Chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai đất nước
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28-29/11/2024. Trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đăng quang ngày 29/10/2004. Quốc vương đã có nhiều chuyến thăm tới Việt Nam.
Theo chương trình nghị sự, trong chuyến thăm lần này, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.Thông qua đó, Quốc vương Norodom Sihamoni muốn gửi tới các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam những tình cảm hữu nghị nồng ấm, gắn kết, gần gũi giữa các nhà lãnh đạo Campuchia và lãnh đạo, nhân dân Việt Nam.
Qua đó, góp phần vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm kinh tế, văn hóa, giáo dục, cũng như các lĩnh vực khác. Chuyến thăm của Quốc vương Norodom Sihamoni chắc chắn sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Về thành tựu trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết, trên lĩnh vực chính trị, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm viếng lẫn nhau. Trong năm 2024, phía Việt Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm; mới đây là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, kết hợp tham dự hai hội nghị quốc tế ICAPP 12 và IPTP11 do Campuchia là chủ nhà.
Về phía Campuchia, tháng 12 năm 2023 đã có các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary và Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet; lần này là chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Norodom Sihamoni. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Cụ thể là tháng 7/2024, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã dẫn đầu đoàn Campuchia sang dự lễ viếng và đưa tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Tại thời điểm đó, Samdech Techo Hun Sen đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thông qua đó, góp phần làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai bên và tạo ra định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng và đối ngoại, theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, trong những năm vừa qua, Việt Nam và Campuchia luôn quán triệt tinh thần an ninh, ổn định của nước này cũng là lợi ích của nước kia. Cho nên hai bên hết sức coi trọng hợp tác an ninh-quốc phòng.
Hai bên thường xuyên thực hiện tốt các Nghị định thư 5 năm cũng như Kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Campuchia; giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Nội vụ Campuchia. Qua đó, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau hợp tác và phát triển.
Về đối ngoại, hai bên đã thường xuyên tham vấn lẫn nhau về các vấn đề liên quan lợi ích song phương, cũng như các vấn đề liên quan đến khu vực và quốc tế; bảo đảm cho hai bên cùng xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế một cách hài hòa, bảo đảm lợi ích và chủ quyền của mỗi quốc gia.
Về hợp tác kinh tế, những năm vừa qua, lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất và đứng đầu ASEAN về đầu tư vào Campuchia. Hiện, Việt Nam có 205 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 2,94 tỷ USD.
Một số doanh nghiệp Việt Nam làm ăn khá hiệu quả và đóng góp tích cực cho ngân sách của Campuchia, góp phần vào quan hệ giữa hai nước, như công ty Metfone, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Công ty sữa Angkor Milk, các ngân hàng thương mại và dự án nông nghiệp công nghệ cao của Thaco.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia cũng có những bước phát triển và tăng trưởng đáng ghi nhận. Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương đã đạt 8,4 tỷ USD, hai bên kỳ vọng năm nay sẽ trở lại mốc trên 10 tỷ USD. Đây cũng là tiền đề để hai nước tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của hai Thủ tướng đề ra là mức kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Campuchia đạt 20 tỷ USD.
Hợp tác giữa các ủy ban Quốc hội, các bộ ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và giao lưu nhân dân giữa hai nước thời gian qua cũng tiếp tục được duy trì và phát triển tốt đẹp. Hợp tác giữa các tỉnh giáp biên đã góp phần vào việc bảo đảm ổn định đường biên giới giữa hai nước, phục vụ cho phát triển và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Hợp tác về lĩnh vực giáo dục-đào tạo được hai bên coi trọng. Hằng năm, Campuchia có khoảng 2.400-2.500 lưu học sinh tại Việt Nam, còn Việt Nam có hơn 100 lưu học sinh tại Campuchia. Đây là nguồn bổ sung rất quan trọng cho nguồn nhân lực, hệ thống chính trị của hai nước.
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, thời gian tới, bên cạnh những khó khăn thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, quan hệ Việt Nam-Campuchia sẽ có những cơ hội tốt để phát triển. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ số và chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm và thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp hai nước vào thị trường của nhau, đồng thời cũng là những lĩnh vực để thu hút và tranh thủ nguồn lực của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Campuchia và Việt Nam.