Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh
Những người dân vùng bãi ngang Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh 5 năm rồi chung tay xây dựng mộ phần, khói hương cho hai chị em người Trung Quốc bị sóng đánh dạt vào bờ biển, giúp nguôi ngoai nỗi đau bậc phụ mẫu của họ nơi xứ lạ xa xôi.
Anh Trần Văn Hậu (thôn Cầu Đá) ngồi giữa những rặng phi lao ngút ngàn nơi bãi biển quê nhà, ánh mắt xa xăm hướng về phía biển. Ký ức thổn thức 5 năm có lẻ ùa về tựa chỉ mới ngày hôm qua.
"Hình ảnh đau lòng xuất hiện 5 năm về trước, vào một chiều hè oi ả đầu tháng 4. Tôi cùng một số người dân bản địa đi thể dục, chứng kiến thi thể hai cô gái trôi dạt vào bờ biển. Họ cùng mặc áo phao, dùng một chiếc khăn choàng cột hai thân thể dính chặt vào nhau. Hết sức đáng thương" - anh Hậu giọng trầm buồn, nước mắt buồn thương chảy dài trên khóe mắt.
Thông tin lập tức được cấp báo đến chính quyền sở tại. Nhà chức trách địa phương vào cuộc điều tra, xác định hai nạn nhân xấu số tử vong khoảng 10 ngày trước đó. Trên người họ không hề có giấy tờ tùy thân, chỉ có 2 chiếc điện thoại iPhone 7 bọc trong túi nylon đeo trước cổ, các ứng dụng trên điện thoại hiển thị bằng chữ Trung Quốc.
Chính quyền cùng người dân bản địa ngay trong đêm đã chung tay mua quan tài, thuê đội khâm liệm an táng theo phong tục địa phương cho hai cô gái. Hai tuần trôi qua, chính quyền địa phương xác định được thân nhân gia đình 2 nạn nhân. Đó là hai chị em ruột tên Wang Ting Ting (SN 1985), Wang Nan (SN 1991), con của một cặp vợ chồng thuần nông nghèo tại tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc).
Thông tin về gia đình hai cô gái xấu số được xác định mở ra chuỗi hành trình xúc động, những cuộc gặp gỡ thấm đẫm tình người giữa bậc sinh thành của họ với những người dân bản địa hồn hậu nơi xứ lạ xa xôi.
Sau khi liên lạc được với bố mẹ nạn nhân, anh Trần Văn Hậu nhờ người kết nối, phiên dịch, đưa đôi vợ chồng khốn khổ qua Việt Nam thăm mộ những người con gái đáng thương của họ.
Hành trình xuyên biên giới gian nan hơn 7 ngày bằng tàu hỏa, đường bộ đưa cặp vợ chồng già từ tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) về Hà Tĩnh trong đêm mưa như trút. Đúng thời điểm đại dịch Covid-19 tại địa phương đang "căng như dây đàn", cuộc gặp của họ diễn ra ngắn ngủi chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt.
“Bố mẹ chị em cô gái tuổi đều đã ngoài 70, sức khỏe yếu. Vừa xuống xe, họ ôm chầm lấy tôi, thân thương như gặp lại cố nhân rồi vội vã lao ra phần mộ 2 cô con gái. Dân địa phương kéo đến chia buồn đông nghịt. Ai cũng khóc. Trước lúc về, họ ôm chặt tôi mãi không rời, nước mắt như mưa, nghẹn ngào gửi gắm chuyện hương khói" - anh Trần Văn Hậu khóe mắt cay cay nhìn về phía biển xa sóng đang thao thiết chảy.
5 năm có lẻ đã qua, anh Trần Văn Hậu cùng những người dân hồn hậu bãi ngang Cương Gián vẫn đều đặn khói hương mồng 1, ngày rằm, làm mâm cúng giỗ cho hai cô gái như đối với người thân. Mái tôn xung quanh phần mộ cũng được họ vận động kinh phí lợp lên để có chỗ che mưa, che nắng.
Nơi Trung Quốc xa xôi, nỗi đau đáu nhớ thương phần mộ những người con đáng thương với đôi vợ chồng già vẫn không phút giây nào nguôi cháy bỏng. Muốn trở lại Việt Nam, nhưng gia đình họ quá nghèo. Tháng 9/2023, anh Trần Văn Hậu cùng những người dân bản địa lại một lần nữa vận động quyên góp, hỗ trợ kinh phí cho chuyến trở về Hà Tĩnh đong đầy nước mắt .
“Những ngày ở Việt Nam, chứng kiến nghĩa cử ấm áp, chân tình của những người dân địa phương, họ nói không thể ngờ ở nơi xứ lạ xa xôi mộ phần, giỗ chạp của con gái họ lại được chăm lo vẹn tròn nhường vậy” - anh Hậu nói.
Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Hà cho hay, hình bóng đôi vợ chồng nghèo hai lần được người dân bản địa tạo mọi điều kiện qua Việt Nam thăm mộ con gái là những hình ảnh thổn thương nhưng đầy xúc động.
"Người dân địa phương hiện tại vẫn luân phiên nhau chăm lo mộ phần, hương khói cho hai cô gái để người đã khuất được yên nghỉ, và người ở lại cũng được yên lòng, nguôi ngoai" - ông Hà thông tin.