Chuyện người già nhận lương hưu qua tài khoản ở Hải Dương

Không còn phải chờ đợi mỗi khi lĩnh lương hưu, ở đâu cũng lĩnh được tiền... nhưng với người cao tuổi khi chuyển sang nhận lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng lại lâm vào những tình cảnh khó quên.

Nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng, người cao tuổi có thể chủ động thời gian, không còn phải xếp hàng dài chờ đợi như thế này

Nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng, người cao tuổi có thể chủ động thời gian, không còn phải xếp hàng dài chờ đợi như thế này

Quên cái nọ, nhầm cái kia

8 giờ sáng 17/11, vợ chồng bà Phạm Thị Sao, sinh năm 1950 ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) có mặt tại Phòng giao dịch VietinBank Hải Tân. Chỉ sau vài phút, ông bà đã rút được vài triệu đồng lương hưu. "Giờ thì việc rút tiền từ tài khoản đối với vợ chồng tôi tương đối thuận tiện, dễ dàng. Nhưng trước đây, có lần tôi đến cửa ngân hàng rồi mà sực nhớ quên căn cước công dân, lại phải quay về nhà lấy. Khi quay lại ngân hàng, tôi lại không nhớ số tài khoản", bà Sao kể.

Cũng mới nhận lương hưu qua tài khoản, bà Phạm Thị Chiến, sinh năm 1948 ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) không thể quên một chuyện xảy ra gần 4 tháng trước. Hôm ấy, sau khi thấy tin nhắn thông báo tài khoản đã có tiền lương hưu, bà Chiến liền mở cuốn sổ tay ghi các bước chuyển tiền qua tài khoản để chuyển cho một người thân. Thao tác đúng các bước và nhập số tài khoản để chuyển tiền xong, bà gọi cho người thân thì được biết vẫn chưa nhận được tiền. “Một lúc sau lại thấy con trai tôi gọi hỏi tại sao lại chuyển tiền thì mới biết tôi đã nhập nhầm số tài khoản. Thật may là chuyển nhầm cho con chứ nếu là người khác thì chắc mọi chuyện sẽ phức tạp lắm. Từ đó tôi ủy quyền cho con trai ra ngân hàng rút tiền mặt mỗi khi có lương hưu. Tôi cũng bỏ luôn việc tự chuyển tiền qua tài khoản”, bà Chiến kể.

Bà Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1940 ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) thường xuyên đọc tin tức trên nhiều báo điện tử. Có lần, bà Hoa đọc được những thông tin về vụ việc ngân hàng tự chuyển tiền tiết kiệm thành tiền mua bảo hiểm. “Ngay khi đọc xong tôi liền ra máy ATM gần nhà để rút tiền. Ra đến nơi thì lại quên thẻ ở nhà, vòng về lấy xong, quay lại máy rút tiền thì thấy thông báo máy ATM đang bảo trì. Thế là tôi lại phải đến ngân hàng để rút tiền”, bà Hoa nói.

Hỗ trợ người già chuyển đổi số

Một số khó khăn, vướng mắc trên cũng là hạn chế chung mà nhiều người cao tuổi gặp phải trong suốt quá trình nhận lương hưu, giao dịch qua tài khoản thời gian qua. “Mỗi lần đi nhận lương hưu trực tiếp giống như một lần được hàn huyên tâm sự cùng bạn bè. Với lại, lương hưu cũng chỉ vài triệu đồng, số lượng máy ATM ở xã tôi cũng chưa nhiều nên tôi vẫn lựa chọn việc nhận bằng tiền mặt trực tiếp”, ông Bùi Huy Bộc, sinh năm 1949 ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) chia sẻ.

Cũng bởi những lý do ấy, tỷ lệ người cao tuổi nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng trong toàn tỉnh còn tương đối thấp. Theo số liệu tổng hợp từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết ngày 31/10/2023, toàn tỉnh mới có hơn 23.150 trong tổng số 96.825 người nhận lương hưu qua tài khoản, đạt gần 24%. Số tiền lương hưu gửi qua tài khoản ngân hàng trung bình mỗi tháng chỉ đạt hơn 123 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng số tiền lương hưu. Tuy tăng 4% về số người nhận qua tài khoản, tăng 5% về số tiền chuyển qua tài khoản so với cuối năm 2022, song theo đánh giá từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, tỷ lệ này còn khiêm tốn.

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn từ nhân viên ngân hàng, nhiều người cao tuổi đã dần quen với việc lĩnh lương hưu qua tài khoản. Song thực tế tỷ lệ người cao tuổi nhận lương hưu qua tài khoản còn thấp

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn từ nhân viên ngân hàng, nhiều người cao tuổi đã dần quen với việc lĩnh lương hưu qua tài khoản. Song thực tế tỷ lệ người cao tuổi nhận lương hưu qua tài khoản còn thấp

Như chúng tôi đã đề cập, người cao tuổi đa phần có nhu cầu sử dụng tiền mặt, nhất là nhóm người ngoài 70 tuổi, đã nghỉ hưu từ lâu, ít có cơ hội tiếp cận với điện thoại thông minh hay công nghệ thông tin. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 máy ATM, song mạng lưới máy rút tiền này phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Do vậy ảnh hưởng tới việc rút tiền của người cao tuổi khi lương hưu đã “đổ về” tài khoản.

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc chi trả lương hưu, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, có thể nói người cao tuổi hiện chỉ thay đổi từ việc nhận tiền mặt trực tiếp từ các điểm chi trả ở xã, phường sang nhận tiền từ ngân hàng. Nghĩa là chưa thực sự tận dụng hết tính thuận lợi của việc chi trả lương hưu qua tài khoản. Đây là thực tế khó tránh khỏi bởi với lớp người cao tuổi, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là điều rất khó khăn. Họ cần sự chung tay hỗ trợ của cả cơ quan bảo hiểm, ngân hàng, người thân trong gia đình, nhất là các tổ công nghệ số cộng đồng. Từ đó mở rộng nhóm người cao tuổi tiếp cận công nghệ. Chỉ khi người ao tuổi có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt mới phát huy hết hiệu quả và ý nghĩa.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến ngày 31/10/2023, Thanh Miện là địa phương có tỷ lệ chi trả lương hưu qua tài khoản cao nhất toàn tỉnh với 52,7% (2.523/5.071 người đã nhận qua tài khoản). Kinh Môn xếp thứ 2 với tỷ lệ 31,3% (2.519/8.829 người đã nhận qua tài khoản). TP Hải Dương xếp thứ 3 với tỷ lệ 25,5% (6.981/27.367 người đã nhận qua tài khoản).

Ninh Giang là địa phương có tỷ lệ người nhận lương hưu qua tài khoản thấp nhất tỉnh với 13,6% (859/6.307 người đã nhận qua tài khoản).

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chuyen-nguoi-gia-nhan-luong-huu-qua-tai-khoan-o-hai-duong-364293.html