Chuyện thầy lễ và văn hóa tâm linh
Tín ngưỡng thờ Phật, thờ thánh, thờ thần là một nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt, biểu hiện rõ nhất trong các dịp lễ, tết.
Ngày nay, việc đi lễ đền chùa đầu năm và ngày rằm, mồng 1 đang trở thành nét sinh hoạt văn hóa thu hút nhiều người dân tham gia. Theo đó, nghề thầy cúng (còn gọi là giúp lễ) ở các chùa, đền, miếu có cơ hội nở rộ. Từ đây, câu chuyện về chất lượng, tâm đức của những người giúp lễ đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn.
Đời sống ngày càng cao thì nhu cầu thể hiện đời sống tâm linh, văn hóa thờ cúng của mỗi gia đình càng được coi trọng. Cúng lễ tại gia hay ở đền, chùa, miếu đã trở thành việc không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của đại đa số người dân. Tùy quan niệm mà mỗi người có nhu cầu cúng, khấn khác nhau. Nhiều người quan niệm đi lễ ở đền, chùa, miếu mạo là để gần hơn với thánh, thần, Phật, để giác ngộ lòng từ bi hỉ xả trong tâm mình và cầu mong điều tốt đẹp cho người thân, gia đình, tuy nhiên, với nhiều người, việc cúng lễ gần như là một hoạt động mê tín dị đoan.
Hiện nay, ở những ngôi chùa lớn, việc hành lễ do các nhà sư thực hiện theo nghi thức nhà Phật trang nghiêm và thành kính. Các chùa có mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho các thầy cúng với danh hiệu là pháp sư. Tuy nhiên, hầu như ở những ngôi chùa nhỏ, đặc biệt là các đền, miếu, đội ngũ thầy lễ đều do người dân trong làng tự phát mà thành.
Chính vì thế, chất lượng của đội ngũ thầy lễ là điều khiến cho việc cúng bái kém phần linh thiêng. Dịp lễ tết, ở một số địa chỉ tâm linh nổi tiếng, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương, các thầy cúng nếu hành lễ đúng thì không đáp ứng nhu cầu nên việc tụng niệm, khấn vái được các thầy thực hiện hết sức qua quýt. Vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như ở các đền như: Chợ Củi (Nghi Xuân); Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh); Lộc Hoa công chúa, Lê Khôi (Thạch Hà); Võ Miếu (TP Hà Tĩnh); Miếu Ao (Thạch Trị - Thạch Hà)… lượng người đi lễ tăng đột biến khiến đội ngũ thầy cúng làm không hết việc. Thông thường, khách trả lễ cuối năm hay xin lộc đầu năm đều phải hẹn trước với thầy cúng cả tháng trời, thậm chí, phải hẹn giờ ban đêm mới hành lễ được.
Thực tế thì không ít người dân đến đền, chùa, miếu cúng lễ nhưng không hiểu được bản chất của việc đi lễ chùa. Thay vì lòng thành tâm và sự cung kính, nhiều người đến bởi sự tham, sân, si hay tâm lý đám đông, coi việc mình dâng lễ lớn, ngồi gần tượng Phật, tượng thánh, khấn bài dài… là hơn người khác nên dẫn đến tình trạng chen lấn, lộn xộn. Nhiều người không tự phát tâm khấn mà nghĩ rằng, nhờ thầy thì mới thấu. Điều đó cũng tạo cơ hội để một số người nhân danh nghề thầy cúng trục lợi, hành lễ thiếu nghiêm trang, thành kính. Phần lớn các thầy đều “chạy sô” nên chất lượng hành lễ rất kém.
Dựa trên tờ sớ người đi lễ viết sẵn, thầy cúng sau một tràng tụng niệm như băng catset tua nhanh đã đọc tên gia quyến và khấn cầu những điều họ yêu cầu cũng rất nhanh, rồi thay vì để người hành lễ tung âm dương xin quẻ, thầy kiêm luôn việc này. Nhiều nơi, nhiều lúc, thầy còn đọc sai tên họ được ghi trên sớ hoặc đang cúng thì chuông điện thoại reo nên dừng lại “alô” để xếp lịch cho khách hàng khác. Thậm chí, có nơi chưa làm lễ, thầy đã đặt vấn đề giá cả. Để được việc cho mình và do thiếu hiểu biết, nhiều người đã mặc nhiên chấp nhận thực trạng đó.
