Chuyện tác nghiệp của phóng viên thường trú

Ở xa tòa soạn, gắn bó với địa phương nơi thường trú, dù có những thiệt thòi, thiếu thốn nhưng anh em phóng viên thường trú luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình, đóng góp cho tòa soạn, cho địa phương.

Khá áp lực

Tôi làm phóng viên thường trú của Báo Lao động Thủ đô tại Nghệ An, một địa phương có số lượng đông cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đóng trên địa bàn, với số lượng phóng viên hùng hậu. Hiện nay, Nghệ An có 85 cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn, trong đó có 3 cơ quan báo chí địa phương, 39 Văn phòng đại diện, 43 cơ quan báo chí thường trú, với tổng số hơn 300 nhà báo, phóng viên.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô tác nghiệp tại Nghệ An.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô tác nghiệp tại Nghệ An.

Phóng viên thường trú của các báo tại Nghệ An chủ yếu là người địa phương. Làm phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại Nghệ An khá áp lực. Áp lực đầu tiên là bởi Nghệ An có rất nhiều nhà báo công tác tại các báo lớn, nhỏ trên cả nước; người làm báo quê Nghệ An luôn được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tên tuổi trong nghề, trong xã hội, do đó, đòi hỏi các phóng viên trẻ, các thế hệ đi sau cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tự tin tác nghiệp, khẳng định bản thân, kế thừa truyền thống. Tuy nhiên, áp lực này cũng là may mắn khi được các anh, chị đi trước chỉ dạy, dẫn dắt, khích lệ.

Áp lực thứ hai cũng thuộc về địa bàn hoạt động, Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ nên phóng viên thường trú ở đây phải nắm bắt, bao quát được các chương trình, sự kiện, hoạt động nổi bật, sự vụ nóng thu hút sự quan tâm của người dân để không bị sót tin; phải khai thác tin ở các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn, không thể theo từng lĩnh vực như phóng viên ở các Ban của tòa soạn. Đặc biệt, có những phóng viên thường trú tại Nghệ An nhưng phải “ôm” luôn tin các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, thậm chí là cả 6 tỉnh Bắc Trung Bộ vì tòa soạn chưa bố trí phóng viên ở đó.

Tỉnh Nghệ An có 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện, trong đó có 11 huyện, thị xã miền núi. Có những huyện như: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, từ thành phố Vinh đi lên phải mất 3 đến 4 tiếng, nếu vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phải mất 6 đến 7 tiếng, vào đến nơi có khi trời tối, phải ở lại qua đêm, phóng viên lại thấp thỏm di chuyển khắp các vị trí để dò mạng điện thoại, máy tính.

Thế nên, khi xảy ra các sự vụ nóng trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An, anh em báo chí thường trú lại lên xe đi huyện và thỉnh thoảng đùa nhau: “Nhớ dặn tòa soạn một tiếng sau chưa có bài đâu nhé”. Bởi vì đôi lúc tòa soạn không thể nắm bắt, hình dung được hết về địa bàn phóng viên tác nghiệp nên giục bài thời sự. Cũng bởi địa bàn nhiều huyện miền núi nên khi anh em phóng viên thường trú đi làm việc cũng được hòa mình vào phong tục, thói quen của địa phương. Nhiều phóng viên chia sẻ khả năng uống rượu, uống nước chè xanh được nhiều hơn khi thường trú tại Nghệ An.

Áp lực thứ ba khi thường trú tại Nghệ An và có lẽ cũng là áp lực của phóng viên thường trú ở nhiều tỉnh, thành, đó là phải lo các việc như lựa chọn vị trí, bố trí văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, trang bị thiết bị máy móc, các phương án tác nghiệp, quan hệ tại địa phương,… Tòa soạn chủ yếu hỗ trợ từ xa và phóng viên thường trú phải trực tiếp làm các công việc liên quan đến hoạt động báo chí tại địa phương. Nhiều cơ quan báo chí chỉ bố trí được một người thường trú nên phóng viên phải quen với trạng thái một mình, thậm chí là cô đơn, nhất là khi đi các nơi tác nghiệp dài ngày.

Một điểm riêng của phóng viên thường trú ở Nghệ An như đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An thường nói một cách thú vị, đầy tự hào tại các cuộc họp giao ban báo chí, đó là những phóng viên mang tính cách người Nghệ: chân thật, hiền lành, yêu thương, tình nghĩa vô cùng nhưng cũng thẳng thắn, cương trực, phản biện, đấu tranh đến cùng với cái xấu, cái ác, một kiểu “yêu thì yêu đến chết và ghét thì cũng ghét đến chết”.

