Chuyện quanh những đài phát thanh cộng đồng ở Ấn Độ

Ra đời cách đây gần 20 năm, các đài phát thanh cộng đồng ở Ấn Độ nhằm mục tiêu phục vụ cộng đồng địa phương và các nhóm thính giả cụ thể. Thời gian qua, với lợi thế được trình bày bằng tiếng bản địa, hệ thống phương tiện truyền thông này đã gia tăng nhanh chóng, mở rộng phạm vi phủ sóng đến nhiều vùng nông thôn xa xôi và ngày càng thỏa mãn được nhu cầu thông tin, giải trí của người dân.

Tiếng nói của những người không có tiếng nói

Đài phát thanh ngày nay được phát minh bởi Guglielmo Marconi, một nhà vật lý người Italia, người đã chứng minh tính khả thi của truyền thông vô tuyến. Ông đã gửi và nhận tín hiệu vô tuyến đầu tiên ở Italia vào năm 1895. Kể từ khi được phát minh, đài phát thanh đã nổi lên như một phương tiện liên lạc mạnh mẽ và năng động ở cấp cơ sở.

Trong một lần phát biểu trước công chúng, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cũng từng nhấn mạnh, cho đến nay, đài phát thanh vẫn là phương tiện được sử dụng rộng rãi nhất và "khả năng độc đáo của nó là tiếp cận lượng khán giả rộng nhất, trở thành một đấu trường cho tất cả các tiếng nói được lên tiếng, được đại diện và được lắng nghe".

Vào 7 giờ sáng hàng ngày, khoảng 40.000- 60.000 người ở quận Ajmer của Rajasthan (phía Tây Ấn Độ) lại bật đài phát thanh, chuyển sang tần số 90,4 FM để nghe chương trình phát sóng Tilonia do Norat thành lập từ năm 2009.

Vào 7 giờ sáng hàng ngày, khoảng 40.000- 60.000 người ở quận Ajmer của Rajasthan (phía Tây Ấn Độ) lại bật đài phát thanh, chuyển sang tần số 90,4 FM để nghe chương trình phát sóng Tilonia do Norat thành lập từ năm 2009.

Ấn Độ, đài phát thanh đã phát triển mối liên hệ sâu sắc với thính giả ở nông thôn và đây là phương tiện giải trí rẻ nhất. Do khả năng kết nối địa phương và kết nối với người tiêu dùng, các nhà quảng cáo cũng nhận thấy phương tiện này là một khoản đầu tư truyền thông tuyệt vời. Những người điều khiển đài phát thanh cộng đồng ở Ấn Độ còn đóng vai trò là người giúp xây dựng kết nối địa phương khi họ nói ngôn ngữ của khu vực và giúp mang lại sự thay đổi xã hội trong khu vực mà kênh phát thanh hiện diện.

Theo Tiến sĩ Parveen Kumar chuyên nghiên cứu về khoa học, công nghệ và chính sách ở New Delhi, các đài phát thanh cộng đồng ở Ấn Độ phục vụ các cộng đồng, cung cấp nhiều chương trình, quan điểm và nội dung đa dạng; đồng thời phản ánh sự đa dạng của khán giả trong tổ chức và hoạt động của họ. Đài phát thanh ngày nay tiếp cận tới 98,5% dân số Ấn Độ. Người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ chủ yếu dựa vào đài phát thanh cộng đồng để lấy thông tin. Nó cũng vẫn là phương tiện di động và rẻ tiền nhất. Các nghiên cứu gần đây của Chính phủ Ấn Độ cho thấy, khoảng 104 triệu gia đình có đài phát thanh cộng đồng, tức gần gấp đôi số gia đình có tivi.

Một điểm đáng chú ý nữa là nếu so sánh với khoảng thời gian trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, thì nay, số lượng đài phát thanh ở Ấn Độ đã tăng tới 60%. Hiện Ấn Độ có gần 500 đài phát thanh. Báo cáo Khảo sát kinh tế của Chính phủ Ấn Độ từng nhận xét: "Sự gia tăng số đài phát thanh cho thấy phát thanh với vai trò là một phương tiện truyền thông đại chúng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và sát cánh cùng người dân trong suốt giai đoạn đại dịch cũng như sau này”. Báo cáo cũng nhắc tới vai trò của các đài phát thanh cộng đồng trong nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân Ấn Độ. Ngoài ra, lợi thế của phát thanh cộng đồng là được trình bày bằng tiếng bản địa, với vô số phương ngữ, giúp tăng cường diện tiếp cận với công chúng.

Như ở bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ, các đài phát thanh cộng đồng, thông qua chương trình của mình đã trở thành chất xúc tác tạo nên những thay đổi tích cực cho phụ nữ. Alfaz-e-Mewat hay còn gọi là Tiếng nói của người Mewati, một đài phát thanh cộng đồng kết hợp giữa trị liệu nhóm, giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và giải trí có tới hàng triệu khán giả ở Nuh, một huyện nông thôn ở chân núi Aravali, bang Haryana đã giúp thay đổi nhận thức của rất nhiều phụ nữ. Theo báo địa phương, tỷ lệ phụ nữ biết đọc và biết viết ở Nuh thấp nhất cả nước, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến... Thế nhưng, những bản tin dài 30 phút về sức khỏe tinh thần trên đài Alfaz-e-Mewat trong hơn 10 năm qua đã giúp thay đổi cuộc đời của hàng ngàn phụ nữ.

