Giảm thiểu tai nạn giao thông đối với học sinh

Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tỉ lệ nạn nhân tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn còn cao, đặc biệt còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 2.326 vụ làm chết 878 người, bị thương 2.266 người.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ đối với trẻ em, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT - TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải: “Chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành”.

Theo ông Trương Trọng Doanh, chuyên viên Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, “Việc tổ chức giao thông ở các cổng trường học còn bất cập, ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ đến trường, tan học diễn ra thường xuyên. Một số trường học chưa bố trí được khu đưa, đón học sinh riêng. Nhiều trường học ở vị trí mặt đường tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với mật độ phương tiện giao thông đông đúc, tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao đối với học sinh...”, ông Doanh nói.

Theo các chuyên gia giao thông, trong khi chờ đợi các ban, ngành chức năng triển khai các mô hình kéo giảm tai nạn tại khu vực trường học, từ những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông cho học sinh có thể thấy giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

Bản thân học sinh cần được học tập, tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng và các giá trị văn hóa giao thông an toàn; thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Các trường cần lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào môn học hoặc sinh hoạt ngoại khóa.

Bên cạnh đó là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giam-thieu-tai-nan-giao-thong-doi-voi-hoc-sinh-404789.html