Chuyến thăm 'phòng ngừa'

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 8-9/7 nằm trong tính toán chiến lược của New Delhi khi mà cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng leo thang và cuộc chiến Israel-Hamas không có dấu hiệu giảm bớt...

Thêm vào đó, Pakistan – đối thủ lâu đời của Ấn Độ sẽ gia nhập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên không thường trực trong hai năm, tính từ tháng 1/2025. Cùng với “người bạn trong mọi thời tiết” Trung Quốc, Pakistan được cho là đang thúc đẩy một nghị quyết về Jammu và Kashmir – khu vực tranh chấp giữa hai nước láng giềng Nam Á trong gần 8 thập niên qua.

Chưa kể Ấn Độ sẽ kết thúc nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) vào năm tới. Lần trước vào năm 2018 khi Ấn Độ chưa là thành viên, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đệ trình báo cáo về cái gọi là vi phạm nhân quyền ở Jammu và Kashmir.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước giới truyền thông ở New Delhi vào ngày 22/6. (Nguồn: The Hindu)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước giới truyền thông ở New Delhi vào ngày 22/6. (Nguồn: The Hindu)

Câu chuyện lịch sử và viễn cảnh sắp tới buộc Ấn Độ sẽ phải chủ động hơn trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Trong động thái ngoại giao đáng chú ý, Thủ tướng Modi quyết định tới Nga (lần trước là vào năm 2019), thảo luận song phương với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Modi sau cuộc bầu cử với chiến thắng không áp đảo như kỳ vọng. Hơn 10 ngày trước, ông đã đến Italy tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời mời của người đồng cấp Giorgia Meloni (từ ngày 13-15/6).

Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua tiếp tục cho thấy “độ nóng” của xung đột ở Ukraine với cam kết hỗ trợ vũ khí và tái thiết cho Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Putin đã nói rõ rằng ông sẽ trang bị vũ khí cho các đối thủ của phương Tây nếu có sự leo thang ở Crimea hoặc vùng nội địa Nga và không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Có vẻ như cuộc gặp thượng đỉnh vào đầu tháng 7 tới giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin thiên về chia sẻ quan điểm thế giới hơn là tập trung vào các kết quả song phương. Giới quan sát nhận định, Ấn Độ sẽ phải nhanh nhẹn trong ngoại giao quốc tế vì có nhiều khả năng Công đảng sẽ lên nắm quyền ở Anh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất có thể sẽ bị suy yếu trước cánh hữu trên đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm. Ngoài ra, màn tái đấu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Donald Trump vào tháng 11 năm nay cũng hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc...

Đến giờ phía Ấn Độ vẫn chưa cử đoàn tiền trạm tới xứ sở bạch dương, đây vốn là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ chuyến thăm nước ngoài nào của Thủ tướng.

Như vậy, chuyến thăm Nga của ông Modi diễn ra chỉ vài ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan (3-4/7). Các báo The Hindu, Hindustan Times trích các nguồn tin cho hay, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ có thể sẽ không tham dự cuộc gặp các nhà lãnh đạo SCO với lý do trùng lịch với phiên họp Quốc hội, thay vào đó Ngoại trưởng S Jaishankar sẽ đại diện đất nước sông Hằng tại Hội nghị.

Sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền Nga-Ấn Độ là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của New Delhi. Sự hiện diện sắp tới của Thủ tướng Modi tại Moscow phát đi tín hiệu về sự tiếp tục trong chính sách tự chủ chiến lược của nước này. Bất chấp mối quan hệ chiến lược và an ninh ngày càng tăng với Mỹ và các nước phương Tây quan trọng khác, Ấn Độ vẫn chưa công khai lên tiếng chỉ trích việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời vẫn tăng cường mua dầu thô giảm giá của Nga.

“Bủa vây” trong những bài toán đau đầu cùng những diễn biến mới trên chính trường thế giới, việc Thủ tướng Modi tìm đến Nga là một động thái ngoại giao khéo léo nhằm “dự phòng” cho sự bất ổn toàn cầu phía trước có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tham-phong-ngua-276629.html