Chuyện những người khỏe coi bệnh viện là nhà

Từ khắp các tỉnh, thành phía Nam, nhiều người đến sống ở Chợ Rẫy vài tháng, vài năm. Họ bỏ lại hết, coi bệnh viện là nhà, bởi nơi này có người thân của họ đang chữa bệnh.

Từ khắp các tỉnh, thành phía Nam, nhiều người đến sống ở Chợ Rẫy vài tháng, vài năm. Họ bỏ lại hết, coi bệnh viện là nhà, bởi nơi này có người thân của họ đang chữa bệnh.

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con…

Đứng giữa khuôn viên bệnh viện, đôi tay đầy vết nhăn nâng niu quyển kinh, bên trong còn kẹp 44 tờ biên lai tạm ứng viện phí, bà Đặng Thị Nga lầm rầm đọc từng chữ. Xa xa, tiếng còi xe cấp cứu thi thoảng lại réo lên.

Hơn 2 tháng ở viện chăm cháu, hàng chục lần bà Nga đứng trước tượng Đức Mẹ để đọc hết bài kinh này đến bài kinh khác, mong cho đứa cháu nhỏ thoát khỏi cơn hôn mê.

 Bà Đặng Thị Nga đều đặn đứng cầu nguyện trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày.

Bà Đặng Thị Nga đều đặn đứng cầu nguyện trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày.

Trại T25

Lách qua một con đường nhỏ, bà Nga đi dọc theo lối đường mòn sau đó rẽ phải để trở về nơi nghỉ ngơi. “Nhà” của bà là ba chiếc ghế sắt đặt liền kề nhau. Phía dưới chân ghế là vài túi đồ to, đựng đủ mọi đồ dùng.

Để có thể chăm sóc và dồn tiền chữa bệnh cho cháu, bà Nga và con gái ở luôn tại khu vực tầng trệt của Nhà nghỉ cho người thân của Bệnh viện Chợ Rẫy (Trại T25) - nơi bà và nhiều người khác có thể lưu trú hoàn toàn miễn phí.

 Một góc tầng trệt Nhà chờ thân nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi mọi người được ở miễn phí khi chăm bệnh tại bệnh viện.

Một góc tầng trệt Nhà chờ thân nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi mọi người được ở miễn phí khi chăm bệnh tại bệnh viện.

Vài tháng trước, cháu ngoại của bà Nga thường hay than vãn về những cơn đau đầu liên tục. Tình hình tệ hơn khi cô bé không thể cầm nắm đồ vật và bắt đầu nói sảng.

Lúc này, cả gia đình mới hốt hoảng đưa đến bệnh viện. Đứa bé hôn mê, được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày ấy.

Chẳng rõ ngày về, đồ đạc của hai mẹ con ngày một nhiều. Những hộp đồ khô xếp gọn gàng phòng khi không kịp nhận cơm từ thiện. Vài bộ quần áo được giặt tại nhà vệ sinh công cộng gần đấy, treo hờ trên các hàng ghế để hong khô. Chiếc chiếu gấp làm đôi trải dưới nền đất để ngả lưng khi mỏi mệt.

Nhịp sống của người phụ nữ 70 tuổi cứ thế tiếp diễn theo một vòng lặp chăm cháu - cầu nguyện - chờ đợi.

 Từ khi cháu gái hôn mê, cuộc sống của bà Nga chỉ quanh quẩn trong bệnh viện.

Từ khi cháu gái hôn mê, cuộc sống của bà Nga chỉ quanh quẩn trong bệnh viện.

Trông ngóng từng tiếng loa

Ở trong nhà chờ, thứ được trông ngóng nhất là tiếng loa thông báo tình hình của bệnh nhân, bất kể là đêm hay ngày.

Nỗi lo lắng thường trực trong những thân nhân, len lỏi vào cả những giấc ngủ chẳng thể nào yên. Sự mệt mỏi lộ rõ trên gương mặt, nhưng họ vẫn cố giữ bình tĩnh để chăm sóc người mình yêu thương trong cuộc chiến lâu dài với bệnh tật.

 Mỗi khi tiếng loa cất lên, hàng chục ánh nhìn ngước lên màn hình. Đây là giây phút căng thẳng khi người nhà ngồi chờ thông tin của bệnh nhân.

