Chuyện những người ở tuyến đầu chống dịch

ĐBP - Trong thời điểm cả nước căng mình chống dịch Covid-19, biết bao người sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu để chặn đứng đại dịch lây lan. Họ có thể là y bác sĩ, là bộ đội, công an, là lực lượng dân quân… không quản ngày đêm, chẳng nề hiểm nguy, sẵn sàng đương đầu với khó khăn phức tạp của dịch bệnh nơi tuyến đầu. Những câu chuyện của họ chính là câu trả lời cho câu hỏi của bài hát nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Điều dưỡng Nguyễn Hữu Sơn chia tay vợ con trước giờ lên đường Nam tiến chống dịch.

Lần đầu “lên chức bố”

Tháng 8, Tây Bắc vào mùa mưa. Những cơn mưa rừng không tầm tã, trắng trời thì cũng rả rích như phép thử lòng kiên nhẫn. Trên khắp các sườn núi, mây mù giăng kín khiến cho những cung đường biên viễn càng thêm ảm đạm. Vào những ngày tiết trời như thế, chúng tôi có dịp về Đồn Biên phòng Mường Mươn và được nghe câu chuyện lần đầu làm bố của Trung úy Trần Văn Minh, Đội phó đội Trinh sát.

Năm nay 25 tuổi, Trung úy Minh gần như trẻ nhất Đồn Biên phòng Mường Mươn. Anh là người vừa “lên chức bố” gần đây nhất của Đồn. Nhưng vào thời điểm đó, anh lại đang thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị nên không thể có mặt ở nhà. Anh cũng rất muốn về động viên vợ nhưng vì nhiệm vụ tại đơn vị, mong muốn đó đành gác lại. Ngày đó, tuy tình hình dịch bệnh chưa bước vào giai đoạn căng thẳng nhưng anh cùng đồng đội đã phải tăng cường tuần tra kiểm soát dọc tuyến biên giới gần 20 cây số đường biên, 7 cột mốc trên địa bàn 3 xã: Na Sang, Mường Mươn và Ma Thì Hồ. Ngày vợ anh “vượt cạn”, anh lo lắng, đứng ngồi không yên. Trung úy Minh nhớ lại: Hôm ấy khoảng 10 giờ thì vợ em gọi điện bảo chuẩn bị đi sinh con. Lòng em như lửa đốt ấy, cứ đi ra đi vào, chốc chốc lại gọi điện hỏi thăm tình hình ở nhà. Vừa lo lắng em cũng vừa thấy buồn không được ở bên vợ lúc này. Đến khoảng 12 giờ 30 phút, cô công chúa nhỏ của nhà em chào đời mà theo lời kể của chị gái thì xinh xắn như mẹ. Em vui và hạnh phúc lắm, mong sớm được về bế cháu trong tay...

Thế nhưng phải đến gần 4 tháng sau, mong mỏi được bế con lần đầu của Trung úy Trần Văn Minh mới trở thành hiện thực. Lần đầu bế con trên tay ngượng nghịu, người bố trẻ vẫn không giấu nổi niềm hạnh phúc. Trung úy Minh kể: Lúc đầu bố bế, cháu thấy lạ không theo, phải mất cả nửa ngày mới nghe. Quen rồi thì lại cứ bám rịt... Bây giờ cháu cũng lớn hơn rồi! Ở đơn vị, mỗi lần có thời gian rảnh em lại gọi video về để bố con trò chuyện. Còn khi lên trên chốt, chỗ sóng khỏe thì mới gọi được video, còn chỗ sóng yếu, “hứng” mãi không được thì đành phải gọi điện về nghe tiếng con bi bô cho đỡ nhớ...

Ngoài câu chuyện của Trung úy Trần Văn Minh, chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện khác trong hành trình dọc tuyến biên giới. Vì công việc chung, những người lính biên phòng đã phải hi sinh khá nhiều. Chúng tôi được biết có nhiều cán bộ, chiến sĩ hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già, con nhỏ mới sinh mà cả năm chẳng được về thăm. Có người khác lại chẳng thể về dự đám cưới của mình… Thế nhưng họ vẫn vững vàng tâm thế ở tuyến đầu biên giới, bám chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 dù phải sống trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn đủ đường. Và trên khắp những đường mòn, lối mở giữa thăm thẳm đại ngàn, bước chân của lực lượng biên phòng vẫn không ngừng nghỉ, xuyên qua những đêm trắng, chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ biên giới có thể xâm nhập...

“Miền Nam hết dịch ba về...”