Đơn cử như ở đền Võ Miếu (TP Hà Tĩnh), dịp cuối năm, đầu năm, lượng người đến lễ đền rất đông, chính vì vậy, các thầy giúp lễ ở đây tổ chức đăng ký từ trước tết hàng tháng trời. Ban quản lý cũng không kiểm soát kỹ trình độ, năng lực, nhân thân của từng thầy lễ mà chỉ trên cơ sở người quen cũ của đền. Do mỗi ngày có thầy làm lễ hàng trăm sớ nên người đứng ngồi lộn xộn, bụi và khói hương vương đầy chiếu và quần áo tín chủ. Có thầy còn tổ chức đăng ký và viết sớ, thu tiền sắm lễ tại nhà, tổ chức tour đi làm lễ ở các địa chỉ tâm linh khác.
Mặc dầu đã mua sớ và trả tiền lễ cho thầy nhưng khi xong phần lễ, mỗi người lại phải bỏ thêm 10.000 - 20.000 đồng trước bàn lễ, tạo nên cảnh tượng phản cảm, khiến cho tính chất trang nghiêm trong việc cúng bái không còn nữa. Nhiều người không đồng tình nhưng không dám lên tiếng vì muốn thực hiện việc tâm linh cho trọn vẹn. Bóng dáng của người quản lý di tích này trong các hoạt động hành lễ trong dịp tết gần như không thấy.
Cúng bái là một hoạt động tâm linh, người hành lễ cần có nhân thân, đạo đức tốt, tuy vậy, không phải đền, miếu nào cũng coi trọng điều này và không phải người đi lễ nào cũng có thể kiểm soát được. Chúng tôi đã nghe người dân phản ánh về thầy lễ ở một xã thuộc huyện Thạch Hà từng có thâm niên lập am cúng tại nhà và thỉnh thoảng lên đền Thánh Mẫu thượng ngàn - Lộc Hoa công chúa làm lễ cho người khác. Trong khi gia đình thầy này con cái không ngoan, thậm chí từng sa vào vòng lao lý.
Thế nhưng, chẳng ai cấm nên thầy vẫn ngang nhiên lập điện thờ ở nhà và hành lễ cho các tín chủ nhiều năm liền. Nhiều tín chủ mù quáng vẫn tìm đến và không hề hay biết gì. Tệ hại hơn, ở nhiều đền, chùa, các thầy giúp lễ còn không nắm rõ được lịch sử của di tích, không hiểu đền, miếu thờ ai nên nội dung các bài khấn không đúng.
Trong hệ thống đền, miếu tại Hà Tĩnh, có thể nói, đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu là đơn vị làm tốt nhất vấn đề này. Với những tờ sớ, tờ thơ được bán theo quy định và đội ngũ thầy lễ đeo thẻ, nhận tiền bồi dưỡng tùy tâm của khách, tuy đông người nhưng không to tiếng cãi vã, chèo kéo khách. Ông Phan Công Đính - Trưởng ban Quản lý di tích này cho biết: “Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các thầy giúp lễ, từ 4 năm nay, chúng tôi đều tổ chức thi để chọn những người có khả năng thực sự.
Hiện nay, đền có 45 người hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy chưa thể nói chất lượng hoàn toàn tốt nhưng thông qua việc thi cử cũng đã đảm bảo những yếu tố cần thiết của một người giúp lễ. Nhờ đó, trong những dịp cao điểm, các hoạt động ở đền Nguyễn Thị Bích Châu vẫn diễn ra rất trật tự và giữ gìn được nét văn hóa của ngôi đền thiêng nơi cửa bể Kỳ Ninh”.
Hàng năm, Sở VH-TT&DL đều có hoạt động kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, tuy nhiên, chỉ tổ chức từng đoàn đến các địa điểm tâm linh để kiểm tra mang tính “mùa vụ” thì chưa phải là giải pháp hữu hiệu. Để nâng cao chất lượng các hoạt động hành lễ ở các di tích lịch sử văn hóa, đảm bảo tính trang nghiêm, còn cần sự nỗ lực của chính quyền sở tại, ban quản lý các di tích, đặc biệt là ý thức, nhận thức của người đi lễ.
Anh Hoài
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/chuyen-thay-le-va-van-hoa-tam-linh/107334.htm