Mỗi khi tiếng loa cất lên, hàng chục ánh nhìn ngước lên màn hình. Đây là giây phút căng thẳng khi người nhà ngồi chờ thông tin của bệnh nhân.

Mời cô bác là thân nhân bệnh nhân Nguyễn Thị Hoài Thương, khoa Ngoại thần kinh, đến quầy thông tin!

Đang ngồi bần thần trong một góc nhỏ, người đàn ông bừng tỉnh khi nghe tiếng loa. Vóc dáng nhỏ thó vội lao đi, đôi tay không kiềm được sự run rẩy. Hàng chục người hướng về anh với ánh nhìn thương cảm, không gian vốn huyên náo, ồn ào bỗng dưng im ắng.

Suốt 2 ngày nay, nhiều người ở đây đã quen với hình ảnh anh Nguyễn Phi Phương lúc thì bần thần một góc, lúc thì chạy loạn khắp nơi để hỏi thông tin của em gái đang hôn mê. Nhưng thứ anh nhận lại chỉ là những cái lắc đầu.

Tiếng loa xuất hiện như một chiếc phao cứu sinh giữa lúc anh sắp bị cảm giác tuyệt vọng nhấn chìm. Thế nhưng, hy vọng của anh lại bị dập tắt sau ít phút chóng vánh gặp em gái. Tình trạng của cô gái vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

 Ngồi trong nhà chờ cho thân nhân, anh Phương đứng ngồi không yên kể từ khi đưa em gái vào viện.

Ngồi trong nhà chờ cho thân nhân, anh Phương đứng ngồi không yên kể từ khi đưa em gái vào viện.

Đây chỉ là 2 ngày trong nhiều ngày anh Phương sống thấp thỏm như thế. Trước đó, em gái anh Phương đã bị dày vò bởi căn bệnh u não. Những ca phẫu thuật liên tục khiến cô gái chẳng thể chống chịu, dẫn đến rò dịch não, lâm vào nguy kịch.

Cảm xúc của anh Phương cũng giống như hàng trăm thân nhân khác, mỏi mắt chờ tin người nhà, mọi hy vọng dồn về tiếng loa.

 Những bảng thông tin chi chít thông tin của bệnh nhân đặt dưới tầng trệt nhà chờ.

Những bảng thông tin chi chít thông tin của bệnh nhân đặt dưới tầng trệt nhà chờ.

Ký túc xá "10 sao"

Tầng trệt là khu vực lưu trú không mất tiền. Khoảng không gian ăn uống, ngủ nghỉ của mỗi người thường gói gọn trên một chiếc chiếu. Thời tiết trưa tháng 6 nóng hầm hập, nhiều người sẵn sàng nằm bệt xuống nền nhà.

- Ảnh X-quang, viện phí đâu? Giữ cẩn thận để về địa phương còn xin bảo hiểm.

- Giấy tờ khám bệnh từ Tết đến nay trong túi này. Giấy tờ trước Tết tôi để trong balo.

- Đến giờ đi khám rồi, bà đi cùng tôi không?

- Không, hôm nay tôi hơi mệt.

 Bà Luông và chồng vội vã tìm kết quả xét nghiệm trong đống giấy tờ dày cộp sau bao ngày đi viện.

Bà Luông và chồng vội vã tìm kết quả xét nghiệm trong đống giấy tờ dày cộp sau bao ngày đi viện.

Chỉ tay về giấy xét nghiệm máu vừa nhận được sáng nay, bà Luông và chồng không khỏi vui mừng vì các chỉ số bạch cầu, tiểu cầu của chồng bà đã dần ổn định.

Sau đoạn trò chuyện ngắn, người đàn ông cắn vội miếng bánh bao lấy sức để chuẩn bị cho đợt vào thuốc cuối cùng rồi rời đi. Đây là lần tái khám thứ 5 của ông.

Nhìn bóng lưng của chồng dần xa, bà biết hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng của vợ chồng bà dần kết thúc.

Năm ngoái, chồng bà Luông phát hiện mắc ung thư trực tràng do những cơn đau bụng quặn thắt. Sau nhiều tháng hóa trị, xạ trị và phẫu thuật cắt đại trực tràng, hiện tại, chồng bà Luông đã khỏi bệnh, chỉ tái khám mỗi tháng một lần.

 Mỗi khi xong hóa xạ trị, chồng bà Luông vẫn tranh thủ xuống nhà chờ để ăn uống, nghỉ ngơi cùng vợ.