Chiều 11/9, đoàn công tác thứ 3 của ngành Y tế tỉnh gồm 23 cán bộ y tế lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 76 cán bộ ngành Y tế tỉnh nhà xung phong xông pha vào tuyến đầu để “chia lửa” với các tỉnh miền Nam. Mỗi “chiến sĩ áo blouse trắng” của Điện Biên không chỉ quyết tâm kiên cường chống dịch mà họ còn mang theo tình cảm, niềm tin của nhân dân Điện Biên vào một ngày miền Nam nói riêng, đất nước nói chung sớm chiến thắng đại dịch Covid-19. Ba lần đoàn cán bộ y tế lên đường “chia lửa” với miền Nam là 3 lần bạn bè đồng nghiệp, người thân chia tay trong xúc động.

Còn nhớ vào những ngày trung tuần tháng 8, khi tiễn đoàn công tác số 2 lên đường, tôi gặp điều dưỡng Nguyễn Hữu Sơn (Trung tâm Y tế TX. Mường Lay) khi anh đang dỗ dành con gái lớn. Thấy tôi đưa máy ảnh lên định chụp, anh cười bảo: “Bình thường ở nhà cháu ngoan lắm! Chắc hôm nay biết ba đi công tác xa nên mới khóc nhè thôi!”. Rồi anh lại quay sang dặn dò vợ ở nhà chăm sóc 2 con, dặn cô con gái lớn vâng lời, hỗ trợ mẹ chăm sóc em. Anh cũng hứa với vợ con sẽ giữ gìn sức khỏe và trở về bình an khi hoàn thành nhiệm vụ...

Nói xong, anh trao lại con cho vợ, quay đi để giấu giọt nước mắt trực trào, nhanh tay cùng đồng nghiệp chuyển đồ đạc lên xe khách, chuẩn bị cho hành trình sắp tới. Khi đồ đạc, quân tư trang đã gọn gàng, tranh thủ phút nghỉ ngơi chớp nhoáng, tôi và anh mới có dịp chuyện trò riêng. Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Sơn nói: Như bao anh chị em, bạn bè đồng nghiệp, thấy đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh nên khi có lệnh lên đường hỗ trợ chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, mình sẵn sàng tâm thế nhận nhiệm vụ ngay. Đây là việc bình thường mà bất cứ y, bác sĩ nào cũng sẽ làm vì người bệnh, nhất là khi miền Nam đang cần nhân lực để chống dịch. Cũng thương vợ và 2 con nhỏ lắm, sợ cuộc sống có phần bị thay đổi khi mình vắng nhà. Nhưng may mắn là vợ mình ủng hộ, giúp mình thu xếp ổn thỏa công việc và chuyện gia đình trước khi lên đường”.

Hôm nay, cả gia đình đến tiễn anh Sơn lên đường nhận nhiệm vụ Nam tiến chống dịch. Vợ anh, chị Phạm Thị Thủy, đứng lặng lẽ ở bên, chẳng nói gì để giấu đi đôi mắt đỏ hoe. Cũng là cán bộ trong ngành, công tác tại Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ, chị thấu hiểu nỗi gian truân của những y, bác sĩ ở tuyến đầu gặp phải khi chiến đấu với dịch bệnh. Nhưng chị càng hiểu hơn những bệnh nhân F0 ở miền Nam đang cần được cứu chữa. Vậy nên, dẫu “chiến trường” cách nhà hàng ngàn cây số, chị vẫn động viên anh vững dạ lên đường, cả gia đình sẽ là hậu phương vững chắc cho anh. Dù đứng ở xa tôi vẫn nghe thấy chị Thủy khẽ nói: “Anh đi “chân cứng đá mềm”, chiến đấu và chiến thắng sớm trở về với mẹ con em...”

Sắp đến giờ khởi hành, xe chuẩn bị lăn bánh. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng lên xe. Những người ở lại vẫy chào những “chiến sĩ áo blouse trắng” lên đường với lời chúc bình an. Trước khi lên xe cùng đồng nghiệp, anh Sơn ôm, hôn 2 đứa nhỏ, nắm tay vợ dặn dò: “Các con ở nhà ngoan, bao giờ miền Nam hết dịch ba về…”

Cũng gần 2 tháng kể từ khi đoàn công tác đầu tiên của tỉnh nhà vào chi viện cho miền Nam. Thông tin cập nhật từ vùng dịch chuyển về liên tục là những niềm vui cho hậu phương thêm vững tin vào ngày chiến thắng. Đoàn số 1 của tỉnh ta với 31 cán bộ được giao điều trị cho 1.200 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại phường Tân Thới Nhất, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. 100% bệnh nhân chăm sóc, điều trị không có trường hợp tử vong. Đoàn công tác số 2 vào sau cũng đã kịp thời làm quen với công việc mới, khắc phục khó khăn để chăm sóc, điều trị các bệnh nhân F0. Điều đáng mừng là hiện nay, tất cả thành viên 2 đoàn công tác vẫn mạnh khỏe, đang cùng miền Nam kiên cường chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/190357/chuyen-nhung-nguoi-o-tuyen-dau-chong-dich