Chuyện sản xuất và sử dụng điện sạch ở Trường Sa

49 năm sau ngày giải phóng (29/4/1975-29/4/2024), huyện đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngày càng phát triển giàu đẹp.

Giữa trùng dương xa xôi, nơi có khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, huyện đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta đã tận dụng nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào để sản xuất điện sạch.

Huyện đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng sạch

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã được rất nhiều người Việt Nam biết tới bởi nơi đây trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân sinh sống, làm việc giữa ngàn trùng khơi xa. Thế nhưng rất ít người biết rằng, Trường Sa là huyện đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng sạch. Việc sản xuất và sử dụng điện sạch ở Trường Sa không chỉ là kỳ tích mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

 Sử dụng năng lượng tái tạo tại đảo Đá Lát

Sử dụng năng lượng tái tạo tại đảo Đá Lát

So với các địa phương ở đất liền, ở quần đảo Trường Sa quanh năm đầy nắng và gió. Khí hậu ở quần đảo Trường Sa được chia thành hai mùa: Mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5), gió nhẹ (thường chỉ từ cấp 3 đến cấp 6), nhưng thời gian nắng gắt lại kéo dài. Đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 1 của năm sau) với lượng mưa rất lớn, khoảng hơn 2.500 mm nhưng đi kèm với mưa là gió lớn, đảm bảo cho các máy phát điện sử dụng năng lượng gió hoạt động thường xuyên. Chính vì thế, điện mặt trời và điện gió được phát huy tại quần đảo.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước, nhất là ngành điện, trong những năm qua, các đảo chìm, đảo nổi của quần đảo Trường Sa đã được đầu tư xây dựng hệ thống điện gió, điện mặt trời. Điện mặt trời thường được lắp đặt trên mái nhà hoặc lắp gá vào các đèn chiếu sáng. Điện gió cũng được lắp trên nóc nhà hoặc những vị trí có nhiều gió trên đảo. Hệ thống năng lượng tái tạo này đã tạo ra nguồn năng lượng sạch, đảm bảo cơ bản nhu cầu điện dùng cho sinh hoạt, sản xuất và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đảo. Năng lượng tái tạo ở Trường Sa còn hỗ trợ đắc lực cho bà con ngư dân đánh bắt hải sản tại ngư trường này.

 Pin điện mặt trời trên đảo Tốc Tan B

Pin điện mặt trời trên đảo Tốc Tan B

Các đồng chí lãnh đạo các xã đảo tại huyện Trường Sa cho chúng tôi biết: Vào những ngày nắng, điện mặt trời đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các đảo từ 70% đến 100%. Điện gió nếu không hỏng hóc cũng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện từ 10% đến 30%. Chỉ vào ban đêm hoặc khi trời mưa mới phải dùng đến máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Cùng với xử lý hiệu quả rác thải và trồng nhiều cây xanh, việc sử dụng năng lượng tái tạo đã tạo ra môi trường trên các đảo vô cùng sạch sẽ. Để việc cung cấp điện đồng bộ trên cùng hệ thống, các nguồn năng lượng tập trung về một đầu mối, tích lũy bởi hệ thống bình ắc quy mạnh, sau đó sẽ được điều tiết, phân phối ổn định cho từng khu vực, thời điểm.

Gian nan việc sửa chữa, thay thế

Thượng úy Lê Công Quốc, đảo trưởng đảo Tốc Tan B cho biết: "Do ở Trường Sa khí hậu rất khắc nghiệt nên việc bảo trì các thiết bị khá khó khăn. Do các thiết bị để ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với gió biển mang theo hơi mặn, nắng gắt khiến thiết bị nhanh xuống cấp, bị ăn mòn. Bởi vậy, công tác vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phải được quan tâm đặc biệt".

Để duy trì hiệu quả hoạt động các trang bị trên đảo, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành điện phải thường xuyên kiểm tra, vận hành các thiết bị năng lượng áp mái. Đối với pin mặt trời, thường xuyên lau chùi, bảo quản, kiểm tra vết hoen gỉ; siết chốt chặt và gia cố các ốc. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, đảo chú trọng kiểm tra hệ thống tiếp đất, hệ thống chống sét nhằm đảm bảo cho các thiết bị hoạt động tốt nhất. Ngoài ra, việc thực hành tiết kiệm điện, phân bổ thời gian sử dụng điện hợp lý cũng được chú trọng, góp phần tăng cường tuổi thọ cho hệ thống.

 Sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời trên đảo An Bang

Sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời trên đảo An Bang

Do ở xa đất liền nên việc thay thế thiết bị, phụ tùng hỏng cũng rất khó khăn. Hiện nay, nhiều máy phát điện chạy bằng sức gió bị hỏng. Một số ắc quy dùng lâu đã cũ, khả năng tích điện không cao.

Việc vận hành, bảo dưỡng các thiết bị điện ở đảo gian nan hơn nhiều so với đất liền, vì thế lãnh đạo các xã và chỉ huy các đảo rất quan tâm vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sử dụng tiết kiệm điện. Thường thì chỉ đến 22 giờ, các máy nổ phát điện chạy bằng dầu phục vụ sinh hoạt ngừng hoạt động, đến 6 giờ sáng hôm sau mới phát điện trở lại.

TheoNghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đảo Trường Sa sẽ từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy rất cần sự đầu tư đồng bộ nguồn năng lượng tái tạo tại đây, trong đó cần tính đến yếu tố dự phòng phụ tùng thay thế khi thời tiết bất lợi. Trước mắt, Quân chủng Hải quân và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành điện để duy trì việc duy tu, sửa chữa hệ thống tại các đảo, điểm đảo để đảm bảo cung cấp điện liên tục, đầy đủ.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm về phía Nam Biển Đông, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) gần 600 hải lý. Đây là quần thể gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, bãi san hô, trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000 km2 và án ngữ vùng biển rộng phía Đông Nam nước ta. Trên một số đảo (Song Tử Tây, An Bang, Đá Tây,…), Việt Nam đã thiết lập hệ thống đèn biển để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải khu vực. Đặc biệt, tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Việt Nam còn có Đài khí tượng hoạt động thường xuyên và được quốc tế công nhận trong mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới.

Đỗ Phú Thọ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-san-xuat-va-su-dung-dien-sach-o-truong-sa-317356.html