Chuyện ngày giỗ chung cho các liệt sĩ Trại Tiệp

Đã thành lệ, ngày 26/7 hằng năm, người dân thôn Ninh Khánh, xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) lại cùng nhau tổ chức ngày giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ (AHLS) hy sinh tại khu vực đường Hành lang Trại Tiệp…

Từ giữa tháng 7, Đại tá Nguyễn Phước Cương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Nông Sơn và bà Nguyễn Thị Bích, hội viên Hội CCB huyện thường đến gặp, trao đổi với bà con làng Ninh Khánh về việc chuẩn bị tổ chức lễ giỗ chung cho các AHLS Trại Tiệp vào ngày 26/7 tới tại khu vực Nhà bia tưởng niệm AHLS Trại Tiệp.

Khu nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Trại Tiệp.

Khu nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Trại Tiệp.

Trong câu chuyện với tôi, ông Cương cho biết, từ mấy chục năm nay, người dân làng Ninh Khánh đã tổ chức lễ giỗ chung cho các AHLS Trại Tiệp. “Mỗi hộ gia đình trong làng ai có gì góp nấy, có người góp con gà, con vịt, có người góp mớ rau, đĩa xôi, vài đĩa măng trộn… để làm lễ giỗ chung cho các AHLS Trại Tiệp. Ngày giỗ chung thường được dân làng tổ chức vào ngày 26/7 hằng năm. Điều này đã thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống cách mạng của người dân địa phương. Vì vậy, vào mỗi dịp thế này, chúng tôi đều chỉ đạo Hội CCB xã Ninh Phước, Chi hội CCB thôn Ninh Khánh cùng chung tay góp sức với bà con chăm lo lễ giỗ cho chu đáo, trang trọng”, ông Cương chia sẻ.

Từng tham gia hoạt động cách mạng rồi bị địch bắt, bị tù đày ở Côn Đảo từ năm 1967-1973, ông Trương Thành Tá (SN 1941, trú thôn Ninh Khánh, xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn) rất thấu hiểu về sự hy sinh to lớn của các AHLS. Và lễ giỗ chung cho các liệt sĩ Trại Tiệp năm nay, ông Tá cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị vài đĩa xôi và một số lễ vật khác để cùng với bà con trong làng lo lễ giỗ, bày tỏ lòng tri ân của mình với các liệt sĩ.

Chúng tôi lên đường vào Khu nhà bia tưởng niệm AHLS Trại Tiệp. Trên đường đi, ông Tá chia sẻ rằng, con đường dẫn vào khu nhà bia gần 4km trước đây là đường đất nên mỗi khi mưa xuống rất lầy lội, khó đi. Trên tuyến đường này còn có con suối Sổ chảy qua, gây chia cắt trong mùa mưa lũ. Được Hội CCB huyện Nông Sơn vận động, bà Nguyễn Thị Bích đã đi vận động các nhà hảo tâm, bạn bè gần xa kêu gọi kinh phí để làm đường bê tông rộng hơn 3m và xây dựng cây cầu bắc qua suối Sổ dẫn vào Khu tưởng niệm AHLS Trại Tiệp. “Ngày trước đường đất dẫn vào Nhà bia tưởng niệm Trại Tiệp rất nhỏ hẹp, khó đi. Tôi đã đứng ra kêu gọi người dân hiến đất mở đường, làm cầu. Khi nghe tôi vận động, hàng chục hộ dân tại địa phương đã sẵn sàng chặt keo, hiến đất, nhờ đó mới có được con đường bê tông khang trang như bây giờ”, ông Tá chia sẻ.

Sau 10 phút di chuyển trên con đường bê tông chạy dài qua các rẫy keo, chúng tôi đến Khu nhà bia tưởng niệm AHLS Trại Tiệp. Từ những đóng góp của các nhà hảo tâm thông qua sự kêu gọi của bà Bích, giờ đây, dưới chân đồi Gò Trại, xã Ninh Phước, một Khu tưởng niệm khang trang đã hoàn thành giữa rừng núi, được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Ông Trương Thành Tá (ngoài cùng bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn Nguyễn Phước Cương và bà Nguyễn Thị Bích về công tác chuẩn bị cho lễ giỗ chung các liệt sĩ Trại Tiệp.

Ông Trương Thành Tá (ngoài cùng bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn Nguyễn Phước Cương và bà Nguyễn Thị Bích về công tác chuẩn bị cho lễ giỗ chung các liệt sĩ Trại Tiệp.

