Chuyện ông Mãng nặng nợ trái mãng cầu
Thiên thời, địa lợi và nhờ có thêm tư duy của con người như ông Mãng nên trái mãng cầu nơi đây được tăng giá trị lên nhiều lần
Nằm dưới chân núi Bà Đen, vườn mãng cầu của ông Hà Chí Mãng (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) cùng những thành viên khác của HTX mãng cầu Thạnh Tân được thừa hưởng lượng phù sa cổ hiếm có, cộng với khí hậu ôn hòa nên sản lượng cũng như độ ngon của trái mảng cầu nơi đây khó nơi nào cạnh tranh được.
Chọn hướng đi VietGAP
Dẫn chúng tôi đi một vòng trong khu vườn rộng hơn 10 ha của mình, ông Hà Chí Mãng tự hào khoe rằng tất cả trái mãng cầu ở đây đều được sản xuất sạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAP, dẫn chứng là sản phẩm đã được đưa vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng.
Ngược dòng quá khứ, ông Mãng kể mình rời mảnh đất Bình Định vào Tây Ninh lập nghiệp, thời gian đầu làm cán bộ công chức của tỉnh, chuyên ngành kế toán. Sau này, ông nhận thấy được giá trị của cây mãng cầu, nên đến năm 2000, ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích đất cao su của gia đình sang trồng loại cây đặc sản trứ danh của vùng đất Bà Đen này. "Có một điều đặc biệt là ở khu vực núi Bà Đen, do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cũng như giữa các mùa trong năm khá ổn định nên rất thuận lợi cho việc phát triển cây mãng cầu" - ông Mãng đúc kết.
Khi bén duyên với nghề nông, năm 2005, ông Mãng đã thôi công việc nhà nước để tập trung phát triển HTX mãng cầu. Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, diện tích chừng 4 ha. HTX có vốn điều lệ 210 triệu đồng; ông Mãng góp gần một nửa. Theo ông Mãng, trái mãng cầu của Tây Ninh có hương vị đặc trưng, khác hẳn các vùng trồng khác; tuy nhiên, có thời điểm do chưa biết cách trồng nên nhiều người lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật khiến một thời gian, trái mãng cầu bị người tiêu dùng, trong đó có người dân địa phương, quay lưng. "Thời điểm này, các tiêu chuẩn nông nghiệp GAP chưa thịnh hành, nông dân trồng mãng cầu không theo quy trình cụ thể. Chỉ có thể thành lập HTX mới giúp bà con làm mãng cầu sạch được" - ông Mãng kể.
Nghĩ là làm, ông Mãng đã mời cán bộ trung tâm khuyến nông và những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực, có cả những nhà nông chính gốc, để viết ra quy trình trồng mãng cầu, rồi tiến lên quy trình trồng sạch, nhằm hạn chế cách làm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như trước. Tuy nhiên, chi phí sản xuất sạch cũng cao hơn cách làm truyền thống; ông Mãng dẫn chứng trước đây, khi trái mãng cầu gần chín thì người dân thường xịt thuốc để chống ruồi vàng tấn công nhưng từ khi áp dụng sản xuất sạch, ông cùng với một số bà con dùng lưới xốp bao bên trong, rồi dùng thêm túi lưới cước bọc bên ngoài nên những chi phí này cùng các phí sơ chế, vận chuyển cao hơn cách làm không bao trái.
Bù lại, nhờ cách làm mãng cầu sạch, uy tín sản phẩm của HTX được mọi người biết tới. Sản phẩm của HTX được đưa vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng. "Hàng loại 1 vào siêu thị có giá khoảng 40.000-55.000 đồng/kg" - ông Mãng phấn khởi.
Giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận
Tây Ninh hiện là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước, hơn 5.400 ha, sản lượng mãng cầu hầu như có quanh năm, chiếm khoảng 40% thị trường mãng cầu cả nước.
Theo ông Mãng, phải tính đường dài cho trái mãng cầu, vì nhược điểm của trái này là chuyển hóa độ đường rất nhanh, khoảng sau 2 ngày thu hoạch thì bắt đầu chín, sử dụng không kịp là phải bỏ, nếu không được bảo quản trong điều kiện lạnh phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Mãng cùng cộng sự lỗ gần 300 triệu đồng chỉ sau một năm thành lập HTX. "Thời điểm này, tôi phải chở vợ mang tài sản ra ngân hàng vay vốn thế chấp để phát triển lại HTX" - ông Mãng nhớ lại.
Ông Hà Chí Mãng tâm sự rằng 18 năm làm Giám đốc HTX thì 5 lần ông muốn bỏ hết tất cả "cho khỏe cái thân, vì con đường chúng tôi đi quá trắc trở nhưng nghĩ về tâm huyết ban đầu, nghĩ về sự động viên của gia đình và các thành viên và nghĩ về những mất mát mình đã bỏ ra quá lớn, tôi phải quyết làm cho "ra ngô ra khoai" - ông Mãng bày tỏ...
Với sự kiên trì bền bỉ của người thủ lĩnh này, đến nay, HTX mãng cầu Thạnh Tân đã phát triển được 32 thành viên, tổng diện tích gần 30 ha, trong đó có 25 ha đạt chứng nhận VietGAP. Ông Mãng cho rằng để trái mãng cầu có cơ hội phục vụ thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu, phải làm cho trái chín chậm lại, càng chậm càng tốt.
Ngoài sản lượng trái tươi đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng ổn định, hàng không đạt chuẩn có thể đưa vào chế biến. Khép kín chuỗi giá trị mãng cầu ở Tây Ninh là cách tối ưu giúp nông dân trồng mãng cầu tăng thêm lợi nhuận. "Đó cũng là lý do mà chúng tôi luôn ấp ủ giấc mơ về một nhà máy chế biến mãng cầu; vì hiện nay, đường đi của trái mãng cầu còn bấp bênh, phụ thuộc vào sức mua của thị trường nên những người trồng mãng cầu sạch vẫn chưa có lợi nhuận" - ông Mãng bày tỏ.
Mong mỏi nhà máy sơ chế sớm được hoạt động
Tin vui với ông Mãng và HTX Thạnh Tân là năm 2019, dự án nhà máy sơ chế, xử lý chín chậm và chế biến nước uống lên men đóng lon của HTX được triển khai theo dự án đầu tư công. Dự án được trung ương phân bổ vốn đầu tư hơn 10,5 tỉ đồng. Tỉnh Tây Ninh giao cho UBND TP Tây Ninh làm chủ đầu tư, có công suất chế biến dự kiến từ 2-5 tấn nguyên liệu/ngày, tương đương diện tích 150-200 ha, nhà máy sẽ giải quyết đầu ra cho lượng lớn trái mãng cầu của HTX và người trồng trong vùng dự án. "Khi nhà máy đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng mãng cầu bán giá thấp do không bảo quản được lâu, cải thiện thu nhập cho nông dân" - ông Mãng kỳ vọng.
Hiện dự án chỉ mới hoàn thành nhà xưởng, còn phần máy thiết bị chưa thực hiện được, nên nhà máy chưa thể vận hành. "Chúng tôi rất mong ngành chức năng, đặc biệt là UBND TP Tây Ninh hỗ trợ để nhà máy sớm đi vào hoạt động, để cây đặc sản mãng cầu phát triển bền vững, người nông dân có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình" - ông Mãng mong mỏi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chuyen-ong-mang-nang-no-trai-mang-cau-20230613202915235.htm