Chuyện râu ria người Việt xưa

Trong các tượng thờ, tranh chân dung để lại đến nay, hầu hết các vị vua đều được thể hiện có râu ba chòm uy nghi...

Ảnh chụp sứ đoàn An Nam sang Pháp năm 1863, với Phan Thanh Giản (ngồi giữa) làm Chánh sứ, Phó sứ là Phạm Phú Thứ (phải) và Ngụy Khắc Đản (phải) là Bồi sứ.

Ảnh chụp sứ đoàn An Nam sang Pháp năm 1863, với Phan Thanh Giản (ngồi giữa) làm Chánh sứ, Phó sứ là Phạm Phú Thứ (phải) và Ngụy Khắc Đản (phải) là Bồi sứ.

Sách truyện nước ta thời xưa ít khi mô tả chi tiết dung mạo các nhân vật lịch sử, nên hậu thế không được đọc về những nhân vật râu dài và đẹp gọi là “Mỹ Nhiệm Công” như Quan Vân Trường trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn có những mô tả rải rác về râu ria của người Việt.

Như trong bộ sử triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mô tả về chân dung vua Lê Hiển Tông trước khi lên làm vua là: “Duy Diêu râu rồng, mắt phượng”. Tuy nhiên đây cũng chỉ là mô tả mang tính ước lệ, cũng không có sách sử nào diễn tả chi tiết “râu rồng” là kiểu râu thế nào.

Trong các tượng thờ, tranh chân dung để lại đến nay, hầu hết các vị vua đều được thể hiện có râu ba chòm uy nghi, như trong bức tượng thờ vua Lê Đại Hành ở đền thờ của ngài tại Hoa Lư, Ninh Bình, được xác định tạc đầu thế kỷ XV, thời Lê, chân dung nhà vua được thể hiện với râu ba chòm mỏng.

Mặc dù vậy, cũng có những bức tượng cổ thể hiện chân dung các vị vua nước ta không có râu, như bức tượng được cho là “Vua cõng Phật” được tạc thời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716) đang được thờ tại chùa Hòe Nhai, Hà Nội ngày nay, thể hiện nhân vật đang quỳ cõng tượng Phật có cằm nhẵn nhụi.

Hay bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông an vị tại bảo tháp Huệ Quang, sân chùa Hoa Yên trong quần thể di tích Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), được cho là tạc vào thời Lê trung hưng, sau thời kỳ của Phật Hoàng hàng trăm năm cũng vậy. Do thể hiện Phật Hoàng trong vị thế người xuất gia, nên hình ảnh của ngài không có râu ria, đầu cạo trọc.

Về dung mạo vị vua thực tế nhất, nước ta có duy nhất thi hài vua Lê Dụ Tông, được khai quật từ lăng mộ của ngài ở Bái Trạch, Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa năm 1964. Do được bảo quản khá tốt bằng các kỹ thuật ướp xác phức tạp, nên thi hài nhà vua gần như còn nguyên vẹn, và sau hơn 230 năm được an táng, hậu thế vẫn được biết gương mặt thật của vua Lê Dụ Tông là một người đàn ông ngoài 50 tuổi có tóc hoa râm được cắt ngắn theo kiểu nhà tu, cằm có chòm râu thưa màu đen có vài sợi đã điểm bạc.

Có lẽ mô tả kỹ càng nhất về dung mạo của một vị vua Việt Nam là những ghi chép của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenirs de Hue (Hồi ký Huế). Tác giả này là con trai của Jean Baptiste Chaigneau (một người Pháp sang giúp đỡ cho chúa Nguyễn Ánh, được chúa ban cho tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, sau khi chúa lên ngôi vua đã phong cho ông chức Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu) với bà vợ người Việt.

Do thường xuyên được cha đưa vào cung vua và có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với vua Gia Long nên Michel Đức Chaigneau đã tả lại: “Vua Gia Long da trắng, mắt sáng, chòm râu hoàn toàn bạc và dày hơn râu những người đàn ông khác trong xứ”.

Đặc biệt, Michel Đức còn tả kỹ về chòm râu của vua Gia Long: “Hai bên má của nhà vua có hai hột cơm đen đều mọc râu, tạo thành hai chòm râu nhỏ hai bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau”. Viên sủng thần mang hai dòng máu Pháp - Việt này cũng cho biết vua Minh Mạng cũng có hai nốt ruồi đúng chỗ như vậy, người ta bảo rằng đó là dấu vết riêng của nhà Nguyễn.

Theo ghi chép của tác giả Christoforo Borri trong cuốn “Ký sự xứ Đàng Trong” thì người dân nước ta hồi thế kỷ XVII (cụ thể là phía Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn trị vì) nếu có râu thì sẽ không cạo, dù vị tu sĩ này thấy ít người dân nước ta có râu quai nón.

Những người dân Việt thường đưa ra thắc mắc với các giáo sĩ phương Tây: “Tại sao trong tranh vẽ và trong miêu tả, Đấng Cứu thế mà các ngài tôn sùng lại để râu tóc dài như một người Nararita thực thụ, còn các ngài ở đây lại không?”. Họ nói thêm với giáo sĩ Borri: “Nếu Đấng Cứu thế để râu tóc thì hẳn đó là một tập tục tốt đẹp”.

Jules Silvestre, trong cuốn “Đế quốc An Nam và người dân An Nam” có những ghi chép cụ thể hơn về dung mạo người Việt sau khi đã đi khắp nước ta những năm cuối thế kỷ XVIII: “Đàn ông để râu, và hiếm khi để trước ba mươi, bốn mươi tuổi, giữ rất cẩn thận, tỉa râu mép thành một dải nhỏ trên môi và hai đầu miệng che phủ bởi những sợi râu dài, điều này tạo vẻ có phần hoang dã và không thiếu sự độc đáo”.

Còn bác sĩ Charles-Édouard Hocquard, người theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp thực hiện các chiến dịch xâm lược nước ta năm 1884, tác giả cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, đã viết rằng: “Đàn ông An Nam mọc râu khá muộn, họ không có râu dài và rậm như người châu Âu nên cằm luôn nhẵn nhụi và tuổi tác khó đoán. Tôi chắc rằng bộ râu dài của người Pháp là một thứ gì đó đáng sợ đối với người bản địa; đó là lý do những nhà truyền giáo của chúng ta không bao giờ cạo râu. Trái lại, cũng vì lý do đó, người Bắc kỳ dường như luôn trẻ hơn so với tuổi thật. Tôi cứ cho những người bản địa hơn hai mươi tuổi chỉ chừng mười hai đến mười lăm tuổi”.

Mỗi tác giả có các nhìn nhận riêng về một chủ đề. Trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, tác giả người Pháp Gustave Dumoutier lại nhận xét về việc để râu của người dân nước ta như sau: “Hầu như đến độ tuổi 35, hoặc 40, người An Nam mới để râu. Một thi sĩ bản xứ đã viết bài thơ về chủ đề để râu, dịch nghĩa là: “Thời gian vừa bắt kịp. Khi râu mọc, là lúc giã từ tuổi thanh xuân. Nên luôn luôn nghĩ tới điều này”. Nhưng không vì thế mà những người mày râu nhẵn nhụi không thường xuyên chạy tới cửa hàng thợ cạo”.

Lê Tiên Long

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-rau-ria-nguoi-viet-xua-post617741.html