Chuyên ngành mới Đường sắt tốc độ cao tại ĐH Xây dựng Hà Nội có gì đặc biệt?
Với thời gian đào tạo sẽ trong khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi. Sau khi học xong, người học sẽ được cấp bằng đại học thứ 2.
Vừa qua, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Lễ Khai giảng lớp Kỹ sư bằng 2 ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông - Chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị cho 35 học viên trúng tuyển.
Đây là một chuyên ngành mới được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở ra để đón đầu xu thế nghề nghiệp khi trong nước đang có nhiều dự án đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao đang và sắp được triển khai.
Chuyên ngành đầu tiên tập trung vào nhóm các công trình giao thông có tính phức tạp cao
Để người học có cái nhìn rõ hơn về chuyên ngành này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Phó Giáo sư Bùi Phú Doanh cho biết: "Với vai trò của một cơ sở giáo dục đại học được đề xuất trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của lĩnh vực Xây dựng - Kiến trúc trên cả nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội luôn tiên phong trong việc thay đổi, cập nhật và hoàn thiện các chương trình đào tạo, phục vụ các yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết của xã hội và đất nước.
Chương trình đào tạo Kỹ sư bằng 2 ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông - Chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị được hoàn thành, tuyển sinh và đưa vào giảng dạy là một trong những kết quả từ sự hợp tác giữa Nhà trường và Tổng Công ty cổ phần Vinaconex trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp sử dụng lao động. Số lượng 35 học viên nói trên cũng là nằm trong đơn đặt hàng từ trước đó của doanh nghiệp này với Nhà trường".
Lãnh đạo Khoa Cầu đường thông tin thêm rằng, khung chương trình đào tạo được xây dựng bởi các giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và các chuyên gia của Tổng Công ty Vinaconex. Đây cũng là một trong những kết quả thể hiện hiệu quả trong việc kết hợp giữa Trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo gắn với thực tiễn, thực hành.
Đồng thời, đây cũng là chuyên ngành đầu tiên tập trung vào nhóm các công trình giao thông có tính phức tạp cao, đón đầu xu hướng đầu tư và phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cũng như hệ thống Metro tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư Bùi Phú Doanh nhấn mạnh rằng: "Trên thực tế, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có nền tảng về đào tạo ngành đường sắt từ rất lâu. Do biến cố của lịch sử và chiến tranh nên có một thời gian ngành đào tạo đường sắt bị tạm dừng lại, chủ yếu phục vụ ngành đào tạo đường bộ và sau đó ngành đường sắt đã được tiếp tục được đưa trở lại để đào tạo.
Chính vì thế nhà trường có lực lượng giảng viên đầu ngành và đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm để có thể đáp ứng với yêu cầu đào tạo đối với Chuyên ngành mới này. Trong đó, có nhiều giảng viên được cử đi học, đào tạo trực tiếp theo đúng chuyên ngành về đường sắt cao tốc tại Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc) theo chiến lược chung của Nhà trường.
Bên cạnh đó, cũng có một số giáo viên được đào tạo từ các trường đại học tại Pháp, Nhật Bản. Việc chuẩn bị nhân lực cho hoạt động giảng dạy đã được chúng tôi chủ động từ nhiều năm trước đó.
Về giáo trình giảng dạy liên quan đến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao chúng tôi phải dùng tài liệu của nước ngoài. Ngôn ngữ đa phần là bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc, sau đó chúng tôi sẽ phải dịch và biến thành các bài giảng điện tử để gửi cho học viên.
Hiện tại Khoa Cầu đường đang sở hữu đội ngũ giảng viên có tuổi nghề khá "chín", am hiểu chuyên môn nên việc tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho họ với những giáo trình giảng dạy mới cũng khá nhanh và thuận lợi.
Trên cơ sở về tiềm lực đó, chúng tôi hiện đã đưa vào giảng dạy trong trường với chương trình có tên gọi là "Chương trình đào tạo kỹ sư Việt - Pháp P.F.I.E.V". Chương trình này hiện tại ở Việt Nam chỉ có 4 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và phép đào tạo trong đó có Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tất nhiên trước đó chúng tôi đưa nội dung này vào giảng dạy cũng chỉ dừng ở mức là cho sinh viên hiểu được khái niệm. Sau khi chính thức mở ra chương trình và được phê duyệt thì chúng tôi mới tiến hành đào tạo nguồn nhân lực".
Theo Phó Giáo sư Bùi Phú Doanh, việc trang bị kiến thức sẽ tập trung chính vào việc cho người học nhận thấy rõ sự khác nhau giữa đường sắt và đường bộ và đường sắt cao tốc nó khác những đặc điểm gì trong những công trình. Bởi lẽ, tiêu chuẩn xây dựng đối với đường sắt cao tốc nó khắt khe hơn rất là nhiều so với lĩnh vực khác vì nó có các yếu tố đặc thù riêng.
Đối tượng tham gia học tập ra sao?
Về đối tượng tham gia học tập chương trình này, vị lãnh đạo Khoa Cầu đường cho hay, vì khóa đầu tiên nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên tiêu chí tuyển chọn người học cũng rất khắt khe, kỹ lưỡng.
Theo đó, đối tượng là các kỹ sư, chuyên gia đang làm việc, công tác tại Tổng Công ty Vinaconex với các nhiệm vụ khác nhau và là nguồn nhân lực chuẩn bị được hướng đến thực hiện các nhiệm vụ thi công, vận hành, giám sát xây dựng công trình giao thông, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các dự án trọng điểm trong thời gian tới.
Thời gian đào tạo sẽ giao động trong khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi. Sau khi học xong thì các người học sẽ được cấp bằng đại học thứ 2. Trên bằng đó ghi rất rõ là tốt nghiệp ngành Kỹ thuật công trình giao thông. Ngoài ra, sẽ có kèm theo phụ lục văn bằng là chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao.
Sau này theo chiến lược của Nhà trường sẽ đào tạo thêm các lĩnh vực xoay quanh. Trong đó, có một số ngành nghề mà Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang có thế mạnh như: Thiết kế nhà ga, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí..v.v. Đặc biệt là chú trọng vào việc đào tạo nhân lực quản lý vận hành, đó là lĩnh vực cần thiết và cần nhiều nhân lực sau khi quá trình xây dựng hạ tầng đường sắt cao tốc đã cơ bản hoàn thiện.
Phó Giáo sư Bùi Phú Doanh cũng chia sẻ thêm rằng, vì năm 2024 số lượng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các khối ngành đã được niêm yết nên nhà trường không thực hiện việc tuyển sinh đối với đối tượng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Tuy nhiên, theo dự kiến, có thể từ năm học tới Nhà trường sẽ có chỉ tiêu tuyển sinh đối với đối tượng tốt nghiệp Trung học phổ thông, đồng thời vẫn mở thêm 1 đến 2 lớp để đào tạo bằng 2 dành cho các đối tượng đã có 1 một bằng đại học .
"Chúng tôi tin rằng, với việc trang bị kiến thức qua thời gian đào tạo đó, các học viên sẽ sớm bắt kịp và tham gia vào thị trường của lĩnh vực đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Chắc chắn rằng, các kỹ sư tốt nghiệp từ Chương trình sẽ là những nguồn bổ sung chất lượng, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực phục vụ công tác xây dựng, vận hành công trình giao thông, nhất là ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của đất nước", Phó Giáo sư Bùi Phú Doanh kỳ vọng.