Chuyện thời sự: Chuyện hạ tầng ở thị xã quê tôi
Hơi bị lâu rồi anh tôi chưa về thăm quê, nên nghe tôi 'tả cảnh, tả tình' ở quê mình hiện nay ổng mê lắm…
- Bàn Dân nè, nghĩ cái thời “bốn chấm không” này sao mà hay quá xá hả ông! Mới hồi nào mình có việc cần liên hệ với ông anh nhà ở xóm Bàu Cối trong xã Suối Đá, chỉ cách nhà mình ở gần chợ Long Hoa có mười mấy cây số thôi mà không cách chi liên lạc, đành phải “canh me” xe chở công đốn mía lúc ba, bốn giờ sáng để quá giang vô đó gặp anh rồi chiều lại tót lên xe chở mía quay về. Vậy mà bây giờ ông anh định cư ở nước ngoài xa nửa vòng trái đất, mới hồi khuya này ổng gọi mét-sen-giơ về nói chuyện với mình cả tiếng đồng hồ như là anh em ngồi kế bên nhau không bằng…
- Vụ xài điện thoại in-tơ-nét bây giờ ai mà chẳng biết, mà anh em ông “tám” với nhau chuyện gì lâu vậy?
- Chuyện này tôi ngại quá, nói với ông hổng biết có… phiền phức ông không nữa?!
- Ông cảm thấy ngại thì khoe chuyện liên lạc tới nước ngoài với Bàn Dân làm gì, còn sợ làm phiền này nọ nữa. Nhìn vẻ mặt ông, Bàn Dân đoán là có chuyện vui phải không?
- Ừ, à… ông anh khoe với mình là ổng mới đi cúng đàn lần đầu tiên ở thánh thất S.J nơi ổng định cư bên Mỹ…
- Nhà ông theo đạo gốc, ông anh ông xuất cảnh cũng lâu rồi, sao nay mới đi cúng đàn ở thánh thất bên ấy?
- Chuyện này có hơi tế nhị, vì bà con có đạo bên ấy nhiều nhóm riêng rẽ lắm, đồng đạo mà có khi không đồng quan điểm tín ngưỡng với nhau. Chỗ thánh thất ông anh mình mới đi cúng mấy chục năm nay đứng riêng ra, gần đây mới quy thuận Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, hôm cúng đàn có Ban Đại diện Hội thánh ở hải ngoại đến chứng đàn cung kính lắm.
- Có lẽ ông anh ông ít về quê, nhất là về trong những dịp lễ lớn trong đạo nên không biết, chứ kỳ lễ nào tháng Giêng hay tháng Tám âm lịch trong nội ô đều có gian trưng bày hình ảnh đạo sự của Ban Đại diện Hội thánh hải ngoại đó chứ! Rồi ngoài chuyện đó ra, ông anh ông có hỏi chuyện gì về quê mình, nơi có đặt Tổ đình của đạo ở đây không?
- Có chứ, hơi bị lâu rồi anh tôi chưa về thăm quê, nên nghe tôi “tả cảnh, tả tình” ở quê mình hiện nay ổng mê lắm…
- Ông kể lể những gì mà dám nói ổng mê dữ vậy?
- Tôi chỉ kể sơ mấy chuyện như là trong thị xã mình, tức là vùng Tòa Thánh - Long Hoa xưa nay đó, cả một vùng “trận đồ Bát quái” như “ô bàn cờ” gần như là sạch sẽ không còn con đường đất nào hết. Nhứt là các con đường chính nối từ trung tâm huyện, tức vùng Tòa Thánh - Long Hoa ra quốc lộ 22B như là các đường Châu Văn Liêm, tức đường Phổ Đà Sơn cũ; đường Lý Thường Kiệt - Phạm Hùng, tên cũ là đường Ca Bảo Đạo; đường Hùng Vương - Tôn Đức Thắng, tức là đường Báo Quốc từ - Cửa 5 Long Hoa - Giang Tân cũ; đường Nguyễn Huệ - Nguyễn Chí Thanh, tức đường Cao Thượng Phẩm cũ và đường An Dương Vương - Trần Phú, tức lộ Bình Dương cũ nay thực sự đều là các “đại lộ” rộng rãi, thảm bê tông nhựa phẳng phiu, có vỉa hè lát gạch, có đèn đỏ - đèn xanh ngon lành, y như ở đô thị lớn luôn.
Ông anh nghe tới đó, chen lời vô nói, ổng nhớ hồi đó có duy nhất đường Cửa 5 Long Hoa - Giang Tân là độc đạo cho xe đò chạy từ quốc lộ vô chợ Long Hoa thôi, còn mấy đường kia gần như đều đứt quãng, dân lấn ra trồng hàng bông kín hết… Vậy lúc giải toả làm đường chắc khó khăn, phức tạp lắm hả? Tôi trả lời ổng: Em là “hậu sanh” nắm không rõ vấn đề, nhưng có hỏi thăm các ông bà lớn tuổi thì được biết, hầu hết các con đường ấy từ xa xưa đều đã có “hoạ đồ” của đạo ấn định vị trí, kích thước lộ giới rõ ràng hết, cho nên sau ngày hòa bình, thống nhứt, khi chính quyền cách mạng quy hoạch mạng lưới đường bộ đều có tôn trọng lịch sử giữ lại như xưa hết.
Đặc biệt là dân cư vùng này tuyệt đại đa số đều là người có đạo, nên khi Nhà nước thông báo giải toả, hầu hết đồng bào đều răm rắp tuân hành, chỉ có một ít trường hợp ở đường Lý Thường Kiệt, ở đường trước cửa 1 chợ có thắc mắc khiếu nại, nhưng cũng đã giải quyết êm xuôi theo đúng quy định pháp luật. Nhờ vậy, mấy năm qua, mặc dù không phải đầu tư quá tốn kém, thị xã mình đã phát triển rất tốt cơ sở hạ tầng giao thông. Rồi hễ giao thông nang cấp, mở rộng đến đâu thì kinh doanh thương mại phát triển đến đó, bộ mặt đô thị sung mãn ngó thấy.
- Ông nói vậy là đúng thực tế lắm, rồi ông anh ông có cho biết cảm tưởng gì không?
-Ổng hỏi thêm “một lô” chuyện kinh tế xã hội nữa chớ. Nhất là chuyện hạ tầng, ổng vẫn còn nhớ ở khu vực những con đường mới mở nối ra quốc lộ hồi xưa bế tắc nhứt là chuyện thoát nước trong mùa mưa. Tôi mới kể thêm với ổng chuyện mà tôi cũng vô cùng tâm đắc là chuyện Nhà nước cho thi công hệ thống cống thoát nước thành phố Tây Ninh - thị xã Hòa Thành, từ khu vực bàu Cà Na qua suối Kiều ra cánh đồng Ao Hồ thoát qua kênh Sê-vin xuống sông Vàm Cỏ Đông; rồi công trình thoát nước vùng trũng Trảng Mây kết hợp hệ thống cống thoát dọc các con đường mới… nên dân cư các khu vực không còn vất vả “chống lụt mùa mưa” như những năm trước nữa. Ông anh tôi mới bày tỏ sự thỏa mãn và hứa sẽ cố gắng thu xếp để đến dịp đại lễ rằm tháng Tám âm lịch năm nay sẽ về thăm quê một chuyến.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-thoi-su-chuyen-ha-tang-o-thi-xa-que-toi-a159991.html