Chuyện ở những gia đình văn hóa tiêu biểu

Đằng sau mỗi gia đình đều có những câu chuyện nhỏ. Đằng sau nụ cười hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình là sự nỗ lực không ngừng nghỉ để vun đắp yêu thương.

Ông Lê An Liêm và vợ đi cùng nhau gần trọn một đời người, từ khi còn gian nan, vất vả đến lúc cuộc sống sung túc, ấm no, con cháu thành đạt...

Ông Lê An Liêm và vợ đi cùng nhau gần trọn một đời người, từ khi còn gian nan, vất vả đến lúc cuộc sống sung túc, ấm no, con cháu thành đạt...

Tình già

Ông Lê An Liêm (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) và vợ (bà Lê Thị Ngọc Tiết) đã đi cùng nhau gần trọn một đời người, từ khi còn gian nan, vất vả đến lúc cuộc sống sung túc, ấm no, con cháu thành đạt, gia đình đề huề, hạnh phúc.

Ngày trước, nhà ông Liêm nghèo, cha mẹ mất sớm, trong khi bà Tiết lại là con trong một gia đình “cơ bản”. Không “môn đăng hộ đối” nhưng bà vẫn đồng ý về làm vợ ông. Nhớ lại những ngày gian nan, vất vả, ông Liêm trầm ngâm: “Ngày xưa, bà ấy thương tôi bằng cả tấm chân tình. Biết làm vợ tôi là vất vả trăm bề nhưng bà vẫn bằng lòng. Tình cảm đó tới bây giờ tôi vẫn luôn trân quý. Tôi cũng chỉ có sự chân thành dành cho bà ấy mà thôi”.

Ông bà về sống với nhau trong cảnh khó khăn, vất vả trăm bề, các con lần lượt ra đời trong túng thiếu. Thương con, quyết tâm lo lắng cho con, ông bà làm thuê, làm mướn, không ngại bất cứ việc gì. Nhà được một ít đất sản xuất, lo việc nhà xong là ông đi cuốc mướn cày thuê, bà buôn gánh bán bưng quyết tâm cho các con ăn học. “Hồi đó, bà nhà tôi không bán nước giải khát thì bán bánh bao. Tôi thì đi làm mướn, cực khổ dữ lắm nhưng vợ chồng nói với nhau phải ráng cho con đi học. Có tri thức thì mới có thể khá lên được. Với lại, tôi nghĩ con cái mình cho ăn học dù không thành danh thì cũng phải thành nhân, có ích cho xã hội” - ông Liêm tâm sự.

Thời gian trôi qua, cả 3 người con của ông bà đều tìm được hướng đi cho riêng mình, ổn định cuộc sống, kinh tế ngày càng khá giả. Giờ đây, ông bà sống cùng con út trong ngôi nhà khang trang, cuộc sống thư thả, an nhàn. Các con đều tự chủ kinh tế, khá giả nên ruộng đất ông bà cho thuê “có tiền bỏ túi” và
đóng góp cho các phong trào, hoạt động tại địa phương.

Mấy mươi năm sống bên nhau, nếm trải đủ mọi ngọt ngào, đắng chát. Ông bà học được cách quan tâm, lo lắng, chia sẻ cùng nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình và dạy bảo các con. Ông Liêm nói: “Không có cặp vợ chồng nào hợp nhau hoàn toàn hết, quan trọng vẫn là biết nhường nhịn, sẻ chia. Người này nói, người kia nghe thì cuộc sống mới thuận hòa, êm ấm”. Niềm vui của ông bà giờ đây là mỗi ngày được cùng nhau đi lễ nhà thờ, nghe tiếng chuông ngân, tìm sự an yên dưới chân tượng Chúa và những việc làm có ích cho xã hội. Mỗi cuối tuần, ông lại chở bà đi vòng quanh thị trấn Bến Lức, ghé siêu thị mua sắm chút ít đồ. Không phải vì con cái không chăm lo, giúp đỡ mà bởi ông bà muốn được chiều chuộng nhau. Biết bà thích đi mua sắm, dạo ngắm phố phường nên ông bà cùng đưa nhau đi, cũng là một cách cùng nhau gắn bó trong những ngày xế bóng.

Tôn trọng và lắng nghe nhau chính là bí quyết của một gia đình hạnh phúc (gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, ông Nguyễn Thanh Phương)

Tôn trọng và lắng nghe nhau chính là bí quyết của một gia đình hạnh phúc (gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, ông Nguyễn Thanh Phương)

Tôn trọng, chia sẻ, lắng nghe

Câu chuyện tình nào cũng đẹp, dù rất đỗi đời thường. Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần đủ tinh tế để nhận ra rằng ai đó đang yêu mình bằng những điều rất nhỏ thì sẽ cảm thấy hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh mỗi người. Buổi trưa, bà Nguyễn Thị Lệ (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) ngồi ngoài hiên chơi cùng cháu ngoại, ông Nguyễn Thanh Phương (chồng bà) vừa làm đồng về, nghỉ ở nhà trong. Từ dạo có cháu ngoại, bà nghỉ hẳn ở nhà trông cháu cho con gái đi làm, việc ruộng đồng mình ông đảm nhận.

