Chuyện những người mê sách
Có gặp gỡ, trò chuyện với những người 'chơi sách' mới thấy hết sự am hiểu và tình cảm trân trọng mà họ dành cho những cuốn sách sưu tập qua năm tháng. Có một điểm chung dễ nhận thấy của những người chơi sách là họ đều có niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho những cuốn sách, dù nghề nghiệp mỗi người khác nhau.
Có gặp gỡ, trò chuyện với những người “chơi sách” mới thấy hết sự am hiểu và tình cảm trân trọng mà họ dành cho những cuốn sách sưu tập qua năm tháng. Có một điểm chung dễ nhận thấy của những người chơi sách là họ đều có niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho những cuốn sách, dù nghề nghiệp mỗi người khác nhau.
Trong giới chơi sách, ít người dám tự coi mình là nhà sưu tầm số một hay tự hào là có nhiều sách nhất, chưa nói đến giá trị của sách, hay là người có nhiều sách giá trị nhất... Không phải vì sách và kiến thức trong sách là rộng lớn vô cùng mà phần nào vì ở những người chơi sách đều ít nhiều có sự khiêm tốn và điềm đạm nói chung. Họ không ầm ĩ hay khoa trương mà nhẹ nhàng, sâu lắng, mỗi người có sự quan tâm, yêu thích với mảng sách mà họ theo đuổi. Quan trọng không kém, họ dành cho nhau sự tôn trọng nhất định với thú vui của mỗi người, sở thích của mỗi người ở từng loại sách.
Trong trường hợp đó, việc xác định sở trường, thế mạnh của người chơi sách trở nên rõ ràng hơn, khi họ tập trung vào một hay vài mảng sách cụ thể. Chẳng hạn, có người chỉ chuyên sưu tầm Truyện Kiều, người thích cổ văn, người mê sách kiếm hiệp, trinh thám, người chỉ săn lùng sách trước năm 1945 hay trước năm 1975 và thậm chí là sách thiếu nhi… Cũng vì thế mà từ bắc tới nam, phần đông người chơi sách, sưu tầm sách đều biết hết nhau, thông qua các diễn đàn, các buổi gặp mặt. Từ lạ thành quen, từ quen thành thân, dù thật khó để tất cả người chơi sách tụ họp, gặp mặt cùng một lúc như các hội nhóm sưu tập khác. Sách thuận mua vừa bán, từ giá rất rẻ tới giá rất cao, nhưng có khi cũng là 0 đồng nếu họ chỉ vì yêu mến mà tặng nhau, vì người được tặng cần sách hơn là mình cần.
Thật khó để mô tả hết từng cá nhân như vậy nhưng phải thừa nhận, việc gặp được một vài người trong số đó cũng là sự may mắn mà tôi có được, khi được tận mắt thấy những bộ sưu tập giá trị mà họ dày công tìm kiếm, lưu giữ cẩn thận trong hàng chục năm qua...
Tôi có mặt tại cửa hàng sách Ngân Cường nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đúng thời điểm anh Nguyễn Duy Cường hay còn gọi là Cường Vespa đang lo chuyển sách về địa chỉ mới ở khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy do địa điểm cũ đã được chủ nhà sang nhượng. Gọi là cửa hàng chứ thực tế đây giống như một kho chứa sách bởi sách để kín nhà, từng chồng từng chồng cao lên tận trần và tràn ra ngoài cửa, thậm chí khó tìm thấy một lối vào bên trong. Vì thế, những cuộc gặp gỡ giữa ông chủ sách sinh năm 1977 người Thái Bình với bạn sách hay người mua sách phần lớn đều chỉ diễn ra ở bên ngoài cửa hàng, quanh cốc trà đá của quán nước ngay sát đó.
Đúng là chỉ gặp mà không nghe kể hay tiếp xúc nhiều sẽ chẳng thể biết Cường là một nhà thơ hay chính xác là một trong những người sưu tầm Truyện Kiều và những gì liên quan đến Truyện Kiều lớn nhất Việt Nam hiện nay, từ các văn bản Truyện Kiều, từ điển Truyện Kiều, các tập khảo luận, phê bình đến nghiên cứu Truyện Kiều... Trong khi thầy giáo Vũ Văn Khánh ở thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có khoảng 800 cuốn về Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du, trong đó có nhiều bản Kiều cổ, thì Cường cũng đã có hơn 1.000 cuốn. Thú vị ở chỗ, thầy Khánh chính là thầy giáo dạy ngữ văn của Cường hồi học trung học phổ thông và việc thầy trò đều sưu tập Truyện Kiều đến một cách rất bất ngờ. Biết thầy giáo của mình thích đọc và sưu tập Truyện Kiều, Cường có một ít sách tặng ông. Sau đó, thầy trò cùng thi xem ai sưu tập được các bản Kiều và sách về Nguyễn Du nhiều hơn.
