Chuyên Ngoại tập trung khắc phục hậu quả sau bão, lũ
Đã 2 tuần trôi qua, kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nam, gây mưa lớn ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhiều hộ dân ven các triền sông; đến nay, những ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng vẫn còn khá ngổn ngang...
Về Chuyên Ngoại, một xã ven sông Hồng của thị xã Duy Tiên những ngày này chúng tôi được tận mắt chứng kiến những thiệt hại của mưa, lũ gây ra đối với các hộ dân nuôi cá lồng nơi đây.
Vừa tranh thủ vớt cá chết trong các lồng bè, níu dây, vá lưới… ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ: Thiệt hại nhiều lắm chú ạ. Hiện bão đã qua, nước đã rút xuống dưới báo động 1 rồi nhưng hậu quả thì chưa dừng lại. Cá trong các lồng bị ngộp nước, bị tróc vẩy do va đập những ngày trước… nên giờ vẫn còn nhiều con bị chết, xót ruột lắm.
Ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản xã Chuyên Ngoại cho biết: Trên 7km sông Hồng thuộc địa bàn xã hiện nay đang có mấy chục hộ dân sống bằng nghề nuôi cá lồng với tổng số 169 lồng được chia thành 10 cụm bè nuôi cá trên sông. Qua thống kê của HTX để báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng – nơi chúng tôi vay vốn, trong số 169 lồng cá của các hộ dân thì có tới 124 lồng bị ảnh hưởng, với mức thiệt hại ước 21 tỷ 691 triệu đồng.
Trong đó, thiệt hại về tài sản cố định như: lồng bè, dây neo, lưới, cầu đi, kho để cám và các vật tư khác tính bình quân 15 triệu đồng/lồng, quy ra tiền khoảng 1 tỷ 860 triệu đồng; thiệt hại nặng nề nhất là cá của các lồng bị sóng đánh ra ngoài sông trong những ngày bão, lũ dâng cao và cá chết sau lũ. HTX ước tính mất hơn 70% số lượng cá có trước bão (tương đương khoảng 263,4 tấn). Với giá cá hiện nay trên thị trường, số lượng cá chết đã gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng.
Tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ đối với nghề nuôi cá lồng trên sông, hiện nay các chủ lồng, bè tranh thủ thời gian gia cố lại các lồng bè bị hư hỏng; thực hiện chằng buộc, níu giữ ổn định các lồng bè trên sông; tập trung vá lại các mảng lưới bị rách do nước lũ và cây cối trôi dạt trên sông đâm đụng, gây hư hỏng trong những ngày nước lũ dâng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết: Đến ngày 17/9, chúng tôi mới thống kê cụ thể được những thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế ước là khá lớn, gần 34 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi cá lồng trên sông với hơn 21,6 tỷ đồng; có 112 ha cây ăn quả và 111 ha rau màu bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng; có 18ha diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ bị thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng... cùng nhiều thiệt hại khác về chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây bóng mát, cây xanh đô thị.
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Mai cho biết thêm: Ngay sau khi nước sông Hồng rút, các cống xả trạm bơm hoạt động, xã đã chỉ đạo khẩn trương cho bơm tiêu, bảo vệ sản xuất vùng nội đồng; tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc toàn bộ bề mặt, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh sau lũ đối với các công trình trường học, trạm xá, nhà văn hóa, chợ dân sinh, nơi tập trung đông người… bị ngập lụt. Đến thời điểm này, các hoạt động của địa phương đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Bà con nông dân đang tranh thủ dọn dẹp chuồng trại chăn nuôi bị ngập lụt, xử lý các cây xanh, rau màu bị úng ngập, sẵn sàng xuống giống lại nhưng nơi đủ điều kiện.
Về cơ chế hỗ trợ cho bà con chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ gây ra, ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trong điều kiện thực tế của địa phương hiện nay không có nguồn lực để hỗ trợ. Chính quyền địa phương và người dân, nhất là đối với các hộ nuôi cá lồng của HTX nuôi trồng thủy sản, mong muốn được Nhà nước, các tổ chức tín dụng mà HTX và chủ hộ nuôi cá có khế ước vay vốn làm ăn gia hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ vay vốn mới để tái đầu tư trong thời gian tới. Có như vậy, các hộ dân mới có thể sớm vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do mưa bão, úng ngập gây ra.