Chuyện 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng' - Bài 1: Nghĩa tình trên biên giới

Chúng tôi lên vùng biên giới tỉnh Cao Bằng khi Chương trình 'Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng' của Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng vừa được tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.

Trong những năm qua, mô hình này đã được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhân rộng tới nhiều địa phương, song ở Cao Bằng, phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và phát huy hiệu quả rất tích cực, giúp con em đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới được đến trường học tập, góp phần tạo nguồn nhân lực tương lai cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương.

Các cháu bé mồ côi trở thành "bộ đội nhí"

Khởi hành từ Hà Nội vào ban đêm, gần 12 giờ hôm sau thì chúng tôi đến Đồn Biên phòng (ĐBP) Cốc Pàng (BĐBP tỉnh Cao Bằng) nằm trên đỉnh một quả đồi, gió thổi lạnh buốt. Được cán bộ của đồn mời vào ăn bữa trưa luôn vì đã muộn, thấy ở bàn đối diện vẫn trống hai chỗ ngồi với bát, đũa bày sẵn và thức ăn để dành, tôi hỏi Thượng tá Lý Ngọc Danh, Chính trị viên ĐBP Cốc Pàng rằng còn anh em nào chưa ăn? Anh Danh cho biết, hai cháu con nuôi của đồn là Sùng Mí Lừ và Vừ Mí Lầu chưa đi học về. Ngày cuối tuần, hai cháu chỉ học buổi sáng và về muộn hơn thường lệ. Các thầy, cô giáo tiện đường qua đồn sẽ đưa hai cháu về.

Chúng tôi vừa xong bữa thì hai em nhỏ mặc đồng phục học sinh bước vào, lễ phép chào mọi người rồi tự giác xới cơm ăn. Thượng tá Lý Ngọc Danh ân cần hỏi thăm hai cháu việc học hành ở trường rồi kể với tôi: "Hai cháu Lừ và Lầu đã chững chạc lên nhiều lắm! Hồi đồn mới đón về, cả hai cháu đều rụt rè, bỡ ngỡ, e ngại. Thậm chí, cháu Vừ Mí Lầu còn không biết ăn cơm mà chỉ đòi ăn mèn mén (món ăn truyền thống của đồng bào Mông được đồ từ bột ngô xay) và kiên quyết không chịu ngủ trong màn"...

Cán bộ Đồn Biên phòng Thị Hoa (BĐBP tỉnh Cao Bằng) đưa con nuôi của đồn đi mua sắm quần áo. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Cán bộ Đồn Biên phòng Thị Hoa (BĐBP tỉnh Cao Bằng) đưa con nuôi của đồn đi mua sắm quần áo. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Đó là chuyện từ cách đây hơn 4 năm, khi những đứa trẻ chưa từng quen biết được ĐBP Cốc Pàng đón về đơn vị, sống cùng cán bộ, chiến sĩ như con em ruột thịt. Thượng tá Lý Ngọc Danh vẫn nhớ như in ngày đón Sùng Mí Lừ và Vừ Mí Lầu về đồn vào giữa năm 2019. Hoàn cảnh của Sùng Mí Lừ khá đặc biệt, bố mẹ ly hôn, bỏ rơi Lừ khi còn bé xíu. Gia đình người chú thương tình đã cố gắng nuôi Lừ ăn học đến hết lớp 5 và em có thể phải nghỉ học vì gia đình người chú quá khó khăn. Còn Vừ Mí Lầu mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến tuổi vào lớp 1 thì đứng trước nguy cơ thất học cũng bởi người thân không đủ sức cưu mang. Vậy là ĐBP Cốc Pàng làm các thủ tục đón hai cháu về nuôi.

Do ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh, ít tiếp xúc đông người nên thời gian đầu về ở với các chú bộ đội, Vừ Mí Lầu lầm lì, ít nói, thậm chí còn... sợ người lạ. Còn Sùng Mí Lừ dù đã học hết tiểu học nhưng vẫn rất ngại ngùng, bẽn lẽn. Thấu hiểu hoàn cảnh, tâm trạng của hai cháu, chỉ huy ĐBP Cốc Pàng đã phân công cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Mông ăn cùng, ở cùng để gần gũi, động viên, giúp đỡ các con nuôi quen dần với cuộc sống mới.

Đại úy Lăng Minh Khôi, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng ĐBP Cốc Pàng, người đã mấy năm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng học) với các con nuôi của đồn, chia sẻ: “Ban đầu, anh em tôi phải tập cho các con làm quen dần với nền nếp của đơn vị. Hai cháu đang quen với cuộc sống ở vùng bản làng xa xôi, heo hút, vì thế khi các cháu thực hiện được đúng nền nếp như bộ đội, chúng tôi rất vui. Giờ đây, Lừ và Lầu tự giác sinh hoạt theo các chế độ của đơn vị, giờ nào việc nấy. Ngoài thời gian đến lớp và học bài tại nhà, các cháu cùng cán bộ, chiến sĩ của đồn tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh doanh trại, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, xong việc thì ra sân chơi thể thao vui vẻ".

Từng có mấy năm đi học và sinh sống tại vùng đất Tây Bắc cùng nhiều bạn bè người Mông nên tôi biết bập bõm vài từ giao tiếp bằng tiếng Mông thông thường. Thế mà hỏi chuyện Sùng Mí Lừ và Vừ Mí Lầu về các chú BĐBP thì các em chỉ bẽn lẽn cười, bởi vẫn e ngại trước người lạ. Nhưng gần hai ngày ở ĐBP Cốc Pàng, thi thoảng tôi "nghe lỏm" được hai cháu nói chuyện với nhau về "chí" Khôi, "chí" Danh... với vẻ rất quý mến. “Chí” (Txir) trong ngôn ngữ của đồng bào Mông có nghĩa là “bố”. Tôi hiểu, Sùng Mí Lừ và Vừ Mí Lầu đã thực sự coi các chú BĐBP là người cha của mình.

