: “Tao biết ông Trần, ông Lê là cộng sản ở gần đây. Mày báo cho hai vị là Lỷ Síu muốn mời hai vị đến uống rượu chơi!”.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1957).

Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1957).

Tin về đội du kích ở Pác Bó. Sau khi bàn bạc thống nhất, một mình, một súng pặc-khoọc, cán bộ Trần Sơn Hùng, có nghĩa là “con gấu núi” họ Trần, đàng hoàng bước vào ổ phỉ.

Sau màn đấu rượu, ông Trần uống hết bát này, cạn bát khác thì ông Lê cũng tới. Xong tiệc, trùm phỉ mời hai vị xuống núi dạo chơi. Đến một cây si to, Lỷ Síu dừng lại: “Tài bắn súng của ông Lê đã lừng danh thiên hạ, bách phát bách trúng, tôi vốn có lòng hâm mộ. Hôm nay hội ngộ, xin được ông chỉ giáo cho”.

Lê Quảng Ba khiêm tốn: “Họ nói thế thôi chứ ông Trần đây mới đáng là đàn anh của chúng tôi. Nhưng nếu ông đã có lời, tôi không dám chối từ. Xin mời ông...”.

Lỷ Síu chỉ vào một vạch tròn trên cây si bảo, “hồng tâm ở cây si”, rồi giơ súng, bóp cò. Viên đạn chạm vào cách điểm tâm vài phân. Lê Quảng Ba rút súng bắn ngay. Tên trùm phỉ hoảng vía: “Ôi! Đúng hồng tâm rồi...”.

Họ rủ nhau đi tiếp. Gặp một bụi nứa nhỏ, Lỷ Síu lại thách: “Tôi với ông Lê bắn cây hóp to nhất nhé!”.

Tuy là một tay bắn cừ, hai tay như nhau, thường ngày, tên phỉ này ít bắn sai nhưng hôm nay bị “ma ám” nên bắn không được. Viên đạn của Lỷ Síu chỉ chạm vào cạnh cây hóp, để lại một vết xước nhỏ.

Đến lượt ông Lê, khẩu súng chĩa nhanh về phía bụi cây, xen vào tiếng đạn nổ là tiếng “đốp”, một gióng cây hóp nứt toạc ra. Lỷ Síu mặt tái lại: “Quả là danh bất hư truyền”.

Chừng vẫn chưa chịu, trùm phỉ lại chỉ một cây đu đủ trước mặt, cách xa chừng 5-6 chục mét, nói lạc giọng: “Ta bắn quả chín lồi ra...”.

Lê Quảng Ba lại nhã nhặn nhìn sang Lỷ Síu: “Mời ông bắn trước”.

Lần này, Lỷ Síu cẩn thận hơn, từ từ nâng súng, nheo mắt, bóp cò. Viên đạn xuyên qua quả đu đủ, hạt đen rơi vãi xuống...

Lê Quảng Ba khen: “Giỏi lắm! Giỏi lắm!... Tôi xin phép lấy nó xuống. Chín rồi mà...”.

Tỳ súng lên khuỷu tay trái, Lê Quảng Ba nhằm cuống quả đu đủ. Đạn nổ, quả đu đủ bị đạn trúng cuống, rơi bịch xuống đất. Bấy giờ, tên trùm phỉ vã mồ hôi trán. Nó ấp úng: “Tôi thật là... Đứng trước Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục!”.

Tiếp ngay sau đó, kết thúc màn thi ném lựu đạn, Trần Sơn Hùng ném 4 quả, 4 lần trúng đích. Lỷ Síu ném 4 quả, 4 lần ra ngoài. Như con thú say máu, Lỷ Síu lại thách ông Lê: “Tôi với ông thi bắn súng trường chứ?”.

Lê Quảng Ba ra lệnh cho đội viên dưới quyền: “Về kho, chọn một khẩu súng trường Bỉ ra đây”. (Thực tế, gia tài của cả đội du kích chỉ có độc một khẩu Bỉ mà thôi!). 3 lần Lỷ Síu bắn đều trượt, còn 3 phát đạn của Lê Quảng Ba đều trúng hồng tâm. Chắp tay vái chào “kính lễ” xin có dịp tái ngộ, trùm phỉ ra lệnh rút quân.

Thế là rừng Pác Bó từ đó không thấy trùm phỉ Lỷ Síu xuất hiện. Và chuyện “đấu rượu, đấu súng” đã làm cho tất cả bọn phỉ biên giới “cạch mặt” hai ông “tướng Việt Minh” và đội du kích của đoàn thể Việt Minh được lan truyền khắp nơi. Sợ uy Việt Minh, một số nhóm phỉ khác trong vùng cũng phải dạt đi nơi khác.

Tự hào về cha mẹ

Cuối năm 2019, tôi được bà Lê Thị Thanh Hà, cán bộ hưu trí Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, con gái Thiếu tướng Lê Quảng Ba, chia sẻ thêm về những năm tháng hoạt động sau này của cha bà. Tự hào về cha mẹ gắn liền với tự hào về đất nước song cũng không khỏi có những nỗi niềm. Bà cho tôi xem những kỷ vật của cha mẹ để lại, những bức ảnh con cháu đứng dưới tấm biển con đường mang tên ông ở Đà Nẵng.

Danh tướng một thời lẫy lừng chiến khu Việt Bắc, ông từng làm Khu trưởng Quân khu Hà Nội (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô); Tư lệnh Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu I); cuối đời, ông được cử làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ.

Thiếu tướng Lê Quảng Ba qua đời sáng ngày 19-3-1988 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Một ngày trước đó, ghi nhận những công lao, đóng góp của ông với cách mạng và Tổ quốc, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã ký tặng Thiếu tướng Lê Quảng Ba Huân chương Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tại quê nhà của ông bà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có ngôi trường trung học cơ sở mang tên Lê Quảng Ba.

Kiều Mai Sơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/chuyen-mot-nguoi-dau-ruou-dau-sung-dep-yen-trum-phi-578010/