Chuyện một thời dập tắt 'Vua lửa', triệt xóa 'Ma lai'
Mải miết trên dặm dài hơn 70 km theo tuyến quốc lộ 25 kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, buổi sáng hạ tuần tháng tư, tôi lên xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa - cửa ngõ phía Tây tỉnh Phú Yên, nơi tiếp giáp với hai xã Chư Ngọc và Ea Dreh, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ở đó, tôi được nghe những già làng, cựu cán bộ lãnh đạo địa phương kể lại nhiều câu chuyện thú vị một thời dập tắt 'Vua lửa' và triệt xóa 'Ma lai'.
1. Trước khi đến các buôn làng, Thiếu tá Nguyễn Lưu Nguyên, Trưởng Công an xã Krông Pa cho biết, toàn xã có 1.003 hộ gia đình gồm 4.590 người dân, trong đó có hơn 80% là đồng bào dân tộc Ê đê, Ba na, Chăm H'roi cư trú tại 6 buôn, thôn duy nhất còn lại tập trung người Kinh. Ngoài đoạn quốc lộ 25 đi qua, địa hình xã Krông Pa còn có sông suối, núi rừng, ruộng đồng, nương rẫy, trong đó có hai khúc sông Cà Lúi và sông Ba.
Đời sống kinh tế của người dân ở đây chủ yếu trồng lúa, mía, sắn, ngô kết hợp chăn nuôi. Trước kia, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân vùng đất này còn nhiều hạn chế, một số hủ tục lạc hậu mang đậm màu sắc mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại trong tâm tưởng một số đồng bào dân tộc thiểu số...
Hàng chục năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không chỉ góp phần đổi mới diện mạo xã Krông Pa, mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất và đời sống của người dân.

Già làng Ma Thoan trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Lưu Nguyên, Trưởng Công an xã Krông Pa.
Khép lại cuộc trò chuyện, Thiếu tá Nguyễn Lưu Nguyên đưa tôi đến buôn Chơ gặp già làng Rah Lan Y Rin, thường gọi là Ma Thoan, nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Sơn Hòa, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND rồi Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa (1988-2005). Ở độ tuổi 78, ông Y Rin còn khỏe mạnh, săn chắc như cây lim, cây sến giữa rừng già. Khi chúng tôi đến, ông đang ngồi dưới chân cầu thang nhà sàn đẽo gọt cung tên. Buông tay rựa, ông đáp lại lời chào của khách bằng nụ cười hiền lành, thân thiện, rồi bộc bạch: “Mình đẽo cái này treo vách nhà để nhớ lại một thời trai trẻ, rồi kể cho con cháu biết cái hồi cha ông xưa vót chông, đào hầm, làm cung nỏ đánh đuổi thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước”.
Khi nghe tôi hỏi về chuyện dập tắt “Vua lửa”, Ma Thoan nhớ lại: “Hồi ấy, xã Krông Pa này còn nghèo khó lắm, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại trong đời sống. Cái bụng người Chăm H’roi, Ê đê ở đây luôn tin rằng từ thượng nguồn con suối cho đến những cánh rừng đại ngàn, hay trên nương rẫy xa xôi và ngay trong bếp lửa nhà sàn của họ đều có thần linh. Dân làng cúng bái xin Giàng được mùa ngô, lúa; đôi chân đứa con trai khỏe mạnh để lên rừng, đôi tay đứa con gái dẻo dai để giã gạo; xin thần suối, thần sông cho mạch nước ngọt lành để dân làng không đau ốm... Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, nắng hạn kéo dài, cây lúa trên rẫy khô héo, cây ngô trên nương chết cháy, nhiều người dân ở buôn Học gom góp tiền bạc, lúa gạo để rước “Vua lửa” từ trên Gia Lai xuống, vì nghe đồn rằng “Vua lửa” có khả năng cúng bái cầu mưa, cho cây lúa tươi tốt, hạt ngô mập tròn, cái bụng lũ làng không đói”.
Lúc đó, Ma Thoan đang là Xã đội trưởng, còn Ma Lâk là Trưởng Công an xã, được ông Ma Hong, Chủ tịch UBND xã Krông Pa chỉ đạo phối hợp cán bộ Đội An ninh Công an huyện Sơn Hòa khẩn trương xác minh, đấu tranh ngăn chặn.
