Chuyện những người 'đo' giông bão
Ngày 1/8, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão gây mưa to ở Hà Nội, chúng tôi tìm đến Trạm khí tượng Hà Đông (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) để hiểu hơn về công việc của những quan trắc viên tại đây.
Hàng ngày mọi người vẫn thường xuyên được cập nhật các thông tin dự báo thời tiết trên báo, đài, tivi... Tuy nhiên, chắc hẳn không mấy ai biết được đằng sau những thông tin có được này là cả một sự nỗ lực làm việc không ngơi nghỉ của đội ngũ cán bộ quan trắc viên. Ngày đêm họ túc trực theo dõi, đo đạc từng lượng mưa, tốc độ gió, nhiệt độ không khí... để có những thông tin chính xác nhất thông báo đến cho người dân.
Trạm khí tượng Hà Đông được đặt ở nơi khá xa trung tâm Hà Nội, dường như tách biệt với sự ồn ào của phố thị. Trong căn phòng nhỏ, một người phụ nữ vừa lúi húi ghi ghi chép chép số liệu, vừa lách tách gõ bàn phím. "Suốt từ sáng đến giờ, mấy chị em thay phiên nhau trực bão cứ quanh quẩn với cơn bão này, từ áp thấp nhiệt đới, "nó" chuyển thành cơn bão số 2, "dự" là vài ngày tới Hà Nội có mưa to đến rất to đấy em à", chị Đinh Thị Hải Yến (47 tuổi), quan trắc viên Trạm khí tượng Hà Đông nói như vậy khi vừa gặp chúng tôi.
Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, chị Yến cho biết, công việc hàng ngày của một quan trắc viên là tiến hành đo lưu lượng nước, mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí và lưu lượng mưa... sau đó tổng hợp để báo cáo với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. 24 năm nay, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài với nghề “đo gió đo mưa”, công việc thầm lặng mà chẳng mấy ai biết tới.
Cường độ công việc theo từng giờ, từng ngày, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Chính vì thế, quan trắc viên khi nào cũng tập trung cao độ trong, xử lý chính xác từng con số, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Chị Yến cho biết, sau mỗi obs quan trắc, chúng tôi phải hoàn thiện số liệu và sổ sách, đảm bảo số liệu được cập nhật liên tục 24/24h và 3 tiếng một lần, vào các obs quan trắc: 1h, 4h, 7h, 10h… phải thu thập và chuyển số liệu. Đây là các khung giờ phải báo cáo theo quy chuẩn quốc tế và quy định chung của ngành.
Ngoài ra, chúng tôi có thêm nhiệm vụ báo cáo lượng mưa cho Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Hà Nội, cập nhật số liệu phục vụ Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội trong công tác phòng chống cháy rừng của địa phương, cung cấp số liệu phục vụ phòng chống bão lũ cho các cơ quan cấp trên từ Trung ương đến địa phương khi có yêu cầu. Hàng tuần và hàng tháng chúng tôi đều phải cập nhật số liệu tuần và báo cáo để phục vụ cho công tác dự báo và số liệu lưu khi cần sử dụng.
Theo quy định của ngành khí tượng, trong điều kiện bình thường, một ngày các trạm phải thu thập và phát báo 8 lần vào các giờ tròn 1h, 4h, 7h... Mỗi lần như vậy gọi là 1 "ốp" (obs). "Việc đầu tiên tôi làm là chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho 1 obs quan trắc để đảm bảo cho công tác thu thập số liệu được liên tục và chính xác". Chị Yến cho biết...
Mới đó đã 18h30, ngoài sân trận mưa đổ xuống mái tôn xua tan không gian tĩnh lặng. Lấp loáng ánh đèn xe máy đi vào trong sân, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Sông Giang chở nhau đến Trạm để bắt đầu ca trực từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau. Lau những giọt nước mưa trên mái tóc cô con gái nhỏ, chị Giang nói: "Nay đến phiên chị trực, cháu lại đi theo mẹ trực đêm cho đỡ nhớ".