Ông Tá kể, vào những năm 60 của thế kỷ trước, ông có tham gia hoạt động cách mạng tại Hành lang Trại Tiệp và tại khu vực Hòn Kẽm - Đá Dừng. Vào thời gian này, đường Hành lang Trại Tiệp dưới chân núi Gò Trại, xã Ninh Phước là một trong những địa bàn thường xuyên diễn ra các cuộc càn quét của địch. Sau Mậu Thân 1968, khu vực Trại Tiệp bị địch từ Đà Nẵng và Tam Kỳ liên tục tổ chức càn quét nhằm tiêu diệt, làm suy yếu lực lượng của ta. Giữa năm 1969, khu vực huyện Nông Sơn và các địa bàn ven đô Đà Nẵng, nhiều chiến dịch càn quét đã diễn ra liên tục. Đặc biệt, trong chiến dịch chống địch càn quét, nhiều cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Quảng Đà đã bị thương vong.

Các cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa về Bệnh xá Hòn Tàu (thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để điều trị. Trong số các cán bộ, chiến sĩ bị thương đưa về Bệnh xá Hòn Tàu tháng 7/1969, có 20 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V và 1 y tá làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh. Trên đường di chuyển qua khu vực đường Hành lang Trại Tiệp nằm dưới chân Gò Trại, 21 đồng chí đã bị phục kích, tất cả đều hy sinh. Sau khi tàn sát 21 đồng chí, địch đã tịch thu, tiêu hủy giấy tờ tùy thân của các đồng chí nên đến nay, không ai biết được nhân thân, gia đình của các liệt sĩ này… “Sự hy sinh của 21 đồng chí rất anh dũng. Dù không ai nhớ mặt đặt tên các liệt sĩ, song sự hy sinh ấy là bất tử, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê nhà”, với giọng nghẹn ngào, ông Tá bộc bạch.

Đại tá Nguyễn Phước Cương, Chủ tịch Hội CCB huyện Nông Sơn thông tin thêm, từ năm 2012, để tri ân 21 liệt sĩ hy sinh tại Trại Tiệp, chính quyền và nhân dân xã Ninh Phước đã góp tiền xây dựng một Bia tưởng niệm nhỏ để tiện bề hương khói. Đã thành lệ, cứ vào dịp 27/7 hằng năm, người dân làng Ninh Khánh đều chung tay làm lễ giỗ tập thể cho 21 liệt sĩ. Đến đầu năm 2016, với sự kêu gọi của Hội CCB huyện Nông Sơn, bà Nguyễn Thị Bích, một cán bộ hưu trí, hội viên Hội CCB đã bỏ tiền dành dụm của gia đình và kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ, xây dựng Khu tưởng niệm AHLS Trại Tiệp trên diện tích khoảng 400m2 với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Sau khi Nhà bia tưởng niệm mới được hoàn thành đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nhân dân địa phương; đồng thời là nơi tổ chức lễ giỗ chung cho các AHLS Trại Tiệp.

Trong câu chuyện với tôi, bà Bích xúc động, tâm sự: “Dù 21 anh chị liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này giữa rừng hoang núi lạnh không một nấm mồ, nhưng tôi tin các anh chị cũng muốn có 1 mái nhà, với mọi sinh hoạt như khi mình còn sống. Xuất phát từ suy nghĩ đó, được sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã hoàn thành được mái nhà chung có bếp Hoàng Cầm, bàn ghế đá,… để các anh chị về quây quần. Tôi làm tất cả bằng tấm lòng mình dù vất vả khó khăn, để góp phần đền đáp sự hy sinh cao quý của các anh chị cho nước nhà hòa bình độc lập”.

Ngoài Nhà bia tưởng niệm 21 liệt sĩ Trại Tiệp, bà Nguyễn Thị Bích còn kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những người thân, bạn bè xây dựng nên Khu nhà bia tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31 tại khu vực Hóc Thượng (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) và Khu nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ khe Chín Khúc (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn). Khe Chín Khúc là một chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, hàng trăm cán bộ, bộ đội bị địch phục kích và anh dũng hy sinh; trong đó có sự hy sinh của 6 nữ cán bộ, chiến sĩ và 1 nam bộ đội thuộc Trung đoàn có mật danh X15 của tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) vào ngày 19/12/1969. Sau khi 7 đồng chí hy sinh, địch đổ quân chốt giữ mai phục nhiều ngày nên đơn vị không lấy được thi hài để chôn cất.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/chuyen-ngay-gio-chung-cho-cac-liet-si-trai-tiep-i738183/