'Chuyện phố' – một tự sự văn chương về đô thị đương đại
Chuyện làng, chuyện phố, chuyện người, chuyện mình trong đời sống đô thị đương đại đã được các học giả, nhà nghiên cứu chia sẻ qua những góc nhìn khác nhau trong tọa đàm 'Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại', sự kiện được diễn ra nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết 'Chuyện phố' của tác giả Phạm Quang Long.
Một tự sự về đô thị đương đại
Nhiều năm sống và làm việc tại Hà Nội đã cho tác giả Phạm Quang Long có điều kiện để hiểu và vỡ ra nhiều điều về những giăng mắc trong đời sống đô thị nơi đây. Ông xem Hà Nội như một cái làng lớn, nơi tinh hoa của khắp mọi miền đất nước về hội tụ nhưng đó cũng là nơi giao thương tấp nập nên những gì hay nhất, dở nhất cũng được sàng lọc ở đây.
Từ đó tác giả đã dành nhiều trang viết miêu tả đời sống văn hóa của tầng lớp thị dân ở cả hai chiều: yêu thích và khó chịu. Từ những quan sát đầy tinh tế về đời sống thị dân Hà Nội, ông kể câu chuyện về cách người ta giữ nếp nhà trong biệt thự, cách người ta nướng một con cá, cách người ta mời nhau chén rượu,…
Thị dân trong câu chuyện của ông không hoàn toàn gắn với sách vở, chữ nghĩa mà nó nằm cả trong cách họ chăm chút cho chuyện làm ăn, chăm chút cho từng cái sinh hoạt nhỏ nhất ở trong đời sống với tất cả sự cầu thị tính thẩm mỹ.
Theo TS. Trần Ngọc Hiếu, trong Chuyện phố dường như có một nhân vật thị dân là hóa thân của chính tác giả, đó là một thực thể giữa hai nhân vật Tuấn và Lăng, một nhà báo cựu chiến binh và một thầy giáo dạy đại học. Đó là hai con người bộc lộ rõ nhất vẻ ưu tư, sự day dứt về một cái gì đó đẹp đẽ nhưng cũng rất dễ mai một ở thành phố ấy.
“Nếu Hà Nội mất đi những con người như hai nhân vật Tuấn và Lăng, mất đi những con người ưu tư như thế thì đó là một sự phai nhạt rất lớn”, TS. Trần Ngọc Hiếu chia sẻ thêm.
Khi chứng kiến một đời sống đô thị đầy phức tạp như thế, tác giả đã không khỏi đặt ra trăn trở: “Xã hội sẽ đi về đâu nếu không có tầng lớp tinh hoa và nếu như tầng lớp tinh hoa đánh mất đi vai trò của mình thì có còn là tinh hoa nữa”.
Ông viết: “Cứ thế văn hóa Hà Nội bồi đắp bằng cả nguồn tinh hoa và đại chúng. Tinh hoa dẫn dắt Hà Nội, dẫn dắt cả nước; đại chúng nhờ tinh hoa dẫn đường mà cũng trở nên có giá hơn, được ghi công hơn. Nhưng, bao giờ đại chúng cũng cần được dẫn dắt để đi đúng hướng. Bản chất nó thế. Không có dẫn dắt, tự nó chưa bao giờ đủ tỉnh táo và trí tuệ để đi đến cùng một phong trào nào”.
Chuyện Phố là những điều tác giả suy nghĩ, như chính ông chia sẻ “thấy gì ghi nấy, nghĩ gì viết ra” qua những suy tư đầy chiêm nghiệm. Những vấn đề ông đặt ra trong cuốn tiểu thuyết này mang tinh thần thời đại, trong đó có những trăn trở về con người và về cách mà con người ta đối xử với nhau trong xã hội hiện đại.
Chia sẻ về tính tự sự trong tác phẩm này, PGS-TS. La Khắc Hòa đưa ra nhận xét: “Phạm Quang Long trước hết là người viết văn để nói một cái gì đó với cuộc đời, và điều thật tâm huyết của nhà văn Phạm Quang Long chính là chuyện chúng ta sống với nhau thế nào. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết thế sự, có thể nhập ngay vào dòng chảy của văn học thời kì đổi mới”.
Những kiến giải sâu sắc về phố và người
Trong toàn bộ tiểu thuyết của Phạm Quang Long có hai mảng, thứ nhất là mảng nông thôn nơi tác giả sinh ra; thứ hai là mảng thành phố nơi tác giả sống và “lăn lóc” trong môi trường đó. Từ Chuyện làng đến Chuyện phố, tác giả Phạm Quang Long đã đem đến cho người đọc những kiến giải sâu sắc và gửi gắm triết lý nhân sinh độc đáo về “làng”, về “phố”.