Đi làm về, hôm nào bà chưa kịp nấu cơm, rửa chén, dù mệt, ông cũng “xắn tay áo” giúp vợ một tay. Mấy mươi năm gắn bó, con trai, con gái đã trưởng thành, bà chưa khi nào thấy ông “nạnh họe” việc nhà. Nấu cơm, rửa chén, quét nhà, chỉ cần ông rảnh là sẽ giúp vợ. Nhắc về ông, bà Lệ cười: “Anh ấy là người biết tôn trọng vợ. Hồi đó giờ chung sống chưa bao giờ anh tò mò, thắc mắc chuyện riêng tư của tôi. Sự tin tưởng và tôn trọng của anh ấy khiến tôi cảm thấy mình được tự do và hạnh phúc”. Bà cười nụ cười rạng rỡ. Có lẽ chính nhờ vậy, bà mới có thời gian tham gia công tác hội và trở thành chi hội trưởng năng nổ của địa phương. Với kinh nghiệm và sự nhiệt tình của mình, bà duy trì hiệu quả Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, nơi sẻ chia kinh nghiệm chăm sóc và vun bồi hạnh phúc gia đình cho phụ nữ địa phương.

Ông Phương và bà Lệ cũng từng trải qua khoảng thời gian vất vả, gian nan vật lộn với cơm, áo, gạo, tiền, nhưng không vì túng thiếu mà vợ chồng, con cái “cắn đắn” lẫn nhau. Suốt hơn 20 năm nuôi dạy con, ông bà chưa bao giờ đánh con một roi nào. Ông bà dạy con bằng cách nhắc nhở các con về hoàn cảnh gia đình, rằng: “Cha mẹ không thể để lại cho con nhiều gia tài, sự nghiệp, chỉ có thể nỗ lực hết mình lo cho việc học của các con. Muốn có cuộc sống tốt đẹp sau này, các con cần phải tự mình nỗ lực”. Nghe lời cha mẹ, các con của ông bà nỗ lực học hành. Giờ đây, con gái lớn có cuộc sống ổn định, con trai đang học đại học tại TP.HCM.

Thỉnh thoảng rảnh tay, chị Thủy giúp con. Hai mẹ con vừa làm, vừa trò chuyện, không khí gia đình nhờ vậy trở nên vui vẻ và ấm áp hơn

Thỉnh thoảng rảnh tay, chị Thủy giúp con. Hai mẹ con vừa làm, vừa trò chuyện, không khí gia đình nhờ vậy trở nên vui vẻ và ấm áp hơn

Khi các con trưởng thành, ông bà giữ quan điểm tôn trọng và lắng nghe con, không can thiệp sâu vào đời sống của con. Bởi, ông bà hiểu mỗi người có một cuộc đời riêng, khi con trưởng thành, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò người hướng dẫn.

Tôn trọng và lắng nghe nhau chính là bí quyết của một gia đình hạnh phúc. Bằng sự cảm thông, chia sẻ, các thành viên trong gia đình mới có thể hiểu và gắn bó với nhau hơn. Chị Lê Thị Kim Thủy (phường 1, thị xã Kiến Tường) cho biết, anh chị thường nói nhau nghe những điều chưa hợp ý, những mong muốn của mình để hiểu nhau hơn. Chị thương anh bởi anh luôn quan tâm chăm sóc chị từng bữa ăn, giấc ngủ, không cản ngăn hay kiểm soát khi chị làm điều mình yêu thích. Là người tính tình vui vẻ, chị tham gia công tác hội tại địa phương, dành nhiều thời gian cho công việc nhưng anh không hề phản đối. Ngược lại, anh còn đỡ đần công việc gia đình cho chị yên tâm với công việc của mình.

Với các con, anh chị để con tự quyết định một phần cuộc sống của mình và hết lòng ủng hộ những việc làm, dự định đúng đắn của con. Vừa học đại học, con gái chị vừa bán thức ăn vặt online. Khi được hỏi chị không sợ điều đó ảnh hưởng việc học của con sao, chị cười: “Con lớn rồi, có thể tự sắp xếp công việc của mình được nên tôi để con tự làm, không can thiệp”. Thỉnh thoảng rảnh tay, chị giúp con. Hai mẹ con vừa làm, vừa trò chuyện, không khí gia đình nhờ vậy trở nên vui vẻ và ấm áp hơn. Cũng từ đó mà chị và các con gần gũi, hiểu nhau hơn.

Gia đình thường được gọi là tổ ấm, nơi để quay về. Muốn được như vậy thì gia đình phải thật sự là nơi chở che, thông cảm và dào dạt yêu thương, nơi các thành viên cảm nhận được mình thực sự đang yêu và được yêu. Dù thời gian có làm mai một đi nhiều thứ nhưng tình yêu, tình cảm gia đình thì nhất định không được và không bao giờ có thể lợt phai.

Phương Phương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/chuyen-o-nhung-gia-dinh-van-hoa-tieu-bieu-a94793.html