Chuyện thạc sỹ 'tranh suất' nhân viên lò hỏa táng gây tranh cãi ở Trung Quốc

Dù công việc rất đơn giản nhưng người ứng tuyển làm nhân viên lò hỏa táng có thạc sỹ triết học, kiến trúc sư..., giới trẻ Trung Quốc than thở bằng cấp quá mất giá.

Vào cuối tháng 4, Cục Nội vụ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc công bố danh sách 8 người trúng tuyển vào vị trí nhân viên hỏa táng tại các trung tâm tang lễ thành phố, tờ Xiaoxiang Morning Herald đưa tin. Danh sách này gây chú ý khi có người tốt nghiệp thạc sỹ triết học tại Đại học Trung Hoa ở Hong Kong, một số người khác tốt nghiệp đại học ngành Kiến trúc, Hóa học ở các trường đại học hàng đầu ở Quảng Châu.

Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc. Một quan chức của Cục Nội vụ Quảng Châu cho biết các công nhân hỏa táng được hưởng "bian zhi" - loại phúc lợi đảm bảo công việc ổn định suốt đời. Ở Trung Quốc, chế độ "bian zhi" chỉ dành cho nhân viên các cơ quan chính quyền hoặc các tổ chức trực thuộc.

Để ứng tuyển cho vị trí nhân viên hỏa táng, ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí như: Trình độ học vấn thấp nhất là đại học, thường trú tại Quảng Châu, có bằng lái xe. Công việc đòi hỏi họ phải chạm vào người chết, di chuyển thi thể và phải làm cả ca đêm.

Quan chức trên cho biết: “Chỉ có vài vị trí trống cho công việc nhân viên hỏa tang, nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ. Mặc dù vậy, những người đảm nhận công việc này có mức lương hàng tháng không cao như tin đồn trên mạng. Rất ít người kiếm được tới 10.000 nhân dân tệ (35 triệu đồng) mỗi tháng".

Công việc nhân viên hỏa táng được cho là có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Công việc nhân viên hỏa táng được cho là có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Câu chuyện tuyển dụng nhân viên lò hỏa táng đang gây xôn xao thị trường việc làm của thanh niên Trung Quốc, thu hút 6 triệu lượt xem trên Weibo và hàng nghìn bình luận. Nhiều người cho rằng đây là ví dụ rõ nhất cho thấy các bằng cấp đang bị giảm giá trị: “Người đó chỉ cần tương tác với xác chết, không tham gia vào công việc văn phòng cũng như mối quan hệ giữa các cá nhân, không giống như các vị trí công chức khác, vậy mà vẫn đòi hỏi bằng cấp tối thiểu là đại học”; "Thị trường việc làm Trung Quốc đang khan hiếm khiến bằng cấp mất giá"...

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16 - 24 ở nước này đã tăng lên 15,3% trong quý đầu năm nay, trong khi ở nhóm 25 - 29 tuổi tăng lên 7,2%.

Mùa hè năm nay, khoảng 12 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ rời các trường đại học ở Trung Quốc để tham gia thị trường việc làm và đối mặt với khủng hoảng không tìm được công việc như ý.

Nhật Thùy (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-thac-sy-cu-nhan-tranh-suat-nhan-vien-lo-hoa-tang-gay-tranh-cai-o-tq-ar871374.html