Trong đó, Chuyện phố là cuốn tiểu thuyết nhuốm màu sắc lịch sử, nó là một sự ngoái lại của một giai đoạn Hà Nội, khi những giao cảm xã hội chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường và toàn bộ tiểu thuyết là việc đặt vấn đề cho những gì còn lại sau “cơn biến động ghê gớm” này.
Bìa tiểu thuyết Chuyện phố của tác giả Phạm Quang Long.
Hà Nội trong Chuyện phố là Hà Nội được nhìn từ góc nhìn của tác giả về một đô thị cổ và một Hà Nội thứ hai ngay ở trong gia đình của ông Mưu – một gia đình Hà Nội “gốc”, mưu sinh ở phố cổ từ thời chiến tranh đến lúc hòa bình. Diễn biến chính của tiểu thuyết tập trung vào cuộc sống của gia đình ông Mưu thời Đổi mới, diễn ra trong khoảng chục năm sau năm 1986.
Nền tảng văn hóa truyền thống của gia đình ngày một rạn nứt khi những mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ những hằn học và mưu toan của những người con, dẫu ở chung một nhà song ứng xử lại mỗi người mỗi khác và chẳng thể có tiếng nói chung, còn ông Mưu thì chẳng thể dung hòa được mối quan hệ giữa các con. Ngôi nhà như một điểm để từ đó nhìn ra thành phố, nó cũng tập hợp những con người với đủ nghề khác nhau giống như một bức tranh đô thị đa chiều kích.
PGS-TS. Phạm Xuân Thạch nhận định, đây là cuốn tiểu thuyết được tác giả Phạm Quang Long đầu tư rất nhiều về tư duy tiểu thuyết với một cấu trúc khá phức tạp với một thế giới nhân vật cực kỳ độc đáo. Không chỉ những nhân vật chính mà ngay cả ở những nhân vật phụ cũng có những chi tiết đáng để bạn đọc phải suy nghĩ.
PGS-TS. Trần Văn Toàn thì cho rằng, lịch sử thường đi theo một con đường cắc cớ, có nhiều thế hệ đã đi qua nhưng Hà Nội vẫn ở đó, với tất cả những sự đầy đặn và cái phông văn hóa của nó sẽ chờ đợi một thế hệ mới.
“Chuyện phố sẽ là cuốn tiểu thuyết mang đến nhiều tranh luận và cũng là cuốn tiểu thuyết mang đến nhiều sức gợi, khiến cho độc giả phải suy nghĩ và nghiệm ra nhiều bài học, cũng như suy nghĩ về những đổi thay trong cuộc đời mình”, PGS-TS. Trần Văn Toàn nhấn mạnh.
Bên cạnh giá trị đặc biệt của tính văn chương, sự phức tạp của cấu trúc, tính đối thoại, tính mở thì chính tính nhân văn sâu sắc đã tạo nên nét độc đáo cho tiểu thuyết của Phạm Quang Long. Cái cuối cùng giữ lại của Hà Nội cũng như giá trị cuối cùng của ngôi nhà cho thấy cách xử lý giàu tính nhân văn của tác giả với kết thúc đầy liên tưởng khi đứa con tưởng như là hư nhất lại là đứa giữ lại ngôi nhà.
Thành công của tác giả Phạm Quang Long còn là sự chiêm nghiệm về đời sống, sự chiêm nghiệm đó đã cho ông được hiểu nhiều hơn về những vấn đề lịch sử, tư tưởng, văn hóa đặt ra ở thành phố, trong đó có những điểm chỉ cần chiết xuất ra một mảng cũng có thể trở thành những đề tài nghiên cứu, công trình nghiên cứu.
Sự xuất hiện của PGS-TS. Phạm Quang Long với tư cách là một tác giả, nhà văn, đối với đồng nghiệp và bạn đọc, là một vai trò mới. Ông hiện vẫn đảm nhiệm công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), từng giữ các chức vụ quản lý như Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Các tác phẩm ông đã xuất bản: Nợ non sông (Kịch bản văn học, 2014), Lạc giữa cõi người (Tiểu thuyết, 2016), Bạn bè một thuở (Tiểu thuyết, 2017), Cuộc cờ (Tiểu thuyết, 2018), Chuyện làng (Tiểu thuyết, 2020), Mùa rươi (Tiểu thuyết, 2022), Chuyện phố (Tiểu thuyết, 2023).
Bài và ảnh: Tùng Lâm