Giờ thì bộ sưu tập Truyện Kiều của Cường đã dày lên đáng kể từ năm 2000 sau các cuộc mua bán, trao đổi. Tôi có dịp nhìn thấy những cuốn sách quý hiếm mà anh giới thiệu tại căn nhà nhỏ trong một ngõ hẹp trên đường Hoàng Quốc Việt. Cuốn cổ nhất mà Cường đang có là bản chữ Nôm được in, thay vì chép tay, vào cuối thế kỷ 19 hay giá trị không kém là Kim Vân Kiều Tân truyện do A-ben đơ Mi-sen ấn hành ở Pa-ri năm 1884-1885 bằng ba thứ chữ: Nôm, Pháp và Quốc ngữ… Còn cuốn mới nhất được anh mua gần đây là Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền nam của Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019. Hiển nhiên, các cuốn Kiều cổ, Kiều xưa có giá trị rất lớn về thời gian, số lượng ấn bản hay chỉ đơn giản là người hiệu đính, người chú giải, nhưng điều đáng nói là Cường có rất nhiều cuốn Kiều được xuất bản bằng các thứ tiếng nước ngoài như: Trung Quốc, Đức, Ru-ma-ni, Nga, Anh, Pháp, Nhật Bản… hay tiếng dân tộc Tày, Thái… mà không phải ai cũng có thể thấy hoặc có cơ hội sở hữu nếu thiếu cơ duyên.
Ngoài ra, Cường Vespa cũng giới thiệu cuốn Truyện Kiều của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng chú thích, Nguyễn Quảng Tuân hiệu đính được in năm 1937 mà tôi thật sự ấn tượng. Đây là cuốn Kiều khổ rất nhỏ, hiếm thấy và Cường phải mất một bộ sách giá trị mới đổi được nó. Theo Cường giải thích thì người ta còn gọi đây là bản “Kiều phu xe” bởi phu xe kéo tay ngày xưa thường dùng bản Kiều này để ngâm nga do kích thước nhỏ, dễ bỏ túi. Nông Sơn Nguyễn Can Mộng là người cùng huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với anh.
Không chỉ có Truyện Kiều, Cường còn có bộ sưu tập tranh Kiều với hơn 1.000 bức do họa sĩ Quang Thụy là con trai nữ sĩ Ngân Giang vẽ; những số báo, tạp chí đặc biệt về Truyện Kiều; cũng như rất nhiều đầu sách có giá trị sưu tầm khác mà anh đã mất công mua, tìm kiếm và cất giữ trong gần 20 năm qua. Cường bảo, tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, từng có thời gian làm việc ở Phòng An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội và Công an huyện Thanh Trì, anh cũng không nghĩ rằng mình lại gắn bó với sách, nhất là thú sưu tập Truyện Kiều như bây giờ.
Càng ngưỡng mộ hơn là ngay cả khi cuộc sống khó khăn, thu nhập chỉ có từ lương, Cường vẫn theo đuổi niềm đam mê của mình như thể Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa (trích Truyện Kiều).
So với hàng trăm cuốn cổ văn được in từ những năm 20, 30 hay 40 của thế kỷ trước, những cuốn sách về Hà Nội có những giá trị riêng. Còn với nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách, mảng sách nào đối với anh cũng đều giá trị về nội dung và thời gian. Riêng với sách về Hà Nội, đó còn là một tình yêu anh dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và chẳng thể rời xa mà không thấy nhớ nhung, bồn chồn. Cũng vì vậy mà ít có người chơi sách nào có thể dành trọn công sức, thời gian và tiền bạc cho những cuốn sách về Hà Nội như nhà sưu tập sinh năm 1979 ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội này. Tại đó, gia đình anh có một quán cà-phê nhỏ mà bất cứ ai từng đến đều không khỏi ấn tượng về những tủ sách được trưng bày ở đây.
Bách cho biết, anh sưu tập nhiều mảng sách nhưng chủ yếu vẫn là cổ văn và sách về Hà Nội. Với những cuốn sách về Hà Nội, việc sưu tầm thật không dễ do phạm vi sách trải rộng từ văn hóa, lịch sử, xã hội, danh nhân…; từ những năm đầu của thế kỷ trước cho đến ngày nay; từ các tác giả Việt Nam đến các tác giả nước ngoài, nhất là các tác giả người Pháp. Vậy mà ở con người có vẻ bề ngoài xù xì, ham chơi, ham vui đó lại là sự bền bỉ và đam mê với các cuộc rong ruổi qua những tỉnh, thành phố để tìm sách. Có cuốn sách khiến anh phải bỏ rất nhiều tiền nhưng cũng có cuốn sách buộc anh phải đổi ngược vài cuốn sách khác. Không có gì ngạc nhiên khi trong bộ sưu tập của mình, Bách có nhiều cuốn sách giá trị về Hà Nội như Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính in năm 1923; Bài ca Hà thành thất thủ; Lịch sử Hà Nội của Nguyễn Quang Lục; Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy; Lịch sử Thủ đô Hà Nội của Trần Huy Liệu; Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện... Năm 2016, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thậm chí còn mượn anh cuốn Hà Nội chỉ nam và bản in lại năm 1948 để tái bản. Sách tuy mỏng nhưng với anh, nó chứa đựng cả một thế giới văn hóa, tính cách của người Hà Nội xưa bởi người đọc có thể thấy ở đây những chỉ dẫn địa lý, các điểm du lịch, hành chính, các địa chỉ mua bán, dịch vụ… của Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20.