Mỗi khi xong hóa xạ trị, chồng bà Luông vẫn tranh thủ xuống nhà chờ để ăn uống, nghỉ ngơi cùng vợ.

“Cơm mặn thì lấy ở cổng số 6. Bếp ăn yêu thương thì thường phát cơm chay” - Những ngày rong ruổi theo chồng hóa trị khiến bà nằm lòng những địa điểm phát cơm để đỡ đần chi phí.

Trước đây, cứ mỗi chuyến ngược xuôi Bến Tre - TP.HCM, bà tốn ngót nghét 4 triệu cho các khoản tiền xe, thuốc uống, con số quá sức đối với một tháng lương công nhân của bà. Hay tin nhà nghỉ có khu vực ở miễn phí, đôi vợ chồng chẳng nghĩ ngợi gì mà dọn vào ở ngay.

 Mỗi buổi chiều, không khí khu vệ sinh chung cạnh nhà chờ trở nên huyên náo hơn khi người ra người vào, tiếng cười đùa, hỏi thăm rôm rả.

Mỗi buổi chiều, không khí khu vệ sinh chung cạnh nhà chờ trở nên huyên náo hơn khi người ra người vào, tiếng cười đùa, hỏi thăm rôm rả.

"Xuống ăn cơm nào mọi người! Hôm nay có thịt ram ngon lắm!"

Vừa lấy những hộp cơm từ bọc nylon ra, người đàn ông vừa gọi lớn. Vài người đang ngủ, lồm cồm ngồi dậy sau khi nghe tiếng gọi. Chỉ trong chớp mắt, chiếc bàn ăn nhỏ trong phòng 210 đã kín người vây quanh.

Bữa ăn đơn giản nhưng đầy đủ ba món cơm canh. Từ cơm trắng, thịt ram đến canh khoai mỡ, tất cả đều được lấy từ những điểm cho cơm từ thiện. Căn phòng độ 20 m2 rôm rã tiếng nói cười. Trong “đại gia đình” này, có những người đã ở với nhau được vài tuần, cũng có người hôm nay vừa gặp lần đầu tiên.

 Những câu chuyện đời thường luôn xuất hiện trong bữa cơm chung của phòng 210.

Những câu chuyện đời thường luôn xuất hiện trong bữa cơm chung của phòng 210.

Quê quán, nghề nghiệp khác nhau, điểm gắn kết họ lại chính là đều có người thân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Những mối thân tình của họ cũng chớm nở sau những ngày sinh sống cùng nhau tại Nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân.

Cất chiếc hộp nhựa nhỏ được dùng như bát ăn cơm gọn gàng vào góc tủ, anh Vũ Ngọc Long thành thục lấy ra từ bao giấy chừng 10 viên thuốc đặt vào tay bố mình. Người đàn ông vừa trải qua buổi hóa trị nên vẫn còn mệt, ngay sau khi uống thuốc, ông vội ngả lưng xuống giường nghỉ ngơi.

 Anh Vũ Ngọc Long tỉ mẩn lấy hơn chục viên thuốc đủ loại cho bố uống sau mỗi bữa ăn.

Anh Vũ Ngọc Long tỉ mẩn lấy hơn chục viên thuốc đủ loại cho bố uống sau mỗi bữa ăn.

Kể từ khi người bố được chẩn đoán mắc bệnh u não, anh Long tạm gác công việc để tiện bề theo ông trị bệnh. Phác đồ điều trị của ba anh Long kéo dài khoảng 3 tháng, đến nay đã đi được 2/3 đoạn đường.

Để “tiết kiệm được chút nào hay chút nấy”, anh và bố thuê một giường tầng giá 80.000 đồng/ngày tại tầng 2 Nhà nghỉ dành cho thân nhân bệnh nhân, cách Trung tâm Ung Bướu, nơi bố hóa trị chỉ vài bước chân. Hai bố con đã quen với nhịp sống nơi đây được vài tuần.

 Sống ở nhà chờ, nhiều người vẫn đùa nhau rằng họ được ở "ký túc xá 10 sao" ngay trong bệnh viện.

Sống ở nhà chờ, nhiều người vẫn đùa nhau rằng họ được ở "ký túc xá 10 sao" ngay trong bệnh viện.

- Ngày mấy thì được về?

- Còn 12 ngày nữa, xạ nốt 12 tia còn lại. Còn chú?

