Tuổi trẻ gắn với nghề truyền thống

Tại các làng nghề truyền thống, ngày càng có nhiều người trẻ 'giữ lửa' và thổi những làn gió mới cho nghề 'cổ' của cha ông. Nhờ đó, nhiều làng nghề trong tỉnh đang từng ngày sống dậy bởi sự nhiệt huyết, tình yêu, niềm đam mê với những hoài bão sẽ hồi sinh làng nghề, gìn giữ bản sắc các địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 21 làng nghề truyền thống. Trong đó có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm 6 làng nghề tại Quảng Hòa: Làng nghề làm đường phên xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; làng nghề rèn xã Phúc Sen; làng nghề giấy bản xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen; làng nghề hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen; làng nghề nón lá, xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do; làng nghề ngói đất nung, xóm Lũng Rì, xã Tự Do; làng nghề làm hương xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); làng nghề truyền thống miến dong Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình). Tại các làng nghề, trong khi lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất thì có nhiều thanh niên trẻ bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề truyền thống với quyết tâm “nối nghiệp” nghề cổ của gia đình.

Anh Lương Văn Khiêm không ngừng học hỏi sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Anh Lương Văn Khiêm không ngừng học hỏi sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Làng nghề rèn xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là một trong những địa danh được nhiều người biết đến với những sản phẩm được làm thủ công chất lượng, uy tín. Sinh ra và lớn lên tại làng rèn, anh Lương Văn Khiêm, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen gắn liền với tiếng lách cách của búa bên lò rèn rực lửa. Anh Khiêm chia sẻ: Cũng như nhiều người khác trong làng, từ lúc mới 9 - 10 tuổi tôi đã theo cha ông tham gia các công đoạn để làm ra sản phẩm. Tôi và những bạn trẻ nơi đây luôn tự ý thức được trách nhiệm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông. Vì vậy, tôi kế thừa những ưu điểm sản phẩm đặc trưng cha ông để lại, tiếp tục học hỏi, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, không còn phải quay bễ, quai búa bằng tay như ngày xưa mà đã có quạt điện, máy móc thay thế. Bởi vậy, anh Khiêm có nhiều thời gian để sáng tạo nhiều mẫu mã đa dạng, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt của thương hiệu dao Phúc Sen. Cùng với ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, anh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các kênh Facebook, Tiktok... Hiện tại, kênh Tiktok Dao Phúc Sen Hà Khiêm đạt hơn 31 nghìn lượt theo dõi với nhiều video đạt hơn triệu lượt xem, thành công đưa dao Phúc Sen đến gần hơn với khách hàng trên cả nước.

Năm 2019, anh Khiêm thành lập Hợp tác xã Dao Phúc Sen Hà Khiêm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Đến năm 2024, sau 2 lần thi tay nghề, những chiếc dao của xưởng anh Khiêm đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chứng nhận OCOP giúp khách hàng dễ nhận biết sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho khách hàng khi mua dao.

Chị Nông Thị Viền tiếp nối và phát triển giá trị nghề truyền thống của gia đình.

Chị Nông Thị Viền tiếp nối và phát triển giá trị nghề truyền thống của gia đình.

Câu chuyện nối và giữ nghề của cô gái trẻ Nông Thị Viền, sinh năm 1995, xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) với những trăn trở phát triển và lưu giữ nghề truyền thống làm giấy bản của quê hương mình, gây ấn tượng với nhiều du khách. Nghề giấy bản đã gắn bó với chị Viền từ nhỏ, những công đoạn giúp bố mẹ như tách vỏ đen, dán giấy lên tường đã trở thành những công việc quen thuộc mỗi lúc nhàn rỗi của chị và những bạn trẻ nơi đây.

Theo chị Viền, nhiều bạn trẻ nơi đây vẫn giữ được nghề truyền thống làm giấy bản của gia đình mình. Tận dụng những lúc rảnh rỗi cùng với những nguyên liệu thiên nhiên, chị tranh thủ làm giấy bản để tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ giấy, không chỉ cần sự đam mê mà đòi hỏi những nghệ nhân phải kiên trì, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ cha ông để lại, chị Viền còn học hỏi trên tivi, mạng internet... Chị cùng bà con nơi đây không ngừng đổi mới, sáng tạo để giấy bản trở nên phổ biến và dễ ứng dụng hơn. Những năm gần đây, giấy bản không chỉ là những tờ giấy dùng làm vàng mã, lau tay, bát đũa như trước mà đã được mở rộng về kích thước, khổ giấy, tạo thành nhiều sản phẩm đa dạng như quạt giấy, bì thư, tranh thư pháp, tranh vẽ, sổ tay, hoa giấy... phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Không chỉ quyết tâm “nối nghiệp” truyền thống của gia đình, nhiều người trẻ tìm đến nghề truyền thống bởi tình yêu, niềm đam mê của mình. Đam mê, đổi mới, không ngừng học hỏi - đó là cách mà anh Khiêm, chị Viền và thế hệ kế cận của các làng nghề “giữ lửa” nghề truyền thống, theo cách riêng của người trẻ.

Mai Chi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuoi-tre-gan-voi-nghe-truyen-thong-3171785.html