Chuyến tàu LNG thứ ba cho sản xuất điện cập bến giữa cao điểm mùa khô năm 2024

Gần 200.000 tấn LNG đã được nhập khẩu về Việt Nam từ tháng 7/2023 đến nay. Chuyến tàu lần này cung cấp cho các Nhà máy điện của EVN, EVNGENCO3 và một số khách hàng công nghiệp đúng giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024.

Tàu Hoegh Gandria cập cảng PV GAS Vũng Tàu.

Tàu Hoegh Gandria cập cảng PV GAS Vũng Tàu.

Theo thông tin từ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), tàu Hoegh Gandria đã chở gần 60.000 tấn khí LNG từ cảng Bintulu Malaysia cập bến cảng PV GAS Vũng Tàu, từ đó chuyển giao nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện trong giai đoạn cao điểm vào mùa khô. Đây là chuyến tàu LNG thứ 3 được PV GAS mang về Việt Nam và là chuyến tàu thứ hai trong năm 2024. Tổng cộng, đã có tới gần 200.000 tấn LNG đã được nhập khẩu về Việt Nam kể từ khi hệ thống kho cảng LNG hoàn chỉnh tại Việt Nam đi vào vận hành tháng 7/2023.

“Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc “đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới”, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chủ động triển khai việc nhập khẩu gần 60.000 tấn LNG”, đại diện PV GAS cho biết.

Nhiên liệu LNG sau đó tiếp tục được cung cấp cho các Nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, mã chứng khoán PGV – sàn HoSE) và các khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ.

Trước đó, chuyến hàng trên tàu Al Jassasiya nhập khẩu gần 70.000 tấn LNG vào đầu tháng 4/2024. Từ chiều ngày 11/4, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 của EVN đã bắt đầu phát điện bằng LNG để bổ sung nguồn cấp cho hệ thống điện.

Được biết, ở lần này, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 của EVN cùng các nhà máy điện Phú Mỹ của EVNGENCO3 đã được nhận khí LNG nhập khẩu để phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đúng trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024.

Những ngày cuối tháng 4/2024 vừa qua, nắng nóng gay gắt ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục. Vào ngày 27/4/2024 với công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới khi đạt tới 47.670 MW. So với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023, sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ 30/4-1/5 năm nay đã tăng tới 37,2%. Cùng đó, công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30,6%.

Điện khí đang đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lưu lượng nước về các hồ thấp hơn kế hoạch và trung bình nhiều năm cùng việc ưu tiên tích nước phát điện cho mùa khô khiến huy động từ nguồn thủy điện giảm mạnh. Cập nhật mới nhất về vận hành hệ thống điện quốc gia ngày 05/5/2024, nguồn điện từ tuabin khí chiếm hơn 11,3% sản lượng điện toàn hệ thống.

Thông tin chung về vận hành hệ thống điện Quốc gia ngày 05/5/2024

Công suất lớn nhất trong ngày: 37516,2 MW (Lúc 18:30)
Sản lượng tiêu thụ trong ngày: 814,2 triệu kWh
Cơ cấu sản lượng huy động nguồn điện trong ngày:
- Thủy điện 69,5 triệu kWh
- Nhiệt điện than 556,7 triệu kWh
- Tuabin khí (Gas + Dầu DO) 92,3 triệu kWh
- Nhiệt điện dầu 5,9 triệu kWh
- Điện gió 6,9 triệu kWh
- Điện mặt trời 68,0 triệu kWh
- Nhập khẩu điện 11,6 triệu kWh
- Khác (Sinh khối, Diesel Nam, …) 3,4 triệu kWh

Như Loan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-tau-lng-thu-ba-cho-san-xuat-dien-cap-ben-giua-cao-diem-mua-kho-nam-2024-d214510.html