- Tôi về sau chú 1 tuần.

- Thế cũng ổn rồi, cố lên nhé!

Trên chiếc giường trong góc phòng, anh Nguyễn Văn Dũng hỏi với xuống chỗ anh Long, đôi tay thô ráp vẫn còn cầm xấp bệnh án đang lật dở.

Cuối tháng 4 vừa qua, anh Dũng cùng mẹ lặn lội từ Bạc Liêu đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa bệnh, đó cũng là thời điểm anh bắt đầu gắn bó với Nhà nghỉ thân nhân. Ngày nào người đàn ông cũng đếm ngược đến 14/6, ngày mẹ anh kết thúc phác đồ xạ trị 30 tia.

“Ai cũng khổ như ai nên cứ giúp nhau khi cần thiết. Tôi cũng không thấy tủi thân khi ở đây”, anh Dũng cười nói.

Chờ đợi và cầu nguyện

Khi màn đêm buông, góc nhỏ trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy lại vang lên những âm thanh cầu nguyện. Ẩn hiện trong bóng tối là ánh đỏ từ những ngọn nến. Mùi nhang thơm thoang thoảng bay khắp công viên.

Đến đây với sự bất lực đến cùng cực, ai nấy cũng đều cầu nguyện bằng tất cả lòng thành. Thế nhưng, những lời cầu nguyện đó đều không dành cho họ.

 Khu cầu nguyện ở khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có người suốt đêm ngày. "Ai vào đây đều nặng hết rồi, chỉ biết trông chờ vào bác sĩ và cầu nguyện thôi", một người nhà bệnh nhân nói.

Khu cầu nguyện ở khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có người suốt đêm ngày. "Ai vào đây đều nặng hết rồi, chỉ biết trông chờ vào bác sĩ và cầu nguyện thôi", một người nhà bệnh nhân nói.

Sau khi đọc một lượt ba bài kinh Chú Đại Bi, kinh Quán Âm Cứu Khổ và kinh Dược Sư, chị Trang thành thục nhổ chân nhang, lau dọn tàn tro. Chị làm công việc này đều đặn hai lần sáng tối. Người phụ nữ tin rằng bằng cách này, phép màu sẽ đến với đứa con trai đang chuyển biến xấu sau ca mổ tim.

Chưa đầy một năm trước, đứa bé ra đời trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn ngủi lại bị chen ngang đứa bé bị suy tim bẩm sinh. Mới 9 tháng tuổi, con trai chị Trang đã có tận 7 tháng sống với cảnh dây dợ bắt ngang lồng ngực.

 Mỗi tối trước khi ăn cơm, chị Trang dành 10 phút ra trước khu cầu nguyện để mong những điều tốt đẹp sẽ đến với đứa con bé bỏng đang bị suy tim của chị.

Mỗi tối trước khi ăn cơm, chị Trang dành 10 phút ra trước khu cầu nguyện để mong những điều tốt đẹp sẽ đến với đứa con bé bỏng đang bị suy tim của chị.

Nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy nơi bà Nga, chị Trang và gần 300 người khác đang sinh sống được thành lập năm 2018 và được Phòng Công tác xã hội điều hành.

"Chợ Rẫy là tuyến cuối phía Nam, bệnh nhân, người nhà lúc nào cũng đông đúc, chật kín. Từ lãnh đạo đến những bác sĩ, điều dưỡng hay bảo vệ trong bệnh viện đều thấu hiểu cảnh người nhà ôm đồm, chạy vạy đưa bệnh nhân đến chữa bệnh. Nhìn hình ảnh đó chúng tôi đều nghĩ phải cố gắng chăm sóc các anh chị, cô bác thật tốt để mọi người có thể chăm sóc người nhà của họ.

Đó cũng là một cách giúp đỡ, giảm tải cho đội ngũ bác sĩ của bệnh viện. Nhà chờ cũng là ý tưởng và tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ bệnh viện dành cho người bệnh", Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Dù ngày hay đêm, nhà nghỉ thân nhân bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn luôn sáng đèn, rộng cửa để đón tiếp hàng trăm thân nhân, bệnh nhân.

Sự nghĩa tình, bao dung của nơi này là động lực cho những mảnh đời bước qua ngày tháng tối tăm vì bệnh tật.

Khương Nguyễn - Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chuyen-nhung-nguoi-khoe-coi-benh-vien-la-nha-post1479962.html