Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược
Ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn ông Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm.
Ông Hứa Lợi Bình nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này thể hiện đầy đủ tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước.
Ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước, làm phong phú nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam, mà còn có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc với ASEAN.
Ông Hứa Lợi Bình cho rằng trong thời gian đại dịch COVID-19, quan hệ hai Đảng, hai nước không hề bị ảnh hưởng, mà còn được nâng tầm, điều này thể hiện rõ sự bền bỉ và sức sống của mối quan hệ. Hai bên đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay ứng phó dịch bệnh, hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực vaccine, vật tư phòng dịch, công nghệ chẩn đoán và điều trị.
Hiện nay, hai Đảng đã xây dựng cơ chế giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa cấp ủy các địa phương, tích cực trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường định hướng dư luận.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Điều này thể hiện đầy đủ tiềm năng của thương mại Trung-Việt. Từ năm 2019 đến năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Đến năm 2021, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam.
Đánh giá về hợp tác kênh Đảng, ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh giao lưu kênh Đảng có vai trò định hướng quan hệ Trung-Việt. Ông bày tỏ hy vọng quan hệ hai Đảng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác từ góc độ chính trị và chiến lược.
Trong tương lai, hai bên có triển vọng hợp tác rộng mở trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, phát triển xanh, điện mặt trời, năng lượng sạch...
Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, hai nước có tiềm năng mạnh mẽ trong các lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, hợp tác xuyên biên giới.
Theo TTXVN/Vietnam+