Chuyến tăng cường năm ấy

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Gia Lai tổ chức nhiều đợt tăng cường cán bộ về cơ sở để xây dựng hệ thống chính trị và tham gia bảo vệ an ninh nông thôn. Trong đó, có 2 đợt tăng cường đáng chú ý diễn ra giữa thập niên 80 của thế kỷ trước và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Và, tôi là một trong những người được rèn luyện qua hoạt động mang tính 'thử lửa' này.

Trưa tháng 4-2002, trời nắng như đổ lửa, những cơn gió cuốn bụi đỏ thổi dọc theo con đường ngoằn ngoèo dẫn từ trung tâm huyện Chư Sê về các xã: Al Bá, Bờ Ngoong, Ia Tiêm. Đúng 11 giờ trưa, chiếc xe U oát ngập bụi đường dừng lại trước trụ sở xã Bờ Ngoong. Sau vài thủ tục đơn giản, tôi và anh Phạm Hồng Phong (lúc đó là Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh) chính thức là cán bộ tăng cường tại “điểm nóng” về an ninh nông thôn này.

Đón chúng tôi tại phòng làm việc, Bí thư Đảng ủy Đinh Mêng cho biết: Trụ sở xã là căn nhà cấp 4 chỉ có 5 phòng làm việc nên cán bộ tăng cường phải “tùy nghi di tản”. Điều đó không đáng lo lắm bởi chúng tôi có thể ở nhờ nhà dân hoặc nương tựa Nông trường Cao su Bờ Ngoong. Vấn đề đáng quan ngại nhất đối với chúng tôi lúc bấy giờ là tình hình kinh tế-xã hội, an ninh nông thôn và thực lực hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo anh Mêng, Bờ Ngoong là “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Ngày 2-2-2001, bọn phản động FULRO đã xúi giục hàng trăm đối tượng trên địa bàn xã tham gia biểu tình, bạo loạn. “Nóng” nhất là các làng: Drah 1, Drah 2, Pa Pết 2, Amo, Phăm Ngol… Đặc biệt, Bờ Ngoong chính là quê hương của đối tượng FULRO lưu vong cộm cán Rơ Lan Nglo (Ama Chăm). Sau ngày 2-2-2001, tỉnh, huyện và các bộ, ngành Trung ương cử các đội công tác về giúp Bờ Ngoong ổn định tình hình. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các đối tượng phản động vẫn ngấm ngầm hoạt động dưới cái gọi là “Tin lành Đê ga”. Bên cạnh vấn đề an ninh nông thôn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bờ Ngoong khi ấy còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Trong khi đó, hệ thống chính trị ở một số làng rất yếu, cá biệt có người bị bọn phản động FULRO hăm dọa, o ép…

Người dân làng Drăh (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) góp công sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đinh Yến

Người dân làng Drăh (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) góp công sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đinh Yến

Sau buổi làm việc đầu tiên ấy, Tổ xây dựng hệ thống chính trị xã (gồm 2 cán bộ tăng cường của tỉnh, 1 cán bộ tăng cường của huyện và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã) phân công nhau xuống 19 thôn, làng để nắm tình hình. Nhiều ngày đêm “3 cùng” với dân làng, chúng tôi bước đầu nhận định: Một trong những vấn đề cần quan tâm trước mắt là xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở thôn, làng. Sau đó, nghị quyết về vấn đề này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ xã thông qua. Với sự tham mưu và hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống chính trị các thôn, làng đã được củng cố. Đội ngũ già làng, trưởng thôn và người đứng đầu các hội, đoàn thể đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tích cực vận động quần chúng và sẵn sàng đấu tranh trực diện với bọn phản động. Cùng với đó, công tác dân vận từng bước đi vào thực chất, các đối tượng lầm lỡ dần được cảm hóa, nhiều người chuyển hướng sang ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.

Rút kinh nghiệm từ thực tế buôn làng, công tác xây dựng hệ thống chính trị xã cũng được chú trọng đúng mức. Theo đó, những nhân tố tích cực và đảm bảo tiêu chuẩn quy định đã được đưa vào các chức danh trong hệ thống chính trị. Ngược lại, những trường hợp yếu kém về bản lĩnh chính trị và năng lực công tác dần được loại bỏ.

Sau khi được củng cố, hệ thống chính trị từ xã đến thôn, làng đã tích cực tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và vận động quần chúng. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của xã từng bước phát triển, an ninh trật tự đảm bảo ổn định. Những biểu hiện chệch choạc trong nội bộ đã được chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt, những “điểm nóng” về an ninh trật tự đã chuyển thành “vùng xanh”.

Cuối năm 2004, chúng tôi được Tỉnh ủy điều động trở lại cơ quan công tác. Từ đây, hoạt động tăng cường cơ sở chuyển sang phương thức mới: Cơ quan kết nghĩa, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn. Xã Bờ Ngoong sau đó được chia tách để thành lập xã Bar Măih. Từ xuất phát điểm đặc biệt khó khăn, những năm qua, cán bộ và người dân 2 xã đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Năm 2018, xã Bờ Ngoong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi đó, người anh em Bar Măih cũng có những bước tiến đáng mừng khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đặc biệt, làng Drah thuộc xã Bar Măih cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Có dịp thăm lại mảnh đất nổi tiếng một thời với phong trào “Bờ Ngoong hóa”, tôi cảm nhận được sự yêu quý của cán bộ và bà con nơi đây. Với tôi, những năm tháng tăng cường ở Bờ Ngoong cho mình nhiều thứ, trong đó có tình cảm gắn bó với dân làng.

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202110/chuyen-tang-cuong-nam-ay-5752535/