Chuyển tiền qua Ví: Giảm dần thói quen tiêu dùng tiền mặt
Dù rằng hạn mức giao dịch của một ví điện tử sẽ được giới hạn tối đa ở mức 20 triệu đồng/ngày (theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán), nhưng điều này cũng đã và đang dần loại bỏ thói quen tiêu dùng tiền mặt trong xã hội.
Thói quen mới được hình thành
Hiện nay, vẫn còn có ý kiến trái chiều không đồng thuận với việc NHNN quy định hạn chế hạn mức giao dịch đối với ví điện tử vì họ cho rằng, hạn mức chỉ ở mức 20 triệu đồng/ngày sẽ làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển của ngành kinh doanh.
Cụ thể, đại diện một công ty chuyên về thanh toán đưa ra ví dụ rằng, hiện giá trị nhiều mặt hàng trên các website thương mại điện tử (tivi, iphone...) cũng như nhiều giao dịch online phổ biến như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… đã vượt quá hạn mức 20 triệu đồng đối với cá nhân như đề xuất tại dự thảo.
Còn đối với tổ chức, nhiều doanh nghiệp lớn dùng ví điện tử để chuyển các khoản tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, chuyển các khoản hỗ trợ nhỏ cho đại lý bán lẻ, vì vậy việc hạn chế hạn mức hàng ngày sẽ khiến dịch vụ dành cho khách hàng là doanh nghiệp không hoạt động được. Quy định này sẽ làm hạn chế việc mở rộng các dịch vụ phục vụ khách hàng doanh nghiệp trong tương lai…
Thế nhưng, trên thực tế khi khảo sát một số người tiêu dùng thực sự thì phần lớn người tiêu dùng lại tỏ ra không quan tâm đến hạn mức hàng ngày, ngoại trừ những trường hợp thanh toán thực sự đặc biệt. Nói như chia sẻ của chị Thùy Dung (nhân viên văn phòng), từ khi lựa chọn trải nghiệm thanh toán bằng ví, chị cảm thấy hài lòng về mọi mặt. Còn đối với hạn mức 20 triệu đồng/ngày, với một nhân viên làm công ăn lương như chị thì đó đã là con số quá lớn. Với chị, việc quy định hạn mức giao dịch trong ngày không chỉ giúp các tổ chức tài chính quản lý được nợ, mà còn là công cụ hữu hiệu để người tiêu dùng không “vung tay quá trán”.
Tương tự như chị Thu Hiền (nhân viên kinh doanh tại một công ty bất động sản) chia sẻ, thu nhập hiện tại của hai vợ chồng thuộc loại khá, nên nhu cầu hưởng thụ của cả hai cũng tăng lên. Chuyện mua sắm các loại hàng hóa, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… chị thanh toán hàng ngày và có lúc mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc không hạn chế mức thanh toán qua ví không làm chị phiền lòng mà còn giúp chị bình tĩnh suy nghĩ lại về hành vi mua sắm của mình trong một ngày. “Tôi cảm thấy việc sử dụng ví điện tử thanh toán thay tiền mặt đã là một lợi ích lớn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, điểm tích cực hơn nữa là việc chi tiêu qua ví, qua thẻ bị hạn chế về hạn mức giúp tôi có thể quản lý tài chính tốt hơn là cầm tiền mặt. Đây chính là điểm mà tôi thấy hài lòng nhất”, chị Hiền nói thêm.
Không chỉ nhanh, còn an tâm
Quả vậy, không phải không có lý do mà NHNN lại đưa ra một dự thảo thông tư quy định cụ thể về việc sử dụng ví điện tử. Về mặt lý thuyết, ai cũng cần hiểu rằng, hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức, nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ. Có thể đối với DN, các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 20 triệu đồng/ngày, thậm chí là vượt 100 triệu đồng/ngày.
Thế nhưng, các tổ chức tài chính đều có những gói dịch vụ riêng để phục vụ việc thanh toán số tiền lớn cho DN. Ngược lại, về phía người tiêu dùng, hiện nay vẫn đang làm quen với hình thức thanh toán mới, dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ nên chuyện hạn chế hạn mức thanh toán là một giải pháp tốt để kiểm soát rủi ro tài chính cá nhân. Mặt khác, các vụ việc lừa đảo tiền trong quá trình thanh toán trực tuyến thời gian qua vẫn chưa lắng xuống, thế nên NHNN có những quy định chặt chẽ liên quan đến các giao dịch qua ví, cổng thanh toán không có gì là khó hiểu.
Từ cảm nhận của người tiêu dùng trong việc dùng ví, có thể thấy rằng, phương thức thanh toán trực tuyến qua mạng và các thiết bị di động đã có sự cải thiện rõ rệt vì phần đông người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận được tính thuận lợi cũng như không còn lo ngại chuyện an toàn, bảo mật như trước.
Về vấn đề này, một chuyên gia thuộc Văn phòng đại diện VECOM tại TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận rằng, các kết nối thanh toán không tiền mặt thông qua ví, thẻ đã bắt đầu ăn vào tâm lý của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, ở Việt Nam việc thanh toán Code (nhận hàng mới trả tiền) vẫn còn phổ biến, bởi đa phần người tiêu dùng chưa tin tưởng vào thanh toán trực tuyến thì nay, nhiều người bắt đầu bỏ dần thói quen trên và chọn thanh toán qua ví điện tử, qua thẻ cho tiện lợi.
Một trong những lý do chính kéo thanh toán trực tuyến đến gần với người tiêu dùng trẻ là ai cũng có trong tay điện thoại thông minh. Cộng thêm chuyện rất nhiều TCTD, công ty cung cấp giải pháp thanh toán thông qua cổng thanh toán VISA, trong khi cổng này vừa công bố Lộ trình an ninh thanh toán cho Việt Nam với những phương thức tiên tiến giúp tăng cường bảo mật thanh toán trong những năm tới. Lộ trình tập trung liên tục khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán nhằm đáp ứng được tốc độ mà công nghệ đang thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng càng hấp dẫn người tiêu dùng.
Và như đã nói ở trên, để kiểm soát rủi ro đặc biệt nghiêm trọng, NHNN cũng không ngừng ban hành dự thảo, quy định mới vô cùng chặt chẽ trong việc kiểm soát thanh toán trực tuyến giúp cho người tiêu dùng ngày càng yên tâm hơn. Hơn nữa, qua khảo sát sơ bộ thông qua người tiêu dùng trẻ, chúng ta cũng có thể nhận thấy giới trẻ đang ngày một tiến dần hơn tới việc thanh toán không dùng tiền mặt vì họ đã hiểu được tiện ích và lợi ích của việc không dùng tiền mặt…