 Hai con nuôi của Đồn Biên phòng Cốc Pàng (BĐBP tỉnh Cao Bằng) chơi thể thao cùng các chú bộ đội. Ảnh: TRẦN ANH

Hai con nuôi của Đồn Biên phòng Cốc Pàng (BĐBP tỉnh Cao Bằng) chơi thể thao cùng các chú bộ đội. Ảnh: TRẦN ANH

"Ngôi nhà xanh" nuôi dưỡng ước mơ

Cũng như ĐBP Cốc Pàng, các đồn khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều đón từ 2 đến 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đơn vị nuôi dưỡng, đồng thời nhận đỡ đầu từ 4 đến 6 cháu theo phương thức hỗ trợ tiền hằng tháng trong năm học đến khi các cháu học xong lớp 12.

Khi trò chuyện với chúng tôi, thầy Đinh Văn Hải, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), nơi cháu Sùng Mí Lừ đang theo học, bày tỏ rất tâm đắc với mô hình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi ĐBP” vì đây là việc làm rất nhân văn, ý nghĩa thiết thực. Thầy Hải nhẩm tính: “Ngoài chi phí ăn uống, điện, nước, các đồn còn mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, cho tiền các cháu đi đường, mua quà, đưa đón mỗi lần về thăm thân vào dịp cuối tuần, lễ, tết... Tính hết các khoản thì chi phí nuôi dưỡng mỗi cháu cũng phải ngót nghét 15 triệu đồng/năm. Đơn vị đón hai cháu về nuôi và nhận đỡ đầu 5-6 cháu, với mỗi cháu 500.000 đồng/tháng (mỗi năm 10 tháng theo năm học) thì khoản chi phí cũng lên tới khoảng 60 triệu đồng. Điều đáng quý là mặc dù đời sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn khó khăn, nhưng anh em đều giàu lòng nhân ái, vừa quyên góp, ủng hộ tiền của, vừa không quản ngại vất vả để chăm lo, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp các cháu trưởng thành”.

Mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em tới trường" ở Đồn Biên phòng Trà Lĩnh (BĐBP tỉnh Cao Bằng). Ảnh: TRẦN ANH

Mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em tới trường" ở Đồn Biên phòng Trà Lĩnh (BĐBP tỉnh Cao Bằng). Ảnh: TRẦN ANH

Tìm hiểu, tôi được biết, để có nguồn lực giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn được nhiều nhất, tốt nhất, ngoài khoản đóng góp tự nguyện, đều đặn hằng tháng thì cán bộ, chiến sĩ được nhận khen thưởng, nâng lương, thăng quân hàm... còn ủng hộ thêm. Bên cạnh đó, các ĐBP còn thực hành tiết kiệm trong mọi công việc, nhất là tiết kiệm lương thực, thực phẩm, dành nguồn thu từ tăng gia sản xuất để chăm lo cho các con nuôi.

Đến các ĐBP ở Cao Bằng, chúng tôi thường thấy một chiếc hộp nhỏ đề dòng chữ "Hộp gây quỹ Nâng bước em tới trường" đặt ngay ngắn trong phòng tiếp khách. Cảm kích trước việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của BĐBP, hầu hết các vị khách đều sẵn lòng ủng hộ, mong góp phần nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng cao, biên giới.

Nói về chuyện gây quỹ để "Nâng bước em tới trường", Trung tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên ĐBP Trà Lĩnh, chia sẻ: "ĐBP Trà Lĩnh là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai mô hình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi ĐBP”. Thời điểm năm 2014, khi mới nhận đỡ đầu 6 cháu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường" (chưa đưa về đồn nuôi dưỡng), chỉ huy đồn đã tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình, vận động anh em tiết kiệm 500 đồng mỗi bữa ăn và trích thêm từ quỹ tăng gia của đơn vị để đủ tiền hỗ trợ các cháu. Nhận thấy đây là việc rất ý nghĩa nên tất cả cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng ủng hộ. Nhiều đồng chí còn tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm ngoài đơn vị giúp đỡ. Có thêm nguồn "xã hội hóa", quỹ "Nâng bước em tới trường" được tăng lên.

Tại ĐBP Trà Lĩnh, Chi đoàn thanh niên còn lập mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em tới trường". Tất cả cán bộ, chiến sĩ khi thấy các loại rác, phế liệu có thể tái chế như giấy vụn, vỏ chai, dép nhựa hỏng... thì nhặt về bỏ vào "Ngôi nhà xanh", vừa góp phần giữ vệ sinh môi trường, vừa bán lấy tiền thêm vào quỹ “Nâng bước em tới trường-Con nuôi ĐBP” của đơn vị.

Khởi đầu bằng tấm lòng nhân ái, mỗi ĐBP thuộc BĐBP tỉnh Cao Bằng không chỉ đón 2-3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng toàn bộ và hỗ trợ 5-6 cháu khác về chi phí học tập, sinh hoạt, mà còn tặng quà, hỗ trợ cả lương thực, thực phẩm cho gia đình các cháu vào thời điểm giáp hạt, khi hoạn nạn, ốm đau. Chỉ tính riêng năm 2022, BĐBP tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 66 cháu mức 500.000 đồng/tháng (10 tháng trong năm) với tổng số tiền 330.000.000 đồng; nuôi dưỡng 31 cháu tại đồn với số tiền ước tính khoảng 472.000.000 đồng.

(còn nữa)

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-nang-buoc-em-toi-truong-con-nuoi-don-bien-phong-bai-1-nghia-tinh-tren-bien-gioi-720054