Gần 15 năm làm báo ở Nghệ An, tôi cảm nhận được tình yêu, trách nhiệm và những đóng góp của anh chị em báo chí thường trú dành cho tỉnh Nghệ An để đáp lại sự trân trọng, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự yêu mến của người dân, bạn đọc. Không thể kể hết những nỗ lực để tuyên truyền kịp thời những chủ trương, chính sách của địa phương đến với người dân, phản ánh kịp thời tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; nêu gương người tốt, việc tốt; góp ý, phản biện trong các lĩnh vực; và phản ánh, đấu tranh với những tiêu cực, sai phạm.

Cũng không thể kể hết những hoạt động từ thiện, an sinh, xã hội, vì cộng đồng của các phóng viên báo chí thường trú để đồng hành với cấp ủy, chính quyền chăm lo cho người dân; giúp nhiều mảnh đời éo le, khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Những đóng góp của các cơ quan báo chí trung ương cho địa phương là rất lớn.

Tự hào về nghề nghiệp của mình

Hằng năm, cứ cận kề kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), anh em báo chí thường trú lại nhắn tin, gọi điện cho nhau hẹn lịch liên hoan, chúc mừng ngày vui của nghề. Ở xa tòa soạn, không có nhiều cơ hội được chung vui, tham gia các hoạt động của cơ quan trong dịp ý nghĩa, thế nên những buổi liên hoan của anh em “xa nhà” tự kết nối luôn ấm cúng, ý nghĩa và đáng nhớ. Và những hôm đó, câu chuyện của anh em cũng xoay quanh niềm vui, nỗi buồn của nghề báo; về mong mỏi của những người làm báo - những người lao động đặc thù về đời sống, thu nhập, sự quan tâm, thăm hỏi, chăm lo của tòa soạn.

Tôi nhớ, một lần trong bữa nhậu ở thành phố Vinh, thư ký tòa soạn của một tờ báo vào công tác, lúc cao hứng chia sẻ: “Tôi thề không sợ trời, không sợ đất, không sợ vợ, nhưng tôi sợ lên cơ quan vào thứ Hai. Vì thứ Hai phải họp giao ban, đông người mà bị nhắc nhở, phê bình là ngại lắm”. Cậu phóng viên trẻ thường trú ở Nghệ An, quê ở Hà Tĩnh ngồi đối diện thành thật nói: “Em lại mong được họp giao ban cơ quan, vì bữa đó, em nhìn thấy mọi người trong tòa soạn, thấy mình có cơ quan làm việc, nhất là vui khi nghe tổng biên tập hỏi thăm anh em thường trú trước. Khi mô sếp hỏi, phóng viên Nghệ An có chưa là em trả lời rành to, có ạ”. Câu chuyện nhỏ thế thôi nhưng thể hiện phần nào những mong muốn, niềm vui giản đơn, tình cảm của anh em báo chí thường trú.

Mỗi phóng viên thường trú một nét tính cách và họ luôn tự hào bản thân là những người làm báo, tự hào về cơ quan báo chí của mình; đều xúc động, vui mừng khi bản thân, tên cơ quan công tác được xướng tên trong các giải thưởng báo chí của địa phương, của Quốc gia; nhiều phóng viên thầm lặng rong ruổi ở các huyện miền núi cao, đau đáu, trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn, với những mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo, họ kêu gọi, vận động xây nhà, xây trường, xây cầu, hỗ trợ học phí cho học sinh,…Họ vui và tự hào khi làm được những việc tốt đẹp cho cuộc sống, cho cộng đồng.

Bản thân tôi đã trở nên quen thuộc và lấy làm vui khi nghe anh em đồng nghiệp, cán bộ công đoàn, các đơn vị giới thiệu một cách thú vị rằng: Đây là một người lao động của Thủ đô làm việc tại Nghệ An hay tờ báo thường trú tại Nghệ An, nơi sinh: Hà Nội.

Dù có những thiệt thòi, thiếu thốn, dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng anh em phóng viên thường trú ở Nghệ An luôn chia sẻ: vẫn bám trụ, gắn bó, yêu nghề, làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Và, họ vui, tự hào khi hằng năm đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lại đón nhận những lẵng hoa tươi thắm, những lời chúc mừng, cảm ơn từ lãnh đạo tỉnh.

Mai Liễu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-tac-nghiep-cua-phong-vien-thuong-tru-172427.html