Sau nhiều giờ thuyết phục, già làng Ma Veo mới tiết lộ hành tung “Vua lửa” là Kpă Tú, lễ cúng dự tính tổ chức tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ma Thoan, Ma Lâk cùng cán bộ Đội An ninh Công an huyện Sơn Hòa nhiều đêm thức trắng bên bếp lửa nhà sàn giải thích cho già làng Ma Veo biết, nắng hạn kéo dài là do thời tiết biến động, không có “Vua lửa” nào gọi Giàng làm mưa cứu hạn, mà đồng bào phải chung tay ngăn chặn phá rừng đầu nguồn, nạo vét kênh mương, đào ao chứa nước, sử dụng máy bơm chống hạn, theo dõi bản tin dự báo thời tiết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp để chủ động gieo lúa, trỉa ngô...
Thấu hiểu rồi, già làng Ma Veo kêu gọi đồng bào không nên nghe theo “Vua lửa” Kpă Tú, các ông Ma The, Ma Lép và bà Mí Dúc nhận sai lầm trước dân làng, trả lại tiền bạc, lúa gạo đã gom góp.
Nói về “Vua lửa” ở Gia Lai có nhiều huyền thoại, nhưng theo người Jarai, vương quốc Vua lửa ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện.

Nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang. Ảnh. Hoàng Ngọc
Sử thi kể rằng, xưa kia có hai anh em người Jarai rèn gươm báu trên tảng đá bên miệng núi lửa Hàm Rồng, đến khi thanh gươm bằng đồng đỏ rực, nhúng xuống suối, sông đều làm cạn nước... nên được gọi là “Vua lửa”. Những khi nắng hạn kéo dài, “Vua lửa” mang gươm báu đi khắp vùng để cúng cầu mưa. Thống kê của người Jarai cho thấy, có 15 đời “Vua lửa”, đó là Ksor Chlơi, Rơchom Tơrul, Rơchom Anur, Siu Bôm, Siu Djua, Siu Nhong, Siu Blong, Siu Blet, Siu Ji, Siu Y, Siu At, Siu Tú, Siu Nhót, Siu Luynh, Rơ Lan Hieo. Theo đó, Kpă Tú mà một số người dân buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa định rước về cầu mưa không có tên trong số những “Vua lửa” nêu trên. Không để kẻ xấu lợi dụng lễ hội và niềm tin của đồng bào để trục lợi.
Ngày 24/3/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 281/QĐ-BT công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, còn lễ hội cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.
2. Nói đến nghi kỵ “Ma lai”, “Cầm đồ thuốc độc”, Ma Thoan cho biết, đó là những câu chuyện mang đậm màu sắc mê tín dị đoan từ thời xa lắc xa lơ, còn bây giờ đã được đẩy lùi ra khỏi đời sống ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Pa nói riêng và 3 huyện miền núi ở tỉnh Phú Yên nói chung.
Trung tá Lê Mạnh Hùng, còn gọi là A Ma Sơn, dân tộc Chăm H’roi, nguyên Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Sơn Hòa từng kể cho tôi nghe nhiều chuyện về nghi kỵ “Ma lai” mà anh đã cùng đồng đội đấu tranh triệt xóa.
Hơn hai chục năm về trước, khi Trung tá Lê Mạnh Hùng đến buôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, nghe tin bà Lô Mô Thị Hoa bệnh nặng, người thân nghi ngờ bà Hờ Trích là “Ma lai” đã ám hại, nên chồng bà Hoa cầm dao đến nhà bà Trích đe dọa. Hối ấy, người nào bị nghi ngờ “Ma lai” thì đồng bào né tránh, thậm chí xua đuổi ra khỏi buôn làng, nên bà Trích lo ngại, lén lút bàn bạc với trưởng họ Ma Oi chuẩn bị một cuộc trả thù. Nghe tin, Trung tá Hùng phải lội bộ một chặng đường dài lên nương rẫy xa xôi tìm gặp già làng để thuyết phục ông vận động gia đình đưa chị Hoa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, sau một tuần thì bác sĩ... bắt mất “Ma lai”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Krông Pa đến thăm già làng Ma Thoan.