Trước đó, năm 2015, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức trưng bày những cuốn sách về Hà Nội, gồm 60 cuốn sách cũ, thuộc một phần bộ sưu tập về Hà Nội của anh. Đấy là vinh dự và niềm tự hào bởi không phải nhà sưu tập nào cũng có cơ hội giới thiệu cho bạn đọc hiểu rõ hơn về Hà Nội thông qua những cuốn sách cũ, dù Bách thừa nhận, anh vẫn muốn tìm kiếm nhiều hơn các cuốn sách tiếng Pháp viết về Hà Nội và các bản đồ Hà Nội xưa.
Tôi đã cân nhắc rất nhiều về nhà sưu tập thứ ba mà mình định gặp, một người rất thích nhạc sĩ Văn Cao hoặc không thì là một người rất thích sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng của Nga, Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng rồi do người ấy bận rộn công việc mà chúng tôi đành hẹn nhau vào một dịp khác. Thay vào đó, tôi quyết định đến nhà họa sĩ Nguyễn Thành Đàm, người có bộ sưu tập sách mi-ni lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng sưu tập sách mi-ni rất phát triển. Tại Việt Nam, không nhiều người có niềm đam mê này. Khi sang Liên Xô vào những năm 1970 để học cách trình bày sách báo, ông Đàm mới được thấy những cuốn sách khổ nhỏ độc đáo và bắt đầu tìm kiếm chúng. Cũng vì thế, trong bộ sưu tập hơn 500 cuốn sách mi-ni hiện nay của ông, phần nhiều là sách xuất bản ở nước ngoài, từ Nga, Đức, Trung Quốc… Tuy vậy, cuốn sách giá trị nhất, khiến ông Đàm tự hào nhất và trân trọng nhất là cuốn Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cuốn sách bằng giấy dó, mỏng, khổ 9 x 15 cm. Tuy chỉ có 16 trang nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước bằng những câu thơ gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều đáng nói ở cuốn sách được in vào tháng 2-1942 này là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tác giả mà còn là người biên tập, người trình bày, người minh họa và người in ấn.
Ngoài cuốn Lịch sử nước ta, người họa sĩ 79 tuổi còn giữ ba cuốn sách mỏng: Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô và Tuyên ngôn độc lập do ông thiết kế để Anh hùng Phạm Tuân đưa lên vũ trụ năm 1980. Về sau, chỉ có cuốn Tuyên ngôn độc lập được phi hành đoàn cho phép Anh hùng Phạm Tuân đem theo vào vũ trụ.
Hay một cuốn sách mi-ni khác cũng rất giá trị với ông Đàm là cuốn sách viết về V.I. Lê-nin nhân dịp 100 năm Ngày sinh của lãnh tụ của giai cấp công nhân Nga và thế giới, chỉ phát hành 100 cuốn để tặng các nguyên thủ quốc gia hoặc các vị khách đặc biệt thời Liên Xô trước đây. Sở dĩ ông có được cuốn sách về Lê-nin này là do một học trò tặng lại và kích thước của nó rất nhỏ, chỉ khoảng 2,5 x 3 cm.
Theo họa sĩ Đàm, những cuốn sách mi-ni thường được thiết kế như từ điển bỏ túi, nhưng ông cũng có rất nhiều sách viết về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hay thậm chí hội họa, thiên văn của thế giới. Với những cuốn sách mi-ni được xuất bản tại Việt Nam, trong bộ sưu tập của ông có cuốn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ Tây Du Ký của Nhà xuất bản Đồng Nai, Sát Thát của Nhà xuất bản Kim Đồng hay các cuốn Truyện Kiều… Riêng Sát Thát có thể được xem là cuốn sách có kích thước nhỏ nhất của Việt Nam, khoảng 5 x 4 cm.
Những người mà tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trong quá trình thực hiện bài viết này đều không nói đến số tiền mà họ đã bỏ ra sau nhiều năm để sưu tầm sách hay cụ thể là một cuốn sách đáng giá bao nhiêu. Trên tất cả, họ đến với sách vì tình yêu sách, sau mới là niềm đam mê sưu tầm, cũng là vừa để nghiên cứu, vừa để giữ gìn chúng. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Sách cũ, giấy đen, không còn đọc được, nhưng nó lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời. Nó là kỷ niệm, là nhắc nhớ, là những cuốn sách không phải để đọc mà để nghĩ ngợi, để suy tư, để ngẩn ngơ cùng năm tháng đời người. Bán chúng làm chi. Vì giữ chúng thì chật nhà nhưng không có chúng, cuộc đời ta bỗng hóa ra buồn tênh, trống rỗng...”.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41633702-chuyen-nhung-nguoi-me-sach.html