Chuyện những người lính Đoàn 500 đi lấn biển (Kỳ 2)

Trong ký ức của những người lính Đoàn 500 đi mở đất ở Kim Sơn, đó là vùng sình lầy, hoang vu với bộn bề gian khó.

Ông Phạm Trọng Lực, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần - Đoàn 500 là một trong những người lính đầu tiên tham gia lấn biển nhớ lại: Năm 1980, tôi làm Trưởng Ban Kế hoạch Kỹ thuật của Công trường 50. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là cùng đồng đội xây dựng lán trại và làm cột tiêu ngắm tuyến cho công trường. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc ngày đầu tiên đặt chân đến bãi bồi Cồn Thoi, đó là tâm trạng mông lung khi trước mặt mình là vùng đất hoang lạnh, mênh mông biển trời, phía xa xa những con sóng cứ cuồn cuộn kéo vào bờ như muốn cuốn phăng tất cả...

Nỗi gian truân của những người lính Đoàn 500 trong những năm tháng đi lấn biển khó có thể nói hết thành lời, chỉ biết rằng đã có không ít đồng đội của ông Lực phải ngã xuống vì mắc dịch tả, vì sốt rét, vì tai nạn lao động.

Ông kể: Công việc làm cột tiêu ngắm tuyến không hề đơn giản, bởi chúng tôi phải chen qua rừng sú, sậy, lác rậm rạp, cao vút mới cắm được cột mốc (cứ 100m một mốc tiêu ngắm tuyến). Người đi phóng tuyến chỉ 3- 4 ngày là bị rách bộ quần áo vì bị cây lác cứa. Trong khi đó mỗi người chỉ được cấp một bộ quân trang/năm, quần áo bảo hộ lao động lại không có nên một số anh em phải cởi trần khi đi phóng tuyến, do vậy mình mẩy luôn bị trầy xước. Cây cối rậm rạp nên muỗi nhiều vô kể, thuốc men lại thiếu thốn, nhiều người mắc bệnh sốt rét. Điều tệ nhất là nước ngọt không có, phải dùng nước lợ, nhiều người bụng dạ yếu không chịu nổi đã mắc dịch tả rồi vĩnh viễn nằm lại vùng đất này. Vào mùa đông, trên bãi bồi gió bấc rít lên từng cơn như những lưỡi dao cứa vào da thịt. Nhưng dù sao mùa đông giá lạnh cũng chưa đáng sợ bằng mùa hè nắng nóng và bão gió. Có những ngày, cả đơn vị đắp được con đê to, dài gần 1km, chúng tôi hò reo. Thế nhưng chỉ cần một cơn bão, cả con đê mới đắp đã chẳng còn gì ngoài sóng biển mênh mông...

Cùng nằm trong quân số những người đi mở đất ở Kim Sơn thuộc Đoàn 500 với ông Lực là ông Trần Dình. Trong hồi ức của ông Dình, năm tháng đi lấn biển là giai đoạn những người lính trải qua gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Thời gian đầu khi máy móc chưa có, tất cả mọi công việc đắp đê đều làm bằng sức người. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ ngâm mình dưới bùn đen để xúc từng xẻng đất, chuyền tay nhau đổ xuống biển. Có những đoạn họ vật vã đắp đi, đắp lại đến chục lần vẫn chưa hoàn tất nổi vì những con sóng dữ đã cuốn trôi tất cả.

Không chỉ đấu tranh với thiên nhiên hà khắc, mà trong giai đoạn đầu đắp đê Bình Minh II, những người lính Đoàn 500 còn đối mặt với những khó khăn, thách thức từ cơ chế. Ông Trần Tiên Tiến - Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 500 chia sẻ: Công trình lấn biển Cồn Thoi được triển khai trong hoàn cảnh nền kinh tế đất nước lúc đó rất khó khăn. Mặt khác, do cơ chế quan liêu bao cấp trì trệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Kinh phí đắp đê là dùng vốn tự có của đơn vị. Dụng cụ thi công thô sơ (chủ yếu dùng sức người), kỹ thuật thi công còn hạn chế, kinh nghiệm chỉ đạo chưa nhiều do chưa hiểu biển và quy luật của biển…

Quân lương khan hiếm, lán trại thô sơ, ăn đói, mặc rét, bệnh đường ruột và sốt rét hoành hành, sức khỏe bộ đội giảm sút nhiều, nỗi vất vả của những người lính tăng lên gấp bội. Mặt khác, xuất hiện hiện tượng một số chiến sĩ vi phạm tổ chức kỷ luật, gây xích mích, làm mất an ninh trật tự ngay trên vùng bãi bồi… Trong hoàn cảnh đó, có đơn vị thi công đã xin rút lui, không tham gia lấn biển nữa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyết tâm chung của người chỉ huy và tinh thần chiến sĩ lấn biển.

(Còn nữa)

(Còn nữa)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-chuyen-nhung-nguoi-linh-doan-500-di-lan-bien-ky-2/d20221206084813779.htm