Chị Giang là Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hà Đông. Vừa đến, chị đã nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị máy móc, thiết bị, sổ sách và phương tiện thông tin... những vật dụng cần thiết cho 1 obs quan trắc lúc 19h. Ngay sau đó, chúng tôi mặc áo mưa, theo chân chị ra vườn khí tượng. Trong màn đêm đen bao phủ, những hạt mưa nặng trĩu dường như không ngăn được bước chân thoăn thoắt di chuyển từ cột đo nhiệt độ nước sang cột đo tốc độ gió, cột đo lượng mưa...
Chị Giang cho biết: "Trong 1 obs quan trắc, tôi phải thực hiện 2 phần: ngoài vườn khí tượng và trong nhà. Phần ngoài vườn gồm các yếu tố: nhiệt độ, ẩm độ, mây, hiện tượng khí tượng... Ở đây, quan trắc viên phải trực tiếp đi các vị trí đặt máy đo bất kể thời tiết".
Sau xong công việc ngoài vườn, chị Giang tiếp tục quan trắc số liệu trong phòng kỹ thuật của Trạm, nơi đặt các thiết bị ghi tự động và bán tự động. Các thông số biểu thị đặc biệt là thông số khí áp sẽ cho biết về các hình thái thời tiết có thể xảy ra như mưa bão, gió mùa đông bắc, nắng nóng gay gắt…
19 năm trong nghề, nên dường như việc vận hành các máy móc với chị Giang rất thành thục. "Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo mọi thiết bị máy móc của trạm được vận hành trơn tru. Nếu có sai sót, hỏng hóc, chúng tôi phải tự cách khắc phục hoặc đề đạt lên cấp trên để có phương án xử lý kịp thời", chị Giang chia sẻ.
Khác với ban ngày, công việc các obs ban đêm 22h, 1h, 4h, khi ra vườn khí tượng, quan trắc viên phải đứng trong tối cho quen mắt với bóng tối để quan trắc được các yểu tố như mây, tầm nhìn ngang và hiện tượng khí tượng các yếu tố này phải quan trắc bằng mắt không được có đèn.
Theo chi Giang, vất vả nhất đối với người quan trắc viên là những ngày có bão, rét đậm, rét hại và khi xuất các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Tất cả nhân viên trong đơn vị đều phải lên ứng trực, lúc đó tùy theo yêu cầu phải cung cấp số liệu 30 phút hoặc 1h một lần
Chị Giang tâm sự, với nghề quan trắc khí tượng, quy định về giờ đi obs là bắt buộc, tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ một cách chính xác. Máy móc đã mặc định các khung giờ, mọi người đi “ốp” và báo cáo số liệu không được nhanh hay chậm một phút. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Công việc dự báo đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao. Chị Giang cho biết, ngày này qua ngày khác, chỉ đối diện với những con số vô hồn nên dễ buồn chán, nản lòng lắm. Do vậy, để gắn bó được với nghề này lâu dài, những cán bộ khí tượng đặc biệt là chị em phải rất yêu nghề. Khi tôi phải trực vào ca tối, cô con gái rất thích đi theo và ngủ luôn tại trạm cùng mẹ. Chồng tôi cũng làm trong nghề nên rất hiểu cho công việc của vợ.
Theo chị Giang, Trạm khí tượng Hà Đông có 5 cán bộ, chia ca cho nhau, một người ca ngày và một người ca đêm. Trong ca trực ngoài công tác chuyên môn những người quan trắc viên ở đây còn phải kiêm thêm nhiều vị trí như bảo vệ, lao công... đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn cơ quan. Bên cạnh đó họ còn là các tuyên truyền viên, tuyên truyền các kiến thức khí tượng thủy văn tới nhiều người dân địa phương nơi cơ quan đóng trên địa bàn.
Những con quay đo gió, những quả cầu nhật quang cứ thế trở thành một phần trong cuộc đời mỗi quan trắc viên. Mỗi bản tin chỉ dài chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm ra chúng thì vô cùng lớn lao.
Những bản tin dự báo mà ngành khí tượng thủy văn đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ quan trắc viên luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-nhung-nguoi-do-giong-bao-111202.html