Cùng thời điểm ấy, Mí Khóc ở thôn Tân Hiên, xã Sơn Phước lên cơn đau bụng dữ dội. Những chén thuốc sắc từ cây rễ theo phương thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc thiểu số, rồi các mâm lễ cúng bái thần linh đều bất thành. Gia đình Mí Khóc nghi ngờ Ma Nữ là “Ma lai” đã ám hại bà Khóc do trước đó hai bên có cuộc tranh chấp đất nương rẫy. Ông Nữ phản đối, kêu đòi dòng họ bà Khóc phải chứng minh bằng một trong 3 “phép thử” mà đồng bào Ê đê xưa kia đã hành xử. Một là dòng họ bà Khóc chọn người khỏe mạnh để dân làng buộc dây trói cùng ông Nữ đưa lên chòi gác để xông khói có pha phân gà và ớt xiêm xanh, hễ mắt người nào không đỏ, không ứa lệ thì người đó là “Ma lai”. Hai là cử người cùng ông Nữ cắt cổ con gà thả xuống suối, còn con gà bên nào vùng vẫy ngược dòng thì người bên đó là “Ma lai”. Ba là cử người cùng ông Nữ lặn nước dưới suối, bên nào ngoi lên khỏi mặt nước trước thì người đó là “Ma lai”. Lúc đó, Trung tá Lê Văn Dỏn, dân tộc Ba na, cán bộ Công an huyện Sơn Hòa ra tận con suối để ngăn cản cuộc lặn nước sắp diễn ra. Người trong dòng họ Mí Khóc chỉ tay về phía ông Ma Nữ rồi nói: “Nó là “Ma lai”, cán bộ Dỏn phải để cho hai bên dòng họ tự xử theo luật tục”.
Biết không thể tự mình khuyên can được, Trung tá Dỏn đi tìm già làng Ma Tul để thuyết phục ông ra suối vận động dòng họ hai bên không hành xử theo luật tục, mà đưa bà Khóc xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa để bác sĩ “bắt” cái bệnh. Khi bà Khóc xuất viện về làng trong trạng thái khỏe mạnh, dòng họ hai bên mới thừa nhận không có “Ma lai” trong người ông Nữ.
Gần đây nhất, vào giữa tháng 4/2019, Ksor Y Tai, trú ở buôn Thu, xã Krông Pa cùng người em trai đánh lưới ở sông Cà Lúi, bắt được mớ cá rô phi đem về nhà bày cuộc nhậu với Ksor Y Sơn. Mấy hôm sau, Y Sơn lên cơn đau bụng âm ỉ, người nhà vào rừng đào rễ, hái lá rồi tìm thầy bốc thuốc mang về nấu nhưng sau cả tuần bệnh trạng càng thêm nặng. Gia đình Y Sơn nghi ngờ Y Tai là “Ma lai” đã dùng chiêu “cầm đồ thuốc độc” trong bữa nhậu để ám hại mình. Y Tai phản đối, rủ anh em dòng họ đến nhà Y Sơn kêu đòi phán xử đúng, sai bằng hủ tục “lặn nước”.
Mâu thuẫn kéo dài đến giữa tháng 12/2019, Y Tai đòi rước “thầy cúng” làm lễ “lặn nước”, nhưng nhờ Công an xã Krông Pa vận động từ trước nên dòng họ Y Sơn từ chối. Thế nhưng, bi kịch lên đến đỉnh điểm khi gia đình Y Sơn nghe “thầy cúng” ở Kon Tum phán rằng ông đã bị “cầm đồ thuốc độc”, nên lần này đến lượt dòng họ Y Sơn thách đấu “lặn nước”. Công an xã Krông Pa phải nỗ lực vận động nhiều ngày, gia đình mới đưa Y Sơn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để điều trị, nhưng do bệnh nặng nên bệnh nhân qua đời ngày 19/1/2020. Lúc đó, dòng họ Y Sơn lớn tiếng khẳng định Y Tai là “Ma lai” nên “tuyên chiến” gay gắt. Công an xã Krông Pa phải cử cán bộ xuống bệnh viện sao chép hồ sơ bệnh án đưa về để giải thích cho dòng họ Y Sơn, rồi kiên trì thuyết phục hai bên từ bỏ hành xử theo luật tục, vì không có “Ma lai” nào gây ra cái chết của Y Sơn, mà do lâm bệnh xơ gan nặng.

Già làng Ma Thoan trò chuyện với phóng viên.
Tạm biệt Krông Pa trong chiều vàng cuối tháng tư, trên đường về xuôi, tôi nhớ mãi câu nói của Ma Thoan: “Diện mạo kinh tế - xã hội vùng đất này đang đổi mới và phát triển, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã đẩy lùi, đời sống văn hóa buôn làng ngày càng được nâng cao, “Ma lai”, “Cầm đồ thuốc độc” chỉ là những câu chuyện của một thời xa lắc xa lơ”.