Qua đài Alfaz-e-Mewat, nhiều phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình để rồi nhận được những tư vấn hữu ích. Thậm chí, được truyền cảm hứng từ đài phát thanh, Bhagwan Devi, 51 tuổi đã bắt đầu chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh trong nhà ở làng Bhadas (Nuh) của mình. Hay như nhân viên y tế Preeti Yadav đã tham gia một chương trình phát sóng trực tiếp ở làng Ghaghas, Gurgaon về dinh dưỡng và giúp các phụ nữ ở khu vực này chú trọng hơn về dinh dưỡng, tránh nguy cơ bị thiếu máu.

Báo cáo Khảo sát kinh tế của Chính phủ Ấn Độ đánh giá, phát thanh là công cụ giúp trao quyền và phát triển xã hội cho người dân Ấn Độ. Do đó, Chính phủ Ấn Độ cũng dành nhiều quan tâm cho sự phát triển của ngành phát thanh; trong đó tập trung vào phục hồi các đài phát thanh bị phá sản; cho phép đơn giản hóa các yêu cầu về tài chính đối với các công ty tham gia đấu thầu tần số phát thanh tại các đô thị loại C và D.

Trong hai đài phát thanh lớn nhất Ấn Độ gồm Đài Phát thanh toàn Ấn thuộc sở hữu nhà nước và Đài Phát thanh công cộng Prasar Bharati, Đài Phát thanh toàn Ấn có hơn 240 kênh phát sóng trực tiếp và trên nền tảng ứng dụng di động. Các nội dung phát thanh này được đón nhận không chỉ tại Ấn Độ mà còn tại 85 quốc gia trên toàn thế giới.

Phát thanh phục vụ nông nghiệp

Cách đây nửa thế kỷ, lần đầu tiên cụm từ đài phát thanh cộng đồng được nhắc đến ở châu Âu và Mỹ Latinh. Khi đó, đây là một hiện tượng quan trọng như một sự thay thế/phê bình đối với các phương tiện truyền thông phát sóng chính thống. Ở Châu Phi, việc thành lập đài phát thanh cộng đồng đã trở thành một phong trào xã hội sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid kết thúc.

Năm 1997, Nepal cũng có đài phát thanh cộng đồng đầu tiên là đài Sagarmatha 102,4 MHz. Đây là đài phát thanh cộng đồng độc lập đầu tiên không chỉ ở Nepal mà còn ở toàn khu vực Nam Á. Kể từ khi thành lập, nó luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin của công dân Nepal.

Trẻ em ở Ấn Độ cũng thích nghe các chương trình trên sóng phát thanh.

Trẻ em ở Ấn Độ cũng thích nghe các chương trình trên sóng phát thanh.

Tại Ấn Độ, Tiến sĩ Sreedhar được ca ngợi là cha đẻ của đài phát thanh cộng đồng khi thành lập đài phát thanh cộng đồng đầu tiên ở Đại học Anna, Tamil Nadu. Ý tưởng đằng sau việc thành lập đài phát thanh cộng đồng là người dân địa phương nên sản xuất và phát sóng các chương trình của riêng họ và tham gia điều hành đài. Đây là không gian cộng đồng để mọi người gặp gỡ và hợp tác. Nó cực kỳ thú vị và đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người; tạo điều kiện cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng kể những câu chuyện đa dạng của riêng họ hoặc chia sẻ kinh nghiệm để trở thành những người sáng tạo và đóng góp tích cực cho truyền thông.

Trong số các đài phát thanh cộng đồng nổi tiếng ở Ấn Độ phải kể đến: Đài Anna FM@90.4 MHz, Đài phát thanh cộng đồng Gyanvani, Đài phát thanh cộng đồng Holy Cross, Đài phát thanh cộng đồng Sivanthi, Radio Active, Đài phát thanh cộng đồng DU, Đài phát thanh cộng đồng Jamia, Đài phát thanh cộng đồng Sangham, Đài phát thanh cộng đồng Tiếng nói của chúng tôi, Đài phát thanh cộng đồng Vaanoli, Đài phát thanh cộng đồng Jago Mumbai.

Đặc biệt, vì đài phát thanh là một phương tiện di động mà người nông dân có thể mang theo đến nơi họ làm việc và nghe đài trong khi thực hiện công việc của mình nên hệ thống đài phát thanh cộng đồng cũng đóng một vai trò to lớn trong nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan. Đại học Khoa học Nông nghiệp (UAS) Dharwad đã ra mắt đài phát thanh cộng đồng Krishi (KCRS), FM 90,4 MHz vào ngày 17/5/2007 dành riêng cho nông dân. Hiện đài này vẫn đang phát sóng các chương trình về công nghệ nông nghiệp mới nhất để hướng dẫn nông dân về mô hình trồng trọt, thực hành nông nghiệp cải tiến, công nghệ chăn nuôi, làm vườn...; các hoạt động tạo thu nhập, sức khỏe, vệ sinh, dinh dưỡng.

Ngoài ra, các đài phát thanh cộng đồng khác đang tích cực hoạt động vì sự nghiệp nông nghiệp như Vasundhra Krishi Vahini của Viện Công nghệ Thông tin Vidya Pratishthan (VIIT), Baramati, Maharashtra; đài phát thanh cộng đồng Birsa Haryali của Đại học Nông nghiệp Birsa, Ranchi; Đài phát thanh Adanto, Đài phát thanh cộng đồng của Viện Nông nghiệp Allahabad Đại học AAI Deemed, Uttar Pradesh, Pantnagar Janvani ra mắt vào ngày 15/8/2011 bởi Đại học Nông nghiệp & Công nghệ Govind Vallabh Pant ở Uttarakhand; Đài phát thanh CCS của CCSHAU Hisar và Đài phát thanh cộng đồng điện tử TNAU của TNAU Madras...

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/chuyen-quanh-nhung-dai-phat-thanh-cong-dong-